Ngày 13/10, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã ban hành thông báo hỏa tốc về ý kiến chỉ đạo và kết luận của ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Theo đó, sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp khi khôi phục lại hoạt động sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định cho phép doanh nghiệp đã đăng ký mô hình "3 xanh", được phép triển khai các hoạt động sản xuất dựa trên phương án phòng chống dịch Covid-19. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm sau.
Đối với những tổ chức, doanh nghiệp có quy mô lớn, số lượng lao động nhiều, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường máy lạnh, nguy cơ lây nhiễm cao cần được quan tâm hậu kiểm sớm nhất có thể.
Doanh nghiệp hoạt động theo mô hình "3 xanh" và "3 tại chỗ", khi cho công nhân về lại nơi cư trú phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, giấy đi đường và xác định cung đường người lao động đi là từ nơi ở đến nhà máy cho người lao động (các loại giấy tờ này do doanh nghiệp cấp và tự chịu trách nhiệm).
Cấp huyện sẽ xem xét cho người lao động đã có đủ các loại giấy tờ nêu trên về nơi cư trú và quay trở lại nơi làm việc vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp cho người lao động về lại nơi cư trú phải thông báo trước cho cơ quan quản lý, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định làm lây lan dịch bệnh.
UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, sắp tới cả chính quyền và doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Vì vậy, doanh nghiệp cần có phương án xử lý F0 trong nhà máy theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời giao Sở Y tế tỉnh có hướng dẫn thêm vấn đề xử lý khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp ở tình hình mới để áp dụng đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh.
Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện, thị, thành phố kịp thời thành lập các trạm y tế lưu động, xử lý nhanh chóng các trường hợp F0 phát sinh trong vòng 30 phút.
Đẩy mạnh triển khai xây dựng "pháo đài xanh" tại các nhà trọ và phương án xử lý F0 tại nhà trọ do UBND cấp huyện, thị xã, thành phố phụ trách. Một phòng trọ phải được đảm bảo lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 1 lần/tuần.
Còn tại doanh nghiệp, khi đón công nhân vào nhà máy phải thực hiện xét nghiệm 2 lần trong tuần đầu tiên, sau đó sẽ xét nghiệm 1 lần/tuần theo hướng xoay vòng đại diện cho từ 15 – 20% số công nhân và đảm bảo trong tuần, mỗi công nhân phải được xét nghiệm ít nhất 1 lần.
Bình Dương cũng giao các đơn vị cần ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 2 cho công nhân, người lao động, kể cả lực lượng nhà thầu của doanh nghiệp đang thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Y tế rà soát tình hình thực tế, tham mưu quy định giá trần xét nghiệm. Có quy định, cơ chế cho phép các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh được bán bộ kit xét nghiệm và sinh phẩm dùng cho việc xét nghiệm Covid-19.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận công nhân, lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc trong thời gian tới.