Theo phản ánh của Công Ty Cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng (Công ty Đất Vàng), vào năm 2009, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 2334/QĐ-UBND phê duyệt kết quả trúng đấu giá tại các lô đất số 14,16,18, 20 Lý Thường Kiệt, TP.Huế cho Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long.
Ngày 2/2/2010, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 349657, thửa đất số 37, tờ bản đồ số 25 với mục đích sử dụng đất là xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê, thời hạn sử dụng đất lâu dài.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Đất Vàng tại hợp đồng chuyển nhượng vào ngày 9/6/2014.
Ngày 23/6/2014, Công ty Đất Vàng đã làm thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau khi hoàn thành xong thủ tục đăng ký biến động, Công ty Đất Vàng xin chuyển sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 349657 thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 511837 ngày 7/7/2014.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BP 511837 vẫn giữ nguyên mục đích sử dụng đất là xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê, thời hạn sử dụng đất lâu dài.
Năm 2019, HĐQT Công ty Đất Vàng lên kế hoạch phát triển kinh doanh, muốn đầu tư thửa đất 37 thành một công trình bề thế, có kiến trúc đẹp, phù hợp với yêu cầu phát triển của một TP.Huế hiện đại, nên có văn bản đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành liên quan cho phép điều chỉnh phương án kiến trúc và giấy phép xây dựng.
Tất cả công văn xin điều chỉnh thiết kế, Công ty đều thực hiện đảm bảo tính pháp lý, mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, tính từ công văn xin điều chỉnh thiết kế gần nhất là ngày 22/2/2021, Công ty không nhận được phản hồi từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Công ty cũng đã đăng ký lịch làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế 3 lần (theo các công văn ngày 30/7/2021, 30/8/2021 và 15/9/2021) liên quan đến việc điều chỉnh giấy phép xây dựng và phương án kiến trúc tại thửa đất số 37, nhưng sau 60 ngày Công ty không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Công ty Đất Vàng, sự chậm trễ này đã khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn khi kế hoạch kinh doanh bị đình trệ, lãi vay ngân hàng ngày càng lớn, hàng trăm lao động mất việc làm và doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nhân sự khi dự án tiếp tục triển khai…
Nhằm nắm thông tin đa chiều về vụ việc, PV Dân Việt đã có buổi trao đổi với ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Phan Quý Phương cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn cố gắng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư các dự án trên địa bàn.
Tất cả các dự án lớn nhỏ UBND tỉnh đều chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp thực hiện, khi có vướng mắc thì phải báo cáo để tháo gỡ ngay.
Theo ông Phương, lãnh đạo UBND tỉnh luôn ý thức được rằng doanh nghiệp càng phát triển thì bộ mặt đô thị sẽ đổi mới, tạo được công ăn việc làm cho người dân, tạo ra sản phẩm và doanh nghiệp có điều kiện đóng góp vào ngân sách. Vì vậy, các sở ngành nào chậm trễ, không thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
Còn đối với dự án của Công ty Đất Vàng, ông Phương cho biết, trong thời gian 2 tháng, mặc dù UBND tỉnh không phản hồi bằng văn bản việc Công ty Đất Vàng đăng ký làm việc nhưng bản thân ông đã gọi điện thoại và trực tiếp gặp riêng đại diện chủ đầu tư để trao đổi, giải thích về những vướng mắc tại dự án.
"Không gặp ở đây có nghĩa là mình không tổ chức cuộc họp chính thức có nhà đầu tư ngồi đó. Nội bộ chúng tôi bàn thế nào, tạo cách tháo gỡ thế nào đã, không phải nhận phản ánh của doanh nghiệp mà mình bình chân như vại", ông Phương giải thích.
Ông Phương cho biết, dự án này UBND tỉnh cũng tạo mọi điều kiện và những vướng mắc đang được tỉnh nỗ lực tháo gỡ. Hiện UBND tỉnh đang giao các cơ quan liên quan, trong đó có Sở TNMT, xử lý vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sở TNMT được giao tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ TNMT việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ông Phương nói, đến nay UBND tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc họp để giải quyết các vường mắc tại dự án này, trong đó vào các ngày 12/8 và 22/9 tổ chức 2 cuộc họp do chính ông chủ trì.
Vì những vướng mắc đang được tháo gỡ nên mặc dù Công ty Đất Vàng đăng ký làm việc nhưng UBND tỉnh không mời phía đại diện doanh nghiệp dự họp bởi nếu có mời thì cũng không giải quyết được vấn đề.
Cũng theo ông Phương, Công ty Đất Vàng phải vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án, chỉ cần chậm trễ một ngày là doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều mặt. Ngoài ra, việc dự án dở dang, chậm tiến độ sẽ gây phản cảm bộ mặt đô thị và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
"Công trình lên đến đó rồi, để chỏng chơ ngay trung tâm thành phố ai đi qua cũng thấy khó chịu chứ đừng nói tỉnh. Tỉnh cũng sốt ruột nhưng mà muốn gỡ phải có thời gian…", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nói và khẳng định sau khi các đơn vị tham mưu, UBND tỉnh sẽ tổ chức làm việc với Công ty Đất Vàng trong thời gian sớm nhất có thể.