Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã đón khách, Quảng Nam, Quảng Ninh chưa thể đón khách
Tiếp tục ráo riết vực dậy ngành du lịch thị trường trong nước và quốc tế, sáng ngày 14/10 buổi tọa đàm trực tuyến "Khôi phục và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới" do báo Người Lao động tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo các tỉnh, thành địa phương và doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo của các tỉnh, thành địa phương đã chia sẻ về kế hoạch dự thảo đón khách du lịch nội tỉnh và ngoại tỉnh, có thể nói đây là những nỗ lực của các tỉnh sau thời gian thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Hiện nay Huế đã đón được 3 chuyến bay. Hành khách đi máy bay đến Huế không bị cách ly nếu đủ điều kiện và khách cũng có thể đăng ký lưu trú dịch vụ.
Các hoạt động du lịch của Thừa Thiên Huế về cơ bản vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên lượng khách chủ yếu là khách nội tỉnh và khách công vụ. Tỉnh mong muốn có sự tính toán, mở rộng thêm hoạt động du lịch"
Ông Hồ An Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: "Là địa phương có công tác chống dịch hiệu quả. Trong 4 làn sóng dịch Covid trên cả nước thì Quảng Bình đã chiến thắng 3 cuộc đầu không có dịch và làn sóng thứ 4 này thì chúng tôi là 1 trong 5 tỉnh cuối cùng dính dịch và bùng phát dữ dội, có gần 2000 ca F0 nhưng chúng tôi chỉ khống chế trong vòng 3 tuần. Do đó tỉnh mong muốn mở cửa ngay và tìm cách khôi phục lại du lịch sau đại dịch.
Tỉnh đã ban hành văn bản quy định về tổ chức các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong trạng thái bình thường mới, có văn bản của UBND tỉnh về tất cả các doanh nghiệp, lữ hành, cơ sở lưu trú, dựa vào đó có thể làm ngay được. Tiếp đó, tỉnh cũng ban hành hướng dẫn về an toàn y tế trong các hoạt động du lịch và chúng tôi không tổ chức cách ly y tế mà khách đã tiêm 2 mũi hoặc đã bị covid mà khỏi bệnh thì chúng tôi cho phép tự theo dõi tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Đồng thời chúng tôi cũng có những quy định rõ ràng và giám sát rất chặt chẽ. Thứ 3, chúng tôi phê duyệt cho một tổ chức khai thác thí điểm về du lịch trọn gói. Tỉnh cũng liên kết với các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và cách tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các hoạt động du lịch liên vùng. Tỉnh cũng đã tổ chức đón khách ngoại tỉnh thí điểm từ ngày 12/10 đến 15/10 với những tour trải nghiệm hấp dẫn.
Tuy nhiên thời điểm hiện tại tỉnh Quảng Bình gặp thời tiết xấu, mưa bão nên chưa thể đón du khách. Hy vọng sau cơn bão Quảng Bình sẽ đón khách du lịch ngoại tỉnh. Đây là những bước chuẩn bị ban đầu trước khi tỉnh Quảng Bình tiến hành mở cửa và khôi phục du lịch trong thời gian tới"
Trái ngược với tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đã đón khách ngoại tỉnh thì tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh còn thận trọng, chưa thể mở cửa đón khách ngoại tỉnh. Theo ông Phạm Ngọc Thủy-Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua tỉnh đã thường xuyên tham gia, tổ chức các buổi tọa đàm nhằm chia sẻ, học tập những kinh nghiệm quản trị du lịch. Qua đó, tỉnh thấu hiểu những lo lắng của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, các yếu tố về nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất là những khó khăn lớn cản trở quá trình phục hồi du lịch. Nếu không có sự tính toán phù hợp thì sẽ gặp bế tắc lớn.
Vì vậy, để mở cửa từng bước, tỉnh triển khai hoạt động du lịch với khách nội tỉnh trong tháng 10. Từ đó mở rộng đón khách ngoại tỉnh trong tháng 11.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Chí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ: " Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng các phương án để phục hồi du lịch trên cơ sở tình hình thực tế và công tác phòng chống dịch. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình phủ sóng vắc xin tại địa phương. Hiện tại, tỉ lệ này còn thấp với chỉ trên 33%. Trong đó, lượng khách tiêm 2 mũi chỉ đạt trên 7%. Do đó, Quảng Nam mong muốn tiếp tục được cung cấp vắc xin và sẽ ưu tiên cho các địa bàn phát triển du lịch như Hội An. Trong tháng 10, tỉnh chưa hoàn toàn mở cửa du lịch, tuy nhiên sẽ có sự nới lỏng với du khách đã tiêm đủ vắc xin và khách đã khỏi bệnh.
Trong tháng 11, tỉnh sẽ tiếp tục mở cửa với các địa phương thuộc vùng xanh, vùng vàng đến tỉnh Quảng Nam. Với đặc thù phải gánh chịu nhiều mưa bão trong tháng 10 và tháng 11, nên tỉnh cũng có sự cân nhắc để phù hợp hài hòa giữa công tác phát triển du lịch với các hoạt động chống dịch và phòng chống thiên tai. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến lộ trình mở cửa các sân bay để hoạt động di chuyển của du khách được thông suốt".
Là thành phố đi đầu tổ chức lại tour du lịch nội địa, thành phố Hồ Chí Minh đã bước đầu thí điểm thành công tour khép kín thành phố Hồ Chí Minh – Cần Giờ.
Chia sẻ về kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay: "Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Trong đó, ngành du lịch là ngành chịu tác động rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngành luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố. Các cơ sở, đơn vị lưu trú đã được tận dụng làm các khu cách ly và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Những hoạt động này đem lại doanh thu không nhiều đem lại doanh thu không nhiều nhưng đã giúp các đơn vị lưu trú giữ được cơ sở vật chất của mình.
Khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, chúng tôi đã tổ chức thí điểm hoạt động du lịch tới hai vùng xanh là Cần Giờ và Củ Chi. Qua những tín hiệu khả quan đó, chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch của TP. Hồ Chí Minh qua ba giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu, các hoạt động du lịch sẽ được tổ chức trong thánh mười, đồng thời có sự kết hợp với các địa phương lân cận. Giai đoạn hai sẽ diễn ra trong tháng 11 với mục tiêu xây dựng du lịch nội địa vùng và hướng tới các hoạt động du lịch liên tỉnh.
Giai đoạn ba sẽ được tổ chức với dự thảo đón khách quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2022, du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ khôi phục và phát triển"
Cũng tại buổi tọa đàm, các tỉnh, thành địa phương cũng đưa ra những đề xuất, giải pháp để thu hút hút khách du lịch cũng như làm thế nào khơi thông tour du lịch liên tỉnh.
Theo đó, ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị với các cơ quan, ban, ngành về việc đẩy nhanh tiến độ phủ rộng vaccine cho lực lượng phục vụ các hoạt động du lịch và dịch vụ. Bên cạnh đó là phủ rộng vaccine với người dân địa phương có các điểm đến du lịch. Các địa phương cũng cần nhanh chóng hoàn thành tiêu chí lưu thông Quốc gia. Nhờ đó, du khách đến với Thừa Thiên Huế chỉ cần thực hiện quét mã QR lưu thông. Đây là những vấn đề mà tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn đề xuất thực hiện để đẩy nhanh hoàn động phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Đồng quan điểm với tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, giải pháp khôi phục và phát triển du lịch ưu tiên đầu tiên là tiêm vaccine, sau đó là xây dựng các trang web xúc tiến, quảng bá du lịch, cập nhật bản đồ tài nguyên du lịch.
"Du lịch nội địa sẽ không thể phục hồi nếu các địa phương không xây dựng mạng lưới liên kết phù hợp. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đã có sự liên kết với hơn 40 tỉnh thành trong cả nước. Vì vậy, sự kết nối lại sau dịch bệnh sẽ có nhiều thuận lợi. Đây sẽ là những điều kiện, cơ hội để ngành du lịch phục hồi trong thời gian tới", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nói.
Nhất trí với các quan điểm ở trên, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cho biết, các tỉnh, thành cần liên kết chặt chẽ, bởi đặc thù của ngành du lịch không thể hoạt động một mình, cần có sự liên kết ngoài các lĩnh vực thì cần có liên kết với các tỉnh, thành.
Hiện tại, Đà Nẵng đã liên kết với các địa phương như Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị...Và mong muốn các địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động đón tiếp du khách cũng như muốn xây dựng bộ tiêu chí chung giữ các đại phương trong hoạt động tiếp đón khách du lịch để từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch khi tổ chức các hoạt động du lịch tới những điểm đến chung của Việt Nam. Ngoài ra tỉnh cũng kiến nghị xây dựng hộ chiếu vaccine với các thị trường trọng điểm quốc tế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho hay, trong 2 năm qua, có thể nói là 2 năm căng thẳng và gây rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nước ta, đặc biệt là ngành du lịch.
Du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Thế nhưng, đại dịch Covid-19, đặc biệt trong 4 tháng qua, đã khiến ngành du lịch dường đã "chạm đáy" và chúng ta phải nỗ lực phục hồi.
Theo ông Tô Đình Tân: "Để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch và độ phủ vaccine, bên cạnh đó là vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí. Đặc biệt du lịch là ngành tổng hợp, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ và kết nối của các doanh nghiệp, các địa phương, như ngành vận tải và du lịch là rất cần sự kết nối. TP HCM vừa qua đã làm rất tốt việc thí điểm du lịch Cần Giờ, Củ Chi; nhưng sắp tới cần kết nối thêm các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Chúng ta phải làm sao để cùng đồng hành, chia sẻ trong sự khôi phục lại du lịch trong thời gian tới"
Cũng tại buổi tọa đàm Cục hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp như Công ty lữ hành Hanoitourist; Tập đoàn Sungroup; Tập đoàn Vingroup cũng chia sẻ về kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch nội địa và khách quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: "Bộ đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.
Đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Theo đó, xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch.
Cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. Chính phủ yêu cầu phải an toàn và chuyển biến linh hoạt.
Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.
Thứ hai, đồng hành cùng DN, có chính sách hỗ trợ cho DN, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Ví dụ, giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung DN để DN du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này.
Thứ 3, cùng DN xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo...
Thứ 4 là số hóa, ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Cần xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến DN lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số. Đây là hướng đi trong tương lai.