Trước đây, trên cánh đồng ruộng sâu trước chỉ sản xuất một vụ lúa, được sự hỗ trợ của Trung tâm KNKN, anh Phan Văn Phong (ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) đã mạnh dạn cải tạo và chuyển đổi sang trồng sen lấy hạt.
Quá trình chăm sóc, anh Phong thấy cây sen khá phù hợp với điều kiện đồng ruộng, năng suất đạt khá, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trước đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tình- cán bộ Trung tâm KNKN tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2021, trung tâm thực hiện mô hình chuyển đổi trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả với quy mô diện tích 6ha tại 2 hộ anh Phan Văn Tư và Phan Văn Thành (ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy).
Mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu, được chủ thực hiện mô hình và bà con địa phương đánh giá cao, mở ra hướng chuyển đổi hiệu quả đối với diện tích đất ruộng sâu vốn chỉ canh tác một vụ.
Để đa dạng đối tượng chuyển đổi, Trung tâm KNKN tỉnh Quảng Bình cũng đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh quy mô 0,5ha tại hộ anh Lê Hùng (ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh).
Đây là đối tượng nuôi mới nhưng khá phù hợp với điều kiện của địa phương, tôm nuôi phát triển tốt, ít bệnh. Hiện tại, anh Hùng đã tiến hành thu với trọng lượng khoảng 25-30 con/kg, giá bán khoảng 200.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã thực hiện chuyển đổi được gần 7.760ha diện tích đất lúa kém hiệu quả, trong đó diện tích trồng cây hàng năm gần 1.430ha, diện tích trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 6.330ha.
Theo ông Lê Xuân Tứ - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Bình, mô hình nhân rộng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ sống sau trồng cao, cây sen sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh, thời gian thu hoạch lên đến 90 ngày, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa.
Vụ mùa 2021, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó đã khai thác được tiềm năng, lợi thế đồng đất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Giữa tháng 5, sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân, hầu hết các hộ dân chuyển sang cấy lúa mùa sớm thì chị Dương Thị Chuyên (thôn Ngọc Thành 1, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa) tập trung làm đất, trồng hơn 6 sào dưa lê.
Sau hơn một tháng xuống giống dưa đã cho thu hoạch. Theo tính toán, với giá bán 10.000 đồng/kg, chị Chuyên thu lãi khoảng 6 triệu đồng/sào...
Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, vài năm trở lại đây, một số hộ đã chuyển sang trồng các loại cây rau màu.
"Các loại rau màu, nhất là những loại cây trái vụ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần cấy lúa mà còn nâng cao trình độ canh tác của người dân"-ông Hồng nói.
Theo ông Lê Bá Thành- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi 6.100/55.000ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản; trong đó năm 2021 chuyển 825ha.
Để thực hiện, Sở NNPTNT phối hợp với các địa phương vận động người dân chuyển đổi, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ đối với diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi.