Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020.
Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 807 doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, với tổng tài sản đạt hơn 3,67 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. Trong đó, tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.
Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 807 doanh nghiệp xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm liền trước. Trong đó, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,44 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 151.522 tỷ đồng.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp này giảm 12% doanh thu so với năm 2019, xuống còn gần 1,99 triệu tỷ đồng. Lãi trước thuế 162.904 tỷ đồng, giảm tới 22% so với năm 2019.
Các chỉ số tài chính khác cũng giảm sút như tỷ suất lợi nhuận trước thuế bình quân/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp là 9% (cùng kỳ năm 2019 đạt 12%). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân chung năm 2020 chỉ còn 4%, giảm 2% so với năm 2019.
Có tới 119/807 doanh nghiệp (chiếm khoảng 15% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ là 15.740 tỷ đồng. 21% tổng số doanh nghiệp (169 doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 33.750 tỷ đồng.
Chi tiết, tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, một số công ty mẹ có tổng doanh thu giảm trên 20% so với năm 2019 như: TCT Quản lý bay Việt Nam giảm 56%; TCT Cà phê Việt Nam giảm 53%; TCT Du lịch Hà Nội giảm 46%; TCT Du lịch Sài Gòn giảm 45%; TCT Đường sắt Việt Nam giảm 33%...
Về lợi nhuận, năm 2020 lãi phát sinh trước thuế tại các TĐ, TCT đạt 116.776 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2019.
Một số công ty mẹ có lãi phát sinh trước thuế năm 2020 giảm sâu như: Công ty mẹ - TĐ Dầu khí VN có lãi phát sinh trước thuế giảm 36%; Công ty mẹ - TĐ CN than – khoáng sản VN giảm 48%. Thậm chí như Công ty mẹ - TCT Quản lý bay VN có lãi phát sinh trước thuế giảm 99%.
Báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có 11 TĐ, TCT còn lỗ lũy kế là hơn 11.400 tỷ đồng và 7 công ty mẹ còn thua lỗ với số lỗ lũy kế là hơn 6.000 tỷ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Hóa chất lỗ 5.392,8 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải lỗ 3.170,9 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt lỗ 1.257,3 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê lỗ 848,5 tỷ đồng; Tổng công ty 15 lỗ 655 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 46,9 tỷ đồng,...
Tình trạng tương tự tại các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Cụ thể, theo báo cáo hợp nhất có 30/187 doanh nghiệp nhóm này (chiếm 16%) phát sinh lỗ, tăng 25% về số lượng so với năm 2019 với tổng số lỗ phát sinh là 12.003 tỷ đồng.
Tính riêng công ty mẹ, có 3 đơn vị lỗ phát sinh với giá trị là 9.032 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước có số lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất lớn như: Tổng công ty Hàng không VN lỗ phát sinh 11.178 tỷ đồng; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh VN (Đài truyền hình VN) lỗ phát sinh 265 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ phát sinh 210 tỷ đồng; Tổng công ty CP Xây dựng và công nghiệp VN lỗ phát sinh 154 tỷ đồng.
Theo báo cáo hợp nhất có 35/187 doanh nghiệp (chiếm 19%) với tổng số lỗ lũy kế là 17.739 tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ, có 3 công ty mẹ có lỗ lũy kế với giá trị là 9.625 tỷ đồng.
Bao gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không lỗ phát sinh 8.755 tỷ đồng (năm 2019 lãi phát sinh 2.899 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí Xây dựng lỗ phát sinh 5 tỷ đồng (năm 2019 lỗ phát sinh 83 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ phát sinh 272 tỷ đồng (năm 2019 lỗ phát sinh 191 tỷ đồng).
Được biết, vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp này là 127.594 tỷ đồng, trung bình chiếm 86% tổng vốn điều lệ.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: Công ty mẹ - TCT Cơ khí Xây dựng, nhà nước nắm giữ 98,76% vốn điều lệ (âm vốn chủ sở hữu 54 tỷ đồng), tăng 9% so với năm 2019. Công ty truyền hình số vệ tinh Việt Nam, âm vốn 3.227 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019.
Báo cáo cũng cho thấy, các khoản phải thu khó đòi đang là vấn đề nổi cộm tại các TĐ, TCT trong năm vừa qua.
Theo đó, tổng giá trị các khoản phải thu là 473.929 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2019. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 31.373 tỷ đồng, chiếm 7% tổng số các khoản phải thu và các doanh nghiệp đã trích lập dự phòng được 27.939 tỷ đồng để dự phòng phần giá trị tôn thất của các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định.
Riêng tại 73 doanh nghiệp Nhà nước là các TĐ, TCT công ty mẹ - công ty con, báo cáo hợp nhất cho thấy, các khoản phải thu là 343.761 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2019. Tuy nhiên, nợ phải thu khó đòi tăng tới 45%, lên 22.619 tỷ đồng (chiếm 6% tổng số nợ phải thu).
Những doanh nghiệp có nợ phải thu khó đòi theo báo cáo hợp nhất lớn là: Tập đoàn Dầu khí (11.248 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (603 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất (498 tỷ đồng); Tổng công ty Cà phê (428 tỷ đồng)...
Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản ở mức cao (trên 50%), như: Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (nợ phải thu 1.365 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản); Tổng công ty Thái Sơn (nợ phải thu 2.250 tỷ đồng, chiếm 63% tổng tài sản); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (nợ phải thu là 9.989 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản); Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nợ phải thu 2.512 tỷ đồng, bằng 56% tổng tài sản); Tổng công ty Thành An (nợ phải thu 1.018 tỷ đồng, chiếm 52% tổng tài sản)...
Về nguồn vốn, báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT là 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 52% vốn của các TĐ, TCT. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,1 lần; có 14 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần như: XNK tổng hợp Vạn Xuân (17,76 lần); TCT Thái Sơn (7,39 lần); TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (7,23 lần); TCT Xăng dầu quân đội (5,37 lần),…