Siêu Uỷ ban quản lý vốn "nhầm vai", loạt ông lớn doanh nghiệp nhà nước điêu đứng

QUỲNH DÂN Thứ sáu, ngày 06/03/2020 06:20 AM (GMT+7)
Với vai trò quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng thời gian qua Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước dường như đã "nhầm vai", quản lý cả doanh nghiệp khiến cho hàng nhiều doanh nghiệp chuyển về Siêu Uỷ ban quản lý vốn điêu đứng, nhiều dự án nghìn tỷ đình chệ không thể triển khai vì thiếu vốn, vướng cơ chế...
Bình luận 0

"Đầu đi chân ở lại" thời gian qua được nhiều người dùng để nói về tình trạng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau gần 2 năm chuyển đại diện phần vốn nhà nước từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Uỷ ban quản lý vốn). 

Tuy nhiên, câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau khi chuyển về siêu uỷ ban quản lý vốn lại khiến doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu vì không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nên doanh nghiệp này không được Bộ giao vốn.

Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 10.000 người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không phải là trường hợp khó khăn, bế tắc duy nhất của các doanh nghiệp sau khi chuyển về Siêu Uỷ ban quản lý vốn. Hiện nhiều tập đoàn, tổng công ty với số vốn và tài sản lên đến hàng triệu tỷ đồng đang phải loay hoay với hàng loạt dự án quan trọng của quốc gia từ đường sắt, cao tốc, thủy điện, cầu cảng… trong thế đói vốn, ách tắc vì chuyển về siêu uỷ ban.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ nên "quản lý vốn" - Ảnh 1.

Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam có nguy cơ dừng chạy tàu vì vướng mắc khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

Những dự án nghìn tỷ bị.. đình trệ

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sau khi chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải sang Siêu Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, từ tháng 9/2018 đến nay đơn vị này vẫn chưa xác định được bên nào là cơ quan chủ trì xử lý các vấn đề của VEC. Việc này dẫn tới các vấn đề hệ trọng như giao kế hoạch vốn đầu tư công, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, kế hoạch lựa chọn nhà thầu với các gói thầu mới... mà VEC đệ trình đều đang đình trệ. Tại dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành (vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB) từ tháng 1/2019 đến nay chưa được giao vốn đầu tư công (cho phần vốn đối ứng), ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, giải ngân, phát sinh nhiều khiếu kiện từ các nhà thầu.

Cùng với đó, vướng mắc về việc giao vốn ODA do quá trình tái cơ cấu 5 dự án cao tốc khác của VEC khiến dự án này tắc vốn đủ mọi bề. Riêng gói thầu J1 (xây dựng cầu Bình Khánh) và J3 (cầu Phước Khánh), ước tính chi phí mà ngân sách có thể phải bồi thường cho 2 nhà thầu hàng trăm tỷ đồng (gồm chi phí kéo dài thời gian hợp đồng và chi phí chờ đợi của nhà thầu vì chưa được cấp vốn thi công). Đây là lý do mới đây VEC đã kiến nghị phương án tạm dừng thi công các gói thầu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, để giảm thiểu các rủi ro về pháp lý và nguy cơ thiệt hại kinh tế. VEC cũng kiến nghị tạm dừng thi công các gói thầu do ADB tài trợ trong trường hợp các thủ tục pháp lý thực hiện dự án chưa được tháo gỡ.

Thế kẹt của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại xuất phát từ việc có vốn nhưng không đủ quy định để thực hiện. Hiện đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đều xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2017, ACV đã báo cáo dự án để nâng cấp sửa chữa, nhưng do vướng quy định về đầu tư công (do ACV đã cổ phần hóa, khu bay thuộc tài sản nhà nước) nên chưa thực hiện được. Bộ GTVT đã kiến nghị cho ACV ứng vốn làm trước, ngân sách trả nợ sau. Sau khi ACV chuyển giao về Siêu Uỷ ban quản lý vốn, những vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ, kết quả dự án nâng cấp, sửa chữa vẫn nằm trên giấy.

Hay quá trình bổ sung thêm vốn để "giải cứu" dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng tắc hơn 1 năm qua khiến lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) không ít lần phải "nổi cáu", ngay cả trong cuộc họp có sự đồng chủ trì của người đứng đầu của Siêu Uỷ ban quản lý vốn gần đây. Bởi theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh, dù các thành viên trong Hội đồng thành viên của PVN mỗi người đã ký một chữ ký nhưng bộ ngành cấp trên lại chần chừ, không có quyết sách cụ thể.

"Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng đồng tiền, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi… Nếu không có tiền thì đóng cửa dự án và tôi sẽ ký trả dự án, chấp nhận kỷ luật", ông Thanh bức xúc. 

Đến nay, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa có chủ trương về tiếp tục giải ngân vốn chủ sở hữu. PVN lại phải tiếp tục kiến nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt quá tổng mức đầu tư điều chỉnh được duyệt và PVN chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đảm bảo nhà máy vận hành thương mại.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ nên "quản lý vốn" - Ảnh 2.

dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng tắc hơn 1 năm vi thiếu vốn

Siêu Ủy ban quản lý vốn nhà nước chỉ nên quản lý vốn

Trao đổi với Dân Việt,  ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là đại diện sở hữu vốn nhà nước, chỉ nên thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn chứ không nên thực hiện nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp, điều này khiến các doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động đầu tư cũng phải xin ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, dẫn đến chồng chéo, phức tạp thêm.

Ông Doanh nhận định, chức năng nhiệm vụ cùng việc xuất hiện của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn mới. Siêu Ủy ban này sẽ góp phần giải quyết sự chồng chéo, phức tạp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước.

Tuy nhiên, đơn vị này cần phải xem xét và thảo luận với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ báo cáo và thực hiện sự chỉ đạo về vấn đề quản lý vốn nhà nước mà thôi, còn tất cả các việc về quản lý nhà nước khác theo pháp luật thì vẫn theo các bộ, các cơ quan quản lý thực hiện.

"Trường hợp Tổng công ty đường sắt xin về Bộ Giao thông vận tải chứng tỏ quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang có vấn đề. Trước khi có quyết định Tổng công ty đường sắt có về Bộ Giao thông vận tải hay không thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên lên tiếng về việc này, không nên giữ thái độ yên lặng trước việc của đường sắt", ông Doanh cho hay.

Lê Đăng Doanh

Theo ông Doanh, việc thành lập Ủy ban Quản lý nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp là muốn tách bạch chức năng chủ sở hữu ra khỏi các bộ để cho quản lý nhà nước và quản lý vốn được rõ ràng. Nhưng hiện nay, một số Bộ phản ánh tình trạng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hiện tại đang kiêm cả chức năng quản lý nhà nước trong một số hoạt động, điều này gây khó khăn, phức tạp cho doanh nghiệp.

"Quản lý nhà nước đừng can thiệp vào, chỉ có cái gì liên quan đến vốn thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định có đầu tư hay không? Vốn ở đâu? Ủy ban quản lý vốn có giúp được gì hay không? Đấy là điều theo tôi cần làm rõ," ông Doanh nói.

Lê Đăng Doanh

Bên cạnh đó, tình hình ngân sách của chúng ta đang gặp khó khăn cũng là nguyên nhân mà theo ông Doanh "Việt Nam cần chú ý đến hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn thông minh trong việc giải quyết từng dự án thì mới vượt qua được.

Vị chuyên gia kinh tế nêu ra một số vấn đề như ngân sách nhà nước đang bội chi; chi thường xuyên rất cao; nguồn ngân sách để trả nợ cũng chiếm một phần lớn dẫn đến phần còn lại để chi cho đầu tư là rất hạn chế, chủ yếu là tiền đi vay.

"Trong khi đó, Mỹ vừa đưa Việt Nam ra khỏi danh sách của các nước đang phát triển, đồng nghĩa với những ưu đãi của trước đây không còn nữa. Trường hợp Việt Nam đi vay thì điều kiện sẽ khó khăn ơn, thời gian ân hạn không phải trả lãi sẽ ngắn hơn, lãi suất cao hơn. Để tháo gỡ vốn cho những dự án đang bị treo, chỉ còn cách là phải chờ vốn, trừ khi cho phép các dự án này phát hành trái phiếu doan nghiệp. Tuy nhiên, để làm việc này cần phải có quy chế giám sát của Quốc hội, vì đây là một kênh tài chính rất lớn, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ dẫn đến xáo trộn nguồn vốn", ông Doanh phân tích.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước làm chưa đúng bản chất của mình

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (Ciem) - người chấp bút cho ý tưởng lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng sở dĩ các dự án bị đình trệ, ách tắc do Siêu Uỷ ban quản lý vốn đã không làm đúng bản chất của mình lúc mới thành lập. Đó là sự nhập nhằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Theo ông Cung, vai trò của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước là giao mục tiêu (như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…) để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án. Còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp. Nếu cơ quan này cứ can thiệp từng dự án thì có hàng nghìn người cũng không làm được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem