Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, những toa tàu của Nhật Bản mà đơn vị đề xuất nhập khẩu được sản xuất từ năm 1979 - 1982, đã qua sử dụng do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao miễn phí để cải tạo, khai thác.
Thực tế, đây là số toa tàu do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) được khai thác bằng phương thức tự hành diesel DMU loại Kiha 40 và Kiha 48, đến nay đã ngừng khai thác để chuyển sang dòng xe mới hơn.
Theo đó, phía đối tác Nhật Bản hứa chuyển giao miễn phí 0 đồng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với số lượng là 37 toa xe trên nếu có nhu cầu (phía Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan như nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định Việt Nam).
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các toa xe Kiha 40 và Kiha 48 là loại toa tàu tự vận hành, chuyên chở khách, được sản xuất từ năm 1979 - 1982.
Những toa tàu này trang bị ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, tốc độ vận hành tối đa 95km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản. Các toa xe này có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn tàu với quy mô tùy theo nhu cầu sử dụng.
Theo ông Minh, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. Phía Nhật Bản đã chuyển giao hàng trăm toa xe DMU và EMU đã qua sử dụng cho đường sắt các nước Myanmar, Indonesia và Philippines để khai thác vận tải hành khách.
Về phía Việt Nam, hiện nay, ngành đường sắt đang sử dụng toa xe truyền thống với đoàn tàu gồm 1 đầu máy kéo hoặc đẩy đoàn toa xe. Việc thành lập, dồn dịch đoàn tàu thường mất thời gian, tốn kém chi phí. Trên các tuyến có khối lượng vận tải ít vẫn phải duy trì chạy tàu phục vụ an sinh xã hội vẫn phải duy trì đoàn tàu với 1 đầu máy và đoàn toa xe.
Sau khi 37 toa tàu đã qua sử dụng của đối tác Nhật Bản được nhập khẩu về Việt Nam sẽ được cải tạo, nâng cấp phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Khi được đánh giá đúng chất lượng, tiêu chuẩn những toa tàu này sẽ được đưa vào khai thác chở khách trên đường sắt Việt Nam.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã kiến nghị cấp thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.
Báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát đường sắt dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, như vậy chỉ còn khoảng gần 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhưng đối ứng lại ở tài sản, không phải tiền mặt. Riêng năm 2021, đường sắt dự kiến lỗ 942 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 8/2021, sản lượng vận tải hành khách của tổng công ty chỉ hơn 8.640 lượt, đạt 24,8% kế hoạch và chỉ bằng 6,5% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí sản lượng giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn.
Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Tổng công ty Đường sắt đề nghị Bộ GTVT làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông bằng đường bộ đến các ga lập tàu và từ ga dỡ hàng đi tiêu thụ; chú trọng đẩy mạnh vận tải hàng hóa; tìm kiếm nguồn hàng để nâng cao sản lượng và tăng doanh thu vận tải hàng hóa…