Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 134/2020/QH14 về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, đề cập chi tiết tới quá tình tăng vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV.
Cụ thể, để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay 4 "ông lớn" quốc doanh đã và đang thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại VietinBank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước.
Tại Vietcombank, ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Tại BIDV, ngân hàng đã xây dựng phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của các năm 2018, 2019, 2020.
Liên quan đến vấn đề tăng vốn, mới đây, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ cho BIDV và các TCTD Nhà nước. Đặc biệt là thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các nhà băng này.
Theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 hồi đầu năm, BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, tương đương tăng 20%, lên 48.524 tỷ đồng.
Phương án này bao gồm phát hành tổng cộng 488,8 triệu cổ phiếu để chia trả cổ tức năm 2019-2020 với tổng tỷ lệ 12,2%. Thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong quý 3, quý 4 năm nay.
Sau đợt tăng vốn này, BIDV sẽ phát hành tiếp 341,5 triệu cổ phiếu mới để chào bán công khai hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ thời điểm chào bán.
Thời gian thực hiện đợt tăng vốn lần 2 này sẽ diễn ra trong giai đoạn 2021-2022, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Dù vậy, tới thời điểm này, phương án tăng vốn kể trên của BIDV vẫn chưa nhận được sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý.
Tính đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đạt 159,6 nghìn tỷ đồng và tổng tài sản đạt 6.052,6 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo cho biết, về việc cổ phần hóa Agribank, đến nay Agribank vẫn còn 76 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Trong khi đó, các quy định về pháp luật, lộ trình cổ phần hóa Agribank phụ thuộc vào quá trình phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của Agribank tại các tỉnh, thành phố.
Được khởi động cổ phần hóa từ 2007 nhưng 14 năm nay, tiến trình trở thành ngân hàng đại chúng của Agribank vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và đất đai chính là nguyên nhân ngáng đường.
Trong một lần trao đổi, ông Chu Mạnh Hùng, Phó ban Cổ phần hóa Agribank cho biết, vấn đề đất đai là vấn đề lớn nhất của Agribank trong quá trình cổ phần hóa. Nếu các thủ tục liên quan đến đất đai không thực hiện xong thì ngân hàng không thể ra quyết định cổ phần hóa được.
"Agribank có rất nhiều đất đai đa dạng nguồn hình thành, trải khắp đất nước, nhiều tài sản được chuyển giao nguyên trạng từ Ngân hàng Nhà nước sang khi ngân hàng được thành lập; do vậy, hồ sơ, thủ tục còn bất cập, vướng mắc", ông Chu Mạnh Hùng nói.
Theo đại diện Agribank, các công đoạn của cổ phần hóa rất phức tạp. Vì vậy, ngay cả khi có quyết định cổ phần hóa cuối năm nay thì sớm nhất cũng phải đến năm 2024, Agribank mới có thể hoàn tất quá trình cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.