Liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm
Vừa qua, một tai nạn thương tâm xảy ra với một học sinh lớp 5 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã khiến dư luận rúng động. Cụ thể, trong khi đang học online với điện thoại di động, chiếc điện thoại của em này bỗng dưng phát nổ khiến em tử vong. Trước đó vào tháng 9 tại Hà Nội, một học sinh lớp 5 cũng tử vong do bị điện giật khi học tại nhà.
Không chỉ bị điện giật, nổ điện thoại, rất nhiều vụ tai nạn thương tích của trẻ em khác đã xảy ra liên tiếp trong khoảng thời gian gần đây. Gần nhất vào ngày 15/10 xảy ra vụ tai nạn tại điểm trường mầm non Măng Dí thuộc thôn 1 xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Theo đó 2 em nhỏ 4 và 5 tuổi cùng trèo lên cổng trường bằng sắt, bất ngờ chiếc cổng đổ sập xuống đè lên 2 em khiến 1 em bị thương nặng, 1 em tử vong.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Trong đó, có tiêu chí về đảm bảo an toàn về điện như sau:
- Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài.
- Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn.
- Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong ngôi nhà.
- Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì/Ap-to-mat và ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.
Tai nạn thương tích ở trẻ em là vấn đề vô cùng nhức nhối nhưng vẫn chưa được cải thiện, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, mỗi năm trung bình có khoảng 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 (36,9%), thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 (19,5%). Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp mỗi năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Tăng cường bảo vệ trẻ
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ LĐTBXH đã triển khai các hoạt động như truyền thông giáo dục về phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em trong ngôi nhà của mình. Cục trưởng cũng cho biết, tới đây, Bộ LĐTBXH, Cục Trẻ em sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để triển khai một số các giải pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong ngôi nhà của mình khi học trực tuyến.
Trong khi đó, tại các tỉnh thành cũng đã có những chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ cho trẻ em. Tại Hải Dương, trong kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh đã xây dựng 9 nhóm giải pháp. Hải Dương phấn đấu hằng năm giảm 5-10% số trẻ bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ; giảm 10% số trẻ bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; 70% số trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 80% vào năm 2030...
Tương tự tại Bắc Ninh, để kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; xây dựng, nhân bản các sản phẩm truyền thông, đa dạng hoá các phương thức truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em phù hợp với từng địa phương, cơ sở… Bắc Ninh phấn đấu, đến năm 2030, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn dưới 150/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 7/100.000 trẻ em; 110.000 hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn...
Trong khi đó, tại Quảng Bình, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng và phát sóng phóng sự về chủ đề: "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh"; phát thông điệp tuyên truyền phòng, chống về tai nạn đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em cũng như hướng dẫn địa phương, cơ sở tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn đuối nước trẻ em trên hệ thống loa truyền thanh của xã…