Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều biện pháp y tế lần đầu tiên áp dụng để ứng phó với dịch Covid-19

Diệu Linh 18/10/2021 06:08 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn y tế lần đầu tiên được áp dụng.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. 

Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực". 

Bộ trưởng đã chỉ ra các giải pháp "chưa từng có mà ngành y tế đã áp dụng để giúp chúng ta vượt qua đỉnh dịch trong thời gian qua. 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều biện pháp y tế lần đầu tiên áp dụng để ứng phó với dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà

Đó là, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch Covid-19. Các biện pháp tổ chức cách ly được điều chỉnh, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly của từng địa bàn. 

Nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch tại nước ta. Cụ thể, chúng ta thay đổi từ việc cách ly tập trung F1 đến việc cho F1 cách ly tại nhà. Sau đó, khi đỉnh dịch vào tháng 8, một lần nữa, chiến lược cách ly lại thay đổi. Các F0 không có triệu chứng cách ly tại nhà. 

Điều này đã "giải phóng" nhiều cơ sở y tế cũng như cơ sở cách ly tập trung, giúp ngành y tế tập trung nhân lực để điều trị cho các ca bệnh nặng, giảm chi phí, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các F1 và F0 khi được cách ly tại nhà. 

Thay đổi về xét nghiệm Covid-19

Bộ trưởng Long cũng chia sẻ, các địa phương đã từng bước tăng cường năng lực xét nghiệm. Huy động, điều phối hiệu quả các lực lượng hỗ trợ từ các địa phương; kết hợp hiệu quả phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT- PCR; thực hiện việc gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...). 

Điều này làm tăng tốc độ xét nghiệm và giảm chi phí; chủ động tầm soát lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao.

Bài học đó được đúc kết tại các địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp, TP HCM (Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ).

Khi dịch bùng phát mạnh, nhân lực thiếu, ngành y tế đã hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu test nhanh tại nhà. Điều này giúp giảm gánh nặng cho nhân viên y tế và việc xét nghiệm được nhanh hơn, tránh lây nhiễm chéo khi tập trung lấy mẫu xét nghiệm. 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều biện pháp y tế lần đầu tiên áp dụng để ứng phó với dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức TP.HCM. Ảnh BYT

Tập trung toàn lực cho điều trị Covid-19

Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, ngành y tế đã tập trung toàn lực để điều trị giảm tử vong, thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến; phân tầng điều trị; trang bị hệ thống oxy y tế, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.

Cụ thể, khi số mắc tăng cao chóng mặt, nhiều bệnh nhân nặng, các cơ sở y tế đã lúng túng trong việc tiếp nhận bệnh nhân để kịp thời cách ly, điều trị. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; Phân loại nguy cơ người bệnh Covid-19...

Mô hình tháp điều trị 3 tầng đã giúp các bệnh viện phân loại được bệnh nhân để điều trị, tập trung điều trị cho những bệnh nhân có nguy cơ bệnh nặng, tử vong. Nhờ đó mà các bệnh nhân nặng được điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong.

"Đặc biệt, thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị tại nhà, kết hợp Đông - Tây y", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Huy động lực lượng y tế lớn nhất vào các điểm nóng chống dịch

Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân.

Đợt dịch lần thứ 4 này, Bộ Y tế, các địa phương đã điều động gần 20.000 chuyên gia, các y bác sĩ, sinh viên y khoa đến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An các tỉnh Tây Nam Bộ hỗ trợ chống dịch. 

Đến nay, lực lượng chi viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dần rút ra khỏi các điểm nóng để quay trở về địa phương. 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều biện pháp y tế lần đầu tiên áp dụng để ứng phó với dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Đến nay đã có hơn 61 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm (Tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện E. Ảnh BVCC)

Chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có

Theo Bộ trưởng Long, đến nay, đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vaccine Covid-19 và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16/10/2021, đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 24,7% đã tiêm đủ liều vaccine.

"Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Vaccine đã được phân bổ theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch…; thực hiện tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động. Kết quả tiêm chủng đóng vai trò quan trọng, quyết định để thực hiện tiến trình phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với dịch bệnh… 

"Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định. 

Video: 5 điểm mới hướng dẫn về thực hiện xét nghiệm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Video: 5 điểm mới hướng dẫn về thực hiện xét nghiệm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nguồn BYT