Mỗi sáng, Farha Shaikh đứng trên đỉnh núi rác để chờ xe chở rác đến. Cô gái 19 tuổi này đã nhặt rác ở ngoại ô Deonar từ rất lâu rồi. Cô thường nhặt chai nhựa, thủy tinh và dây điện để bán ở các chợ phế liệu địa phương, tuy nhiên thứ quý giá mà đôi khi cô tìm được là những chiếc điện thoại di động bị hỏng. Cứ sau vài tuần, Farha lại tìm thấy một chiếc nằm trong đống rác, cô bỏ số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để sửa chữa nó. Sau đó, cô có thể dùng điện thoại để xem phim, chơi trò chơi điện tử, nhắn tin và gọi điện cho bạn bè. Mặc dù vậy, những chiếc điện thoại này cũng chỉ hoạt động trong vài ngày hoặc vài tuần. Thế là Farha tiếp tục trở lại làm việc, thu thập rác và tìm kiếm một chiếc điện thoại khác.
Những "núi rác" ở Deonar nặng hơn 16 triệu tấn, chúng được cho là lớn nhất và lâu đời nhất tại Ấn Độ. Rác thải chất thành đống cao tới gần 40m. Thậm chí, những đống rác này còn bao quanh các khu ổ chuột, tạo thành hàng rào chắc chắn.
Khi phân hủy, chất thải giải phóng các khí độc hại như mêtan, hydro sunfua và carbon monoxide. Năm 2016, một ngọn lửa bùng phát trong nhiều tháng đã gây ô nhiễm cho toàn Mumbai. Theo một nghiên cứu năm 2011 của cơ quan quản lý ô nhiễm Ấn Độ, các đám cháy rác tại những bãi chôn lấp là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trong thành phố. Ngoài ra, báo cáo năm 2020 của một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Delhi, Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE), thống kê có khoảng 3.159 ngọn núi như vậy chứa 800 triệu tấn rác trên khắp Ấn Độ.
Ở Mumbai, một phiên tòa đã diễn ra suốt 26 năm nhằm mục đích đóng cửa "bãi rác" Deonar, tuy nhiên việc đổ chất thải vẫn tiếp diễn.
Những ngọn núi rác thải của Ấn Độ từ lâu đã là mối quan tâm lớn của các quan chức và chính trị gia. Vào ngày 1/10, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ chi gần 13 tỷ đô la cho một dự án thiết lập các nhà máy xử lý nước thải để thay thế dần những bãi rác lộ thiên như ở Deonar. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ. Siddharth Ghanshyam Singh, phó giám đốc chương trình tại CSE cho biết: "Nếu là ở các bãi rác nhỏ thì có thể khả thi, nhưng rất khó để đưa ra giải pháp khắc phục cho những núi rác thải ở quy mô lớn như thế này".
Kể từ năm 2000, Ấn Độ đã thông qua bộ quy tắc yêu cầu các thành phố tự quản xử lý chất thải. Nhưng hầu hết các bang chỉ tuân thủ một phần, chủ yếu là do không có đủ nhà máy xử lý chất thải. Thậm chí, ngay cả Mumbai, thủ đô thương mại và giải trí của Ấn Độ và là nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người, chỉ có một nhà máy như vậy.
Hiện nước này đang lên kế hoạch cho một nhà máy biến chất thải thành năng lượng tại Deonar. Modi cho biết ông hy vọng kế hoạch này sẽ thay đổi bộ mặt của đất nước. Nhưng nhìn theo hướng khác, điều đó sẽ khiến những người như Farha, những người đã làm công việc nhặt rác cả đời, lo lắng. Những người như cô ngày càng khó khăn khi tiếp cận những núi rác thải kể từ sau vụ hỏa hoạn năm 2016. Thành phố đã tăng cường an ninh để ngăn những người nhặt rác thải, bất kỳ ai cố gắng lẻn vào thường bị đánh đập, giam giữ và đuổi về. Một số hối lộ các lính canh hoặc trốn vào trước khi cuộc tuần tra an ninh bắt đầu.
Farha đã không có điện thoại suốt nhiều tháng. Cô phải hối lộ cho lính canh ít nhất 50 rupee (0,67 USD) mỗi ngày để được vào bãi rác Deonar. Thậm chí cô gái trẻ còn nghĩ đến việc nhặt rác ở các khu bệnh viện Covid-19. Farha nói: "Không phải bệnh tật, chính cái đói là thứ sẽ giết chết chúng tôi!"