Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ tự vấn việc làm giải quyết BHTN cho lao động. Thực hiện: Lê Xuyến - Tạ Nguyệt
Gần 5.000 lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp
Là một trong tỉnh thành phía Bắc ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang vẫn thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ lao động, kết nối cung cầu lao động.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 2.315 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia BHTN. Số lao động tham gia BHTN tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên tỷ lệ đăng ký hưởng TCTN có tăng trong quý III/2021.
8 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho 4.606 lao động với số tiền gần 55 tỷ đồng (tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, tỉ lệ lao động làm việc ngoài tỉnh về quê đăng ký hưởng BHTN chiếm hơn 76%.
Tuy số lượng tăng song 100% hồ sơ được giải quyết và trả kết quả cho người lao động theo giấy hẹn trong thời hạn quy định. Trung tâm cũng duy trì 5 Văn phòng giải quyết BHTN tại các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình giúp người lao động rút ngắn khoảng cách, thời gian giải quyết đề nghị hưởng trợ cấp.
Hiện có 7 lao động đang hưởng TCTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang được tư vấn và tham gia học nghề, có 185 lao động được tư vấn và có việc làm mới.
Cùng với đó, Trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp trong suốt quá trình hưởng TCTN. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 35.000 lượt người, hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho trên 150 trường hợp.
BHXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện Nghị quyết 116 đơn vị đã dùng nguồn quỹ BHTN hỗ trợ cho trên 1.300 người lao động với số tiền chi trả trên 2,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng hoàn thành thông báo giảm đóng cho 1.602 đơn vị sử dụng lao động tương ứng với 30.880 người lao động, với số tiền trên 16,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang cho biết, để tăng kết nối cung - cầu, hỗ trợ khôi phục thị trường lao động Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp sáng tạo.
Ngoài việc mở các phiên giao dịch việc làm, trung tâm cùng với các doanh nghiệp đưa ra chính sách ưu đãi tuyển dụng như: ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động mới; Thưởng ngay 4 triệu đồng cho lao động mới đi làm trong tháng 9... nâng thu nhập khởi điểm của lao động từ 7-8 triệu đồng/1 tháng. Nhờ có những chính sách kết nối, linh hoạt, sáng tạo này mà số lượng lao động thất nghiệp tìm kiếm và được giới thiệu việc làm mới tăng lên.
"Dịch bệnh khiến tỷ lệ lao động địa phương bị thất nghiệp cao, về quê nhiều, vì thế trung tâm luôn nỗ lực để giải quyết chế độ nhanh nhất và tư vấn nghề để lao động sớm tìm được việc làm phù hợp. Đồng thời, trung tâm cũng tư vấn để lao động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện liên tục, thay vì giải quyết chế độ BHXH một lần", ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, để thuận lợi cho người lao động, thời gian qua trung tâm cũng đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan như BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh trong việc gửi hồ sơ qua đường bưu điện công ích và chi trả chế độ qua thẻ đảm bảo công tác phòng dịch.
"Thời gian tới, trung tâm tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch, song song với giải quyết chi trả TCTN cho người lao động, đồng thời giải quyết chi trả hỗ trợ cho lao động không đủ điều kiện hưởng TCTN theo Nghị quyết 68. Đồng thời tăng cường tư vấn giới thiệu việc làm tạo sự ổn định của thị trường lao động", ông chính chia sẻ.
Ông Chính cũng cho biết thêm, UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về việc thực hiện "Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 30% và đến năm 2030 con số này tăng khoảng 40%. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông nghiệp khoảng 42%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 7%/năm.