Dân Việt

Tiếp tục tái cơ cấu lại nền kinh tế, nông nghiệp và công nghiệp sẽ là mũi nhọn

Huyền Anh 20/10/2021 07:24 GMT+7
Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa nông nghiệp và công nghiệp trở thành mũi nhọn, đóng góp chính vào GDP của Việt Nam. Đây là điểm mới so với lần thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước

Kết quả tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

Theo chương trình làm việc, tại. Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ báo cáo Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025.

Thông tin về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn này có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã được hoàn thành, đạt khoảng 77,3% tổng số mục tiêu đề ra.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025: 1,5 triệu DN vào năm 2025, vốn hóa thị trường cổ phiếu tối thiểu 85%GDP - Ảnh 1.

5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch

Đáng chú ý, có 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, bao gồm: Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. 

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nợ công tăng nhẹ lên 55,3% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP;

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025: 1,5 triệu DN vào năm 2025, vốn hóa thị trường cổ phiếu tối thiểu 85%GDP - Ảnh 2.

Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, tăng lên 49,1% năm 2020, vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%;

Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,6% năm 2016, và ước năm 2020 còn 32,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%;

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025: 1,5 triệu DN vào năm 2025, vốn hóa thị trường cổ phiếu tối thiểu 85%GDP - Ảnh 3.

Tỷ trong lao động nông nghiệp

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 45,42%, vượt xa so với mục tiêu 30-35% được đề ra trong Nghị quyết;

Dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,1% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP.

Bên cạnh đó, có 5 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra. Trong đó, 02 mục tiêu về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, 01 mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công, 01 mục tiêu về phát triển doanh nghiệp và 01 mục tiêu về đào tạo lao động.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Bình quân 4 năm 2016-2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức 6,8%/năm (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015).

Mặc dù năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng ở miền Trung nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025: 1,5 triệu DN vào năm 2025, vốn hóa thị trường cổ phiếu tối thiểu 85%GDP - Ảnh 4.

Tốc độ tăng trưởng GDP

Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, gấp 1,4 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.779 USD gấp 1,3 lần năm 2015.

Lạm phát giảm từ 7,65% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 3,15% bình quân giai đoạn 2016-2020, trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%).

Lạm phát cơ bản bình quân được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 6,31%.

Tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Nông nghiệp và công nghiệp là điểm nhấn

Trong bối cảnh kinh tế trong nước được dự báo là khó khăn và bất định hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2020. 

Nội tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cho giai đoạn phát triển 2021-2030, và xa hơn đến năm 2045, tạo sức ép buộc phải tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế nhanh và sâu rộng hơn ngay từ giai đoạn 2021-2025.

Các thách thức bao gồm: Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức rõ nét nhất. 

Tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.

Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Giai đoạn tới, xu hướng BĐKH sẽ ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp liên quan đến người lao động. Chính vì vậy, cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần được đẩy nhanh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết.

Do đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và công nghiệp là điểm nhấn của tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, mục tiêu là tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. 

Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. 

Tái cơ cấu nền kinh tế: Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 20%, công nghiệp trên 35%GDP - Ảnh 6.

Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 đến 3,0%/năm. (Ảnh: LT)

Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 đến 3,0%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%.

Đối với cơ cấu lại ngành công nghiệp, đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo vùng, ngành và sản phẩm, phù hợp với giai đoạn công nghiệp hóa mới của đất nước; từng bước đảm bảo năng lực sản xuất quốc gia có tính tự chủ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và củng cố vị trí là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp xuất khẩu của thế giới với công nghệ sản xuất hiện đại và có năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN-4. 

Tái cơ cấu nền kinh tế: Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 20%, công nghiệp trên 35%GDP - Ảnh 7.

Nhà máy Vinfast. (Nguồn: Reuter)

Mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 35%; Tốc độ tăng trưởng NSLĐ của các ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,5%.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%, trong xuất khẩu trên 85%. Giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% tổng giá trị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Đồng thời, Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% vào năm 2025; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân 1-1,5%/năm.

Các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của tái cơ cấu lại nền kinh tế được nêu chi tiết tại 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó mục tiêu, chỉ tiêu chung bao gồm:

Thứ nhất, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5%/năm

Hai là, củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; đảm bảo ổn định và lành mạnh các cân đối lớn của nền kinh tế; củng cố dự trữ ngoại hối phù hợp với điều kiện thực tế.

Ba là, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Bốn là, phát triển mạnh các loại thị trường.

Năm là, phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Sáu là, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.