Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (FPA) Bình Định cho biết, hiện tỉnh này có hơn 100 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Tuy nhiên, do không chủ động nguồn nguyên liệu trong nước nên hiện các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu đến 80% gỗ nguyên liệu, gây áp lực lên chi phí sản xuất.
Trong khi đó, một số nước trên thế giới đang thực hiện chính sách đóng của rừng, khiến cho nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu càng khan hiếm.
Một bất cập khác của việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu là các doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro về chất lượng, chứng nhận nguồn gốc.
Đó là chưa kể các nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu trong thời gian gần đây phải chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định về bảo vệ môi trường. Do đó, giá gỗ nguyên liệu không ngừng tăng mà nguồn cung ngày càng giảm.
Chưa dừng lại, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định càng gặp khó khăn trong việc nhập gỗ nguyên liệu.
Chuỗi cung ứng thường bị đứt gãy, bởi phía các thị trường cung ứng gỗ nguyên liệu hiện cũng đang thiếu lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc khai thác, cưa xẻ bị đình trệ, vận chuyển gỗ từ các nước xuất khẩu về Việt Nam cũng bị trắc trở.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (FPA) Bình Định Lê Minh Thiện, đặc thù của ngành chế biến gỗ là phải chuẩn bị gỗ nguyên liệu trước 3 tháng để bảo đảm sản xuất gối đầu.
Thế nhưng, hiện nay giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-30%, chuỗi cung ứng lại bị đứt gãy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của ngành gỗ trong những tháng đầu năm 2022.
"Trước thực tế này, vấn đề chủ động gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong thời gian tới cần được đặt ra, mà cứu cánh là gỗ rừng trồng. Bình Định là tỉnh phát triển mạnh nghề trồng rừng, nếu phát triển rừng gỗ lớn thì bài toán về gỗ nguyên liệu sẽ có lời giải", ông Lê Minh Thiện nhận định.
Theo Sở NNPTNT Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có 3 đơn vị đang trồng mới rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn là 3 Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh và Sông Kôn với tổng diện tích gần 2.700ha.
Theo đề án phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn định hướng đến năm 2035, Bình Định sẽ có 30.000ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Phát triển rừng gỗ lớn, thời gian cây đứng đến 10 năm, các chủ rừng sợ nhất bị gió bão và nạn cháy rừng gây hại.
Vì vậy, để bảo toàn tài sản là những diện tích rừng trồng, hầu hết các doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng gỗ lớn hiện đang rất muốn mua bảo hiểm rừng trồng theo chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thế nhưng mong muốn này gặp rào cản.
Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh) Nguyễn Ngọc Đạo cho hay, đơn vị có kế hoạch trồng mới 700ha rừng gỗ lớn, hiện đã trồng được 200ha.
Rừng gỗ lớn cần đầu tư thời gian dài, nên đơn vị rất cần vốn. Khi đơn vị thế chấp rừng cho ngân hàng để vay vốn thì rừng cần phải có bảo hiểm. Thế nhưng đơn vị bán bảo hiểm rừng trồng không chấp nhận bảo hiểm rừng bị gãy đổ do bão, chỉ bảo hiểm rừng bị gãy đổ do sâu bệnh.
Về cháy rừng thì nếu rừng bị cháy do tác động của con người thì không được bảo hiểm, chỉ bảo hiểm rừng bị cháy do bị sét đánh.
"Trong khi mùa mưa thì mới có sấm sét, thế nhưng trong mùa mưa làm gì có chuyện xảy ra cháy rừng. Còn bảo hiểm cây rừng bị gãy cành, trốc gốc do sâu bệnh thì rất hiếm xảy ra. Do đó, trong 2 năm 2019 và 2020 công ty có mua bảo hiểm rừng trồng để đáp ứng thủ tục vay tiền của ngân hàng, trong năm 2021 này công ty chúng tôi không tham gia nữa. Bởi, thực ra bảo hiểm kiểu đó mua chỉ tốn tiền nhưng không bảo vệ được tài sản của mình", ông Nguyễn Ngọc Đạo chia sẻ.
Bình Định hiện có gần 120.000ha rừng trồng, hằng năm khai thác, trồng mới gần 10.000ha, đây là nền tảng để tỉnh này phát triển rừng gỗ lớn.
Nhận thấy việc phát triển rừng gỗ lớn để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ là bức thiết, Bình Định xây dựng đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn.
Mục tiêu đến năm 2025 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong tỉnh, đến năm 2035 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu gỗ nguyên liệu.
Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cho biết, tỉnh Bình Định sẽ phấn đấu tăng năng suất rừng trồng đạt bình quân từ 25-30m3/ha/năm đối với cây gỗ lớn.
Nâng cao chất lượng, tăng năng suất rừng trồng để đạt trữ lượng gỗ lớn từ 190-240m3/ha đối với rừng trồng 12 năm và 100-120m3/ha đối với rừng trồng 7 năm, sản lượng gỗ lớn bình quân đạt tỷ lệ 50-60%.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.