Từ năm 1941 đến năm 1945, Đức Quốc xã đã sát hại 6 triệu người, khoảng 2/3 dân số Do Thái trên khắp châu Âu. Hàng chục trại tập trung được dựng lên, trong đó bao gồm Auschwitz, Belzec và Treblink, cả 3 trong số này đều ở Ba Lan do Đức chiếm đóng.
Mới đây, một bộ phim tài liệu đã phơi bày bản chất và quy mô của Treblinka, một trong những trại tàn ác nhất. Trại hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 23/7/1942 đến ngày 19/10/1943, trong một khu rừng hẻo lánh về phía đông bắc Warsaw. Được biết, trại là một phần của Chiến dịch Reinhard, mật danh cho kế hoạch tiêu diệt người Do Thái Ba Lan của Adolf Hitler.
Được giới thiệu trong bộ phim tài liệu trên kênh Smithsonian: 'Treblinka: Hitler's Killing Machine', các cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên tại Treblinka đã phơi bày thực tế tàn khốc về tội ác của Đức Quốc xã. Nhiều nhà sử học ước tính khoảng 700.000 đến 900.000 người Do Thái đã bị sát hại trong phòng hơi ngạt của Treblinka, cùng với 2.000 người La Mã khác.
Sau khi thua trận, Đức Quốc xã quyết định phá hủy Treblinka để xóa dấu vết. Họ đánh sập các tòa nhà, san bằng mặt đất và trồng hàng trăm cây xanh che phủ.
Mặc dù vậy, năm 2007, nhà khảo cổ học pháp y người Anh Caroline Sturdy Colls đã có chuyến thăm đầu tiên đến địa điểm này. Cô nghi ngờ bằng chứng về tội ác của Đức Quốc xã vẫn nằm dưới lòng đất. Sau khi được phép khai quật, Caroline bắt tay ngay vào công việc. Bộ phim tài liệu mô tả đây là "cơ hội duy nhất để làm sáng tỏ bí ẩn về những trại tập trung của Đức Quốc xã".
Vài năm sau chuyến thăm đầu tiên của mình, Caroline dẫn đầu một cuộc khảo sát sử dụng phương pháp đo khoảng cách bằng ánh sáng (Lidar) để nghiên cứu sâu vào lòng đất. Sau 5 giờ làm việc liên tục, một trong những thành viên nhóm đã phát hiện ra xương hàm của một đứa trẻ. Caroline nói với Smithsonian: "Tôi cảm thấy rất tức giận. Đó là một bộ xương người. Thật kinh khủng!"
Chỉ trong vòng vài ngày, họ đã tìm thấy hơn 40 bộ xương. Bên cạnh đó, họ còn khai quật được nhiều tài sản cá nhân của những người xấu số.
Caroline khẳng định rằng địa điểm này có một loạt ngôi mộ tập thể. Cô nói: "Nếu Đức Quốc xã nghĩ rằng họ đã xóa tất cả bằng chứng về tội ác của mình, thì họ đã lầm. Là một nhà khảo cổ học pháp y, nhiệm vụ của tôi là tìm ra chân tướng của sự việc, qua đó có thể phần nào giúp cho linh hồn những nạn nhân được an ủi".