Dân Việt

Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD

Nhóm PV 21/10/2021 10:59 GMT+7
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, có cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử hiệu quả.

TỌA ĐÀM: Giải pháp phát triển nguyên liệu, tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Là ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5-6%/năm. Trong đó ngành gia cầm có sự tăng trương nhanh nhất, đạt bình quân 7-8%/năm về đầu con và 11-12% về sản lượng thịt, trứng.

TRỰC TIẾP: “Giải pháp phát triển nguyên liệu , tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc nhập khẩu” - Ảnh 1.

Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn công nghiệp (TACN) ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, nguyên liệu TACN trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam cho tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, có cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử hiệu quả. Vậy, làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn nguyên phụ liệu này, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi hiệu quả?

Những câu hỏi đó, cũng là những nội dung chính sẽ được bàn luận trong buổi Toạ đàm hôm nay với chủ đề: "Giải pháp phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu".

Toạ đàm do Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Trung Tâm Khuyến Nông Quốc gia tổ chức. Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên trang Danviet.vn và các Fanpage: danviet.vn; Nhà nông Dân Việt…

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 2.

Các khách mời tham dự buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển nguyên liệu , tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc nhập khẩu”

Tham dự buổi toạ đàm có:

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Ông Nguyễn Văn Vương – Trưởng phòng Cây Lương thực –Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Phụ phẩm trong nông nghiệp - "mỏ vàng" chưa được khai thác

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 4.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Đánh giá một số nét khái quát về tình hình sản xuất cũng như nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong những năm qua, ông Tống Xuân Chinh - Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đánh giá: 

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đối với bất cứ quốc gia nào cũng đều rất quan trọng, chiếm 65-70% giá trị sản xuất, chính vì vậy nó ảnh hưởng rất lớn đến giá thành chăn nuôi của sản phẩm.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết của cả nước năm 2020 là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Mỗi một năm chúng ta cần 32-33 triệu tấn TĂCN các loại, trong đó có hơn 7 triệu tấn do bà con nông dân tự sử dụng nguyên liệu phối trộn theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp; còn lại sản lượng 26 triệu tấn (bao gồm cả TĂCN và thủy sản) là do các doanh nghiệp sản xuất. Con số này cũng phần nảo phản ánh sự tiến bộ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất TĂCN, cho thấy mức độ công nghiệp hóa của ngành này đang rất mạnh. Hiện, ngành sản xuất TĂCN của chúng ta đang đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới về công nghệ.

Ngoài đầu tư về công nghệ, các doanh nghiệp còn đầu tư mở rộng quy mô nhà máy, xưởng sản xuất; tiêu biểu là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như CP, Deheus… họ đang xây dựng những nhà máy sản xuất hiện tại ở Tây Bắc, Tây Nguyên, kết hợp với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư dây chuyển, thiết bị hiện đại.

Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp đều đồng loạt mở rộng Nhà máy bởi đây là thị trường tiềm năng khi ngoài việc đáp ứng nhu cầu thịt, trứng sữa cho 97 triệu người dân trong nước, chúng ta còn có tham vọng xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi. Thực tế đã xuất khẩu bước đầu, mang về giá trị khoảng 1 tỷ đô la.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là ngành TĂCN còn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, chúng ta chủ yếu nhập cám ngô, đậu tương, khô dầu… Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta có sản lượng lúa lớn mà không sử dụng để làm TĂCN lại phải đi nhập khẩu. Thế nhưng, đây là bài toán kinh tế, khi 1kg ngô chỉ khoảng 7.000-8.000/kg còn 1kg gạo cũng đã 12.000-13.000 đồng/kg, thế thì tại sao không trồng ngô trong nước lại phải đi nhập khẩu, xin thưa, bởi diện tích đất của chúng ta phần lớn là trồng lúa và phù hợp với trồng lúa.

Hiện bà con đã chuyển 1 phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, theo mục tiêu sẽ có 500.000ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô sinh khối để có thể chủ động hơn trong nguyên liệu phục vụ sản xuất TĂCN.

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Có mặt tại buổi Tọa đàm, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn đã đánh giá thêm những tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi và các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, cụ thể:

Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến 2 cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi. Đó là khủng hoảng về thức ăn chăn nuôi và khủng hoảng về thị trường. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng 1 phần do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng bản chất chính là vấn đề trầm kha của ngành chăn nuôi nhiều năm nay.

Câu chuyện về giá thức ăn tăng liên tục thức ăn chăn nuôi đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Theo tính toán của hiệp hội, từ tháng 7/2020 đến nay, giá một số nguyên liệu thức ăn tăng từ 30-45%, kéo theo giá thức ăn thành phẩm cũng tăng theo.

Chúng ta chứng kiến suốt 9 tháng năm 2021, ngành chăn nuôi gia cầm không có lãi. Đây là năm đầu tiên ngành chăn nuôi gia cầm tăng trưởng âm. Tháng 7, tháng 8 vừa qua, có thời điểm giá gà xuống đến 7.000 -8.000 đồng/kg, giá giảm 60- 70 0% so với trước đây, giá lợn hơi hiện cũng đang giảm sâu. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, tăng trường giảm, giá trị gia tăng không có.

Quay trở lại câu hỏi ban đầu về ngành thức ăn chăn nuôi. Đây là ngành có sự phát triển và tăng trưởng cao nhất, bình quân trong 10 năm qua đạt tăng trưởng 13-15%/năm cả về sản lượng, giá trị. Đây cũng là ngành mang lại lợi nhuận lớn nhất. Chính vì vậy, có rất nhiều ông lớn đổ xô vào ngành thức ăn chăn nuôi, vì đây là thị trường béo bở.

Theo dự báo của chúng tôi, từ nay đến cuối năm giá thức ăn khó có thể hạ, thậm chí còn tăng cao vì giá nguyên liệu thức ăn trên thế giới chưa hạ nhiệt.

Dự báo cuối năm sản lượng chăn nuôi thế nào? Theo tôi có 2 kịch bản xảy ra. Thứ nhất: nếu như từ nay đến cuối năm các tỉnh mở cửa hoàn toàn thì giá lợn, gà sẽ tăng. Đây chính là mệnh lệnh tác động đến thị trường.

Thứ 2, nếu các tỉnh cứ rón rén dè dặt mở cửa thì tổng cầu không tăng nhiều.

Trông ngô sinh khối: Mũi tên trúng nhiều đích

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng có một nghịch lý là chúng ta phải nhập một lượng lớn ngô, đậu tương về là thức ăn chăn nuôi. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vương – Trưởng phòng Cây Lương thực –Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng:

Đối với sản xuất ngô ở Việt Nam, hiện tổng diện tích trồng ngô ở Việt Nam dao động từ 900 -1.100 nghìn ha. Trong thời gian qua, diện tích trồng ngô giảm đáng kể.  Nguyên nhân của việc giảm này là do: giá thành sản xuất cao, chi phí lớn, năng suất chưa cao nên lợi nhuận trong sản xuất ngô hạn chế, diện tích ngô trồng giảm mạnh.  Diện tích tập trung chủ yếu ở trung du miền núi phía Bắc khoảng 430 nghìn ha, riêng ĐBSCL chỉ khoảng 30 nghìn ha.

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Vương – Trưởng phòng Cây Lương thực –Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)

Trong thời gian vừa qua, nhiều diện tích trồng ngô trên vùng đồi chuyển sang trồng cây ăn quả có hiệu qủa cao hơn. Cụ thể là ở các vùng như Sơn La, Hà Giang diện tích trồng ngô giảm mạnh.

Vậy để tăng diện tích trồng ngô thì chúng ta cần phải làm những gạch đầu dòng dưới đây:

- Đối với diện tích lúa kém hiệu quả thì Bộ NN&PTNT đã có định hướng chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó có cây ngô. 

-  Chuyển đổi nội bộ các giống ngô trên diện tích đã được sử dụng. Cụ thể, ngô lấy hạt sẽ chuyển sang trồng ngô sinh khối. Bởi, ngô sinh khối phát triển luôn gắn với các doanh nghiệp nên việc bao tiêu sản phẩm được diễn ra dễ dàng và thuận tiện hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá:

Thức tế cho thấy trong thời gian qua, tại nhiều địa phương trồng ngô sinh khối đã được quan tâm rất nhiều. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức rất nhiều dự án về trồng ngô sinh khối, đưa ra gói kỹ thuật về canh tác, thu hái, bảo quản, chế biến để đạt sinh khối tốt nhất.

Hiện nay, tổng đàn bò thịt 6,3 triệu con, bò sữa 331.000 con. Trong khi đó thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước chỉ đạt 450 nghìn tấn (30%) so với nhu cầu thức ăn đại gia súc hiện nay. Vì vậy, việc trồng cây ngô, cỏ chất lượng cao để làm thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ triển khai nhiều dự án về trồng ngô sinh khối, đơn cử như giống VN172 (Viện Nghiên cứu Ngô), giống ngô của Công ty Syngenta... Các dự án được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Dự án đã đưa ra gói kỹ thuật, hướng dẫn từ quy trình chăm sóc đến chế biến. Đặc biệt chuẩn bị tốt thức ăn thô xanh cho đàn gia súc vào mùa đông.

Hiệu quả từ trồng ngô sinh khối đã giảm chi phí cho người chăn nuôi, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ, ủ chua. Hiện nay, bà con nông dân đã tiếp cận rất tốt.

Để chăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành, bên cạnh việc chuẩn bị tốt nguồn thức ăn, nông dân cần làm tốt vấn đề thú y, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vaccine giúp cho đàn vật nuôi tránh được dịch bệnh, đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi .

Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD 

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 7.

Việt Nam đang lãng phí phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: TL

 Dự thảo đề án phát triển TĂCN hiện nguồn phụ phẩm của Việt Nam tương đối lớn, nhiều nơi coi như rác, thậm chí có câu chuyện xuất khẩu bột cá sang TQ rồi lại nhập về. 

Ông Tống Xuân Chinh chia sẻ: Chúng ta đã nhận định rằng ngành sản xuất TĂCN của ta phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất nhiều, do đó trong Nghị định 128/NĐ-CP của Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT đã nhấn mạnh: cần phải “tìm nguồn thức ăn trong nước để sản xuất TĂCN cho gia súc gia cầm, giảm nguồn nguyên liệu nhập khẩu”.

Thế thì đâu là giải pháp lúc này? Chúng tôi đã đưa ra 10 giải pháp tất cả, trong đó có giải pháp sử dụng các nguồn phục phẩm trong nông nghiệp.

Về mặt tổng quan, bằng các định mức kỹ thuật và số liệu thống kê năm 2020 thì tổng phụ phẩm của chúng ta là 156,8 triệu tấn và được công bố trên toàn hệ thống. Trong đó có 5,5 triệu tấn từ lâm nghiệp, 1 triệu tấn từ thủy sản nhưng không thể tận dụng lại được, chỉ còn sử dụng được phần cá thu gom phơi, sấy khô, tiệt trùng làm bột cá cho TĂCN.

Thế còn thông tin tại sao xuất khẩu rồi lại nhập về thì đây là câu chuyện cạnh tranh cuar các doanh nghiệp. Tùy theo tính toán về kinh tế mà họ có động thái phù hợp với mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vấn đề này chúng ta không can thiệp được và cũng không nên can thiệp.

Nguồn phụ phẩm tiềm năng nhất là từ chăn nuôi, theo tính toán hiện chúng ta có thể tận dụng khoảng 61,4 triệu tấn phụ phẩm từ ngành chăn nuôi, đây cũng chính là nguồn protein có thể chuyển đổi làm TĂCN cực kỳ hiệu quả, cần tiếp tục nghiên cứu sử dụng phù hợp.

Bên cạnh đó còn nguồn phụ phẩm lớn nữa là cây trồng sau thu hoạch, tương đương 43 triệu tấn rơm. Trên thực tế rơm có thể sử dụng rất nhiều mục đích trong sản xuất của ngành nông nghiệp, như làm phân bón, làm đệm lót sinh học… tuy nhiên, trong số 43 triệu tấn thì có khoảng 23% sử dụng lại trong chăn nuôi, còn đa phần là đang để phí hoài, chưa tái sử dụng được. 

Đây là tiềm năng lớn mà chúng ta chưa tận dụng hết, tuy nhiên, muốn khai thác phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có máy tuốt lúa, cho vào bao đồng thời phun hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm để xuất khẩu.

Nói một cách khái quát như trên để chúng ta có cái nhìn tổng thể hơn về các nguồn phụ phẩm mà ta hiện có, nhưng tôi xin nhấn mạnh lại: muốn tận dụng tốt cần phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ mới sử dụng được triệt để, mang lại hiệu quả cao.

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 7.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT)

Cũng chia sẻ về vấn đề xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp làm sao cho đem lại nguồn lợi lớn nhất, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc TTKN Quốc gia nhấn mạnh:

Phế phụ phẩm có nhiều vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm chăn nuôi. 

Ngoài rơm, hiện còn một số phế phụ phẩm ngoài việc thu gom, phân loại, sản phẩm đệm lót sau chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. 

Bên cạnh đó, còn có các phế phẩm của nhà máy giết mổ như lông, tiết…đều có thể bán. Các cơ sở giết mổ đều có thể thu hoạch, xử lý để làm gối, sản phẩm nào không dùng đến thì có thể làm sản phẩm phân bón cho ngành trồng trọt. Khi triển khai dự án, chúng tôi cũng đưa ra các giải pháp về xử lý môi trường. 

Đối với rơm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai 1 số dự án liên quan đến xủ lý sau khi thu hoạch. Ngoài việc phối trộn làm thức ăn vụ đông, rơm có thể sử dụng chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể…từ đó nâng cao giá trị. 

Trong thời gian tới TTKN Quốc gia sẽ xây dựng diễn đàn nâng cao giá trị sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp.

Cần có thêm các chính sách để thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định:

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT. 

Cụ thể, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thứ 2, Hiệp Hội đề nghị các bộ, ngành xem xét thậm chí loại bỏ 1 số phí và lệ phí, đặc biệt Bộ NNPTNT bỏ phí hợp quy về thức ăn chăn nuôi.

Thứ 3. kiến nghị các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Tài Chính, Bộ Công thương xem xét đánh giá nghiêm túc có hay không câu chuyện các “ông lớn” làm giá thức ăn chăn nuôi

Thứ 4, các cơ quan chức năng cần có hậu kiểm thức ăn chăn nuôi. Hiệp hội nhận được một số phản ánh của các hộ chăn nuôi.dù giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng chất lượng thành phẩm cám thức ăn chăn nuôi lại giảm.

Bên cạnh đó, cần quan tâm, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển các phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Việt Nam là nước có bờ biển dài, thế nhưng lại phải đi nhập khẩu bột cá để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hàng năm chúng ta xuất khẩu một số lượng lớn thuỷ sản như cá tra, tôm, thừa rất nhiều phụ phẩm đầu tôm, cá tra. Tại sao chúng ta không sử dụng những phụ phẩm ấy để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Liên kết phát triển ngô ứng dụng công nghệ sinh học, ngô sinh khối

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 9.

Người dân thôn Bế Triều, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chăm sóc ngô sinh khối.

Trong dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi có giải pháp phát triển các vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phát triển ngô ứng dụng công nghệ sinh học, ngô sinh khối. Ông Nguyễn Văn Vương – Đại diện Cục trồng trọt chia sẻ:

Bộ NN&PTNT đã có những định hướng sát sao đối với các loại cây trồng, mà ở đây là cụ thể với cây ngô sinh khối.

Trong thời gian vừa qua, với việc trồng ngô sinh khối, cây ngô có ứng dụng công nghệ gen, chúng ta đã có được một số giống ngô được công nhận. Các giống ngô này giúp hạn chế được dịch bệnh, sâu mùa. Chúng ta đã quản lý tốt các giống ngô được nhờ áp dụng công nghệ sinh học.

Về phát triển  diện tích trồng ngô sinh khối, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị gửi UBND các tỉnh thàn trên cả nước để chỉ đạo sản xuất cây vụ đông nói chung, trong đó có ngô sinh khối nói riêng.

BộNN&PTNT đã có chỉ đạo đối với các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh trồng và liên kết cây ngô sinh khối, chế biến thức ăn chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đã tạo ra cầu nối để các doanh nghiệp kết nối với các địa phương có những liên kết trong vấn đề sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Thời gian qua, những mô hình liên kết này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, người nông dân đã nhận được những tín hiệu mừng thông qua những con số nhất định.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã có những mô hình chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng ngô sinh khối, ngô ứng dụng công nghệ sinh học.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT): Để phát triển trồng ngô sinh khối, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với 3 đơn vị, đó là Viện nghiên cứu Ngô, Viện Nhoa học nông nghiệp Việt Nam (Vaas) và 1 số tỉnh có tổng đàn gia súc lớn ở miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…Hiện nay, tổng diện tích trồng ngô sinh khối 300ha.

Để phát triển, nhân rộng diện tích trồng ngô sinh khối, ngoài các dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các địa phương cần ưu tiên nguồn ngân sách để hỗ trợ nông dân trồng ngô sinh khối. Với nhu cầu thực tế trồng ngô sinh khối hiện nay thì bà con nông dân tham gia rất tốt, tạo thành các tổ, nhóm. Tuy nhiên, hiện nay giá sản phẩm chăn nuôi đang giảm, sự quan tâm của bà con nông dân cũng giảm đi.

Chúng tôi đánh giá, thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản phẩm, nếu tận dụng tốt phế phụ phẩm tại chỗ sẽ mang lại rất hiệu quả cho ngành nông nghiệp. Chúng tôi khuyến cáo nông hộ, cần tận dụng diện tích để trồng ngô sinh khối hoặc trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua 100% ngô sinh khối, lợi nhuận cao hơn 1,5 lần so với trồng ngô hạt. Chính bởi vậy, ngô sinh khối đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân

 Bà Hạ Thúy Hạnh, đánh giá thêm: "Chúng tôi đánh giá thực tế hiện nay tỷ lệ chăn nuôi nông hộ rất lớn, với quy mô chăn nuôi nông hộ bà con có thể tận dụng thức ăn tại chỗ. Đưa các gói kỹ thuật cân đối khẩu phần thức ăn sẽ tốt hơn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp về chăn nuôi, vấn đề dịch bệnh chúng tôi rất quan tâm, các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vaccine, chúng ta phải “đi đều cả 2 chân”.

Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030

TRỰC TIẾP: Bỏ phí cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp không khác gì ném đi hàng tỷ USD  - Ảnh 10.

Thời cơ cho ngành chăn nuôi. Ảnh: TL

Được biết, Bộ NNPTNT đã giao Cục Chăn nuôi xây dựng dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030, trong đó có giải pháp rất quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp với khối lượng lên đến hàng trăm triệu tấn.

Ông Tống Xuân Chinh - Đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ: 

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NNPTNT xây dựng 5 đề án trong đó có Đề án công nghiệp hóa TĂCN, nhấn mạnh giảm 5-10% nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Để thực hiện được cần có lộ trình cụ thể.

Về trung hạn, dài hạn cần đáp dụng đồng bộ 9 giải pháp:

-Chủ động 1 phần nguồn nguyên liệu, cụ thể là ngô và đậu tương. Phải có các cánh đồng mẫu lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đưa máy móc vào, mà muốn làm được điều này phải sửa Luật Đất đai, cho tăng ngưỡng số lượng đất đai được tích tụ

-Sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm lớn, coi đây là đầu vào hay nói đúng hơn là thực hiện nông nghiệp tuần hoàn

-Phải chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất chăn nuôi

-Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

-Áp dụng quy trình chăn nuôi thế nào để có thể sử dụng hiệu quả TĂCN, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng.

-Giảm các khâu trung gian, đại lý để giảm giá thành TĂCN.

-Cân đối lại tiêu dùng ở người Việt Nam trong việc sử dụng cơ cấu các loại thịt. Hiện chúng ta sử dụng tới 60% thịt lợn trong các bữa ăn. Trong khi sản xuất 1kg TĂCN cho lợn tốn nguồn nguyên liệu lớn hơn rất nhiều so với các loại TĂCN cho vật nuôi khác.

Còn trước mắt giải pháp quan trọng nhất là đề nghị các địa phương cho mở cửa đồng loạt để thông thương các nguyên liệu, giúp chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, góp phần làm giảm các chi phí cấu thành nên giá sản phẩm. Đây chính là giải pháp trước mắt cần làm ngay để sớm ổn định lại ngành TĂCN.

Đối với bà con nông dân và các nông trại thì việc tự phối trộn thức ăn cũng chính là giải pháp hữu hiệu nhất giúp bà con tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được việc sản xuất được thông suốt, hiệu quả.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn có ý kiến:

Theo quan điểm của chúng tôi, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước mặc dù đã phát triển khá cao nhưng vẫn còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo tôi, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thế về phát triển thức ăn chăn nuôi. Cần có giải pháp về chính sách, trước hết là về vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai...

Có thể chuyển một số giống lúa chất lượng cao sang 1 số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi, đưa ngô sinh khối, cám gạo làm nguyên liệu thức ăn. Thứ 2 chúng ta phải tăng diện tích trồng đỗ tương để chế biến thức ăn chăn nuôi. Diện tích trồng đỗ tương hiện nay chỉ đủ làm đậu phụ cho người dân ăn.

Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều, tuy nhiên chúng ta đang không những nhập thức ăn tinh mà nhập cả thức ăn thô.

Về nhóm nguyên liệu giàu đạm cần thúc đẩy phát triển sản xuất bột cá.

Một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là gần như chúng ta phải nhập khẩu 100% các nguyên liệu khoáng và vitamin.

Bên cạnh đó chúng ta cần quan tâm hơn nữa vấn đề quản lý cả về chất lượng, thị trường, về giá. Các doanh nghiệp FDI chiếm 30% nhưng lại chiếm đến 60%, có hay không câu chuyện các ông lớn làm giá thức ăn chăn nuôi, chúng ta cần rà soát, xem xét kỹ.