Phế phụ phẩm nông nghiệp quý như vàng nhưng còn lãng phí quá nhiều

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 10/09/2021 14:52 PM (GMT+7)
Trung bình mỗi năm cả nước có gần 157 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp. GS. Võ Tòng Xuân cho rằng phế phụ phẩm nông nghiệp cũng qúy như vàng nhưng còn lãng phí quá nhiều.
Bình luận 0

Hiệu quả từ nguồn chất thải bỏ đi

Khi mới đi vào hoạt động, Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) chủ yếu sản xuất thiết bị chăn nuôi và thi công hệ thống chuồng trại chăn nuôi.

Ông Trần Quang Tính - Giám đốc Công ty cho biết, hệ thống chuồng trại do Trang Trại Việt được thiết kế hoàn toàn tự động từ hệ thống cho ăn đến thu gom phân gà.

Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, nguồn phân gà được công ty để ý vì nếu tận dụng được nguồn chất thải này có thể kiếm được tiền thay vì tốn thêm chi phí lớn để xử lý.

Nguồn phân thải từ chăn nuôi gà sẽ được tận dụng để làm phân hữu cơ bón lại cho cây trồng. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Nguồn phân thải từ chăn nuôi gà sẽ được tận dụng để làm phân hữu cơ bón lại cho cây trồng. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Từ ý tưởng này, ông Tính đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gà đạt công suất 200 tấn/ngày.

Sau khi hoàn thiện quy trình, công ty đã ký hợp đồng trực tiếp xử lý chất thải cho các tập đoàn chăn nuôi FDI ngay tại Đồng Nai.

"Chất thải chăn nuôi được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ nên mang lại giá trị kinh tế cao", ông Tính khẳng định.

Ông Đặng Tường Khanh - Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cũng cho biết, nếu biết tận dụng tốt phế phụ phẩm từ cây ca cao, giá trị mang lại trong đầu tư nông nghiệp sẽ rất lớn, lại giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

Ngoài hạt ca cao là sản phẩm chính, Công ty Trọng Đức còn sản xuất nhiều sản phẩm nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao như nước ép, rượu ca cao, siro, nước màu.

Vỏ trái ca cao cũng được công ty chế biến ra chất Pectin, một loại chất xơ sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Hoặc như rượu ca cao, Trọng  Đức cũng có 2 dòng sản phẩm được chế biến từ vỏ và từ thịt quả ca cao, đang được thị trường ưa chuộng.

Theo ông Khanh, nếu chỉ trồng ca cao lấy hạt rồi xuất khẩu thô, doanh thu của sẽ không đáng kể. Do đó, công ty phải mày mò, tìm cách tận dụng để tạo ra nhiều sản phẩm từ trái ca cao, tăng thêm tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thu hoạch ca cao để chế biến ở công ty Trọng Đức. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thu hoạch ca cao để chế biến ở Công ty Trọng Đức. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Khanh tính toán, cứ 10 tấn ca cao tươi sẽ cho 1 tấn hạt khô. Nếu đem xuất thô, có thể thu về hơn 70 triệu đồng.

Cũng với 10 tấn này, nếu tận dụng được thịt ca cao, đem ép nước sẽ thu được 500kg nước cốt ca cao. Từ đó có thể sản xuất ra 20 chai rượu (loại 750ml), giá trị hơn 1,6 tỉ đồng.

Mỗi năm, Công ty Trọng Đức cũng có khoảng 5.000 tấn vỏ thải ra từ quy trình sản xuất ca cao. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu vang và nhiều sản phẩm có giá trị khác. 60% phụ phẩm vốn bị coi là rác thải ca cao đều được công ty tận dụng và mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng, những nỗ lực trên chỉ là hiệu quả bước đầu. "Vì thực tế doanh nghiệp cần vốn đầu tư lớn để tận thu phụ phẩm. Nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đáng kể nếu không có chính sách ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp", ông Khanh nói.

Còn lãng phí

Tại hội thảo đánh giá về hiện trạng phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở vùng Nam Bộ do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 10/9, Tổ công tác 970 cho biết, tổng khối lượng phụ phẩm cả nước năm 2020 là trên 156,8 triệu tấn.

Năm 2020, vùng Đông Nam bộ ước tính có trên 13,9 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, chiếm 9,3% tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước. Trong đó có 7,8 triệu tấn phụ phẩm từ trồng trọt và 6,1 triệu tấn từ phân vật nuôi.

Riêng Đồng Nai có chăn nuôi phát triển nên khối lượng phân vật nuôi năm 2020 tương ứng là 2,3 triệu tấn; đứng thứ nhất trong vùng.

Nông dân chăn nuôi gà ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân chăn nuôi gà ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Cây ăn quả miền Nam, quá trình thu hoạch, chế biến trái cây ở miền Nam thải ra một lượng phế phụ phẩm rất lớn.

Nhưng nhiều nơi bà con nông dân đang để lãng phí. Tỷ lệ các nhà máy sử dụng nguồn thải này làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ ở mức khá thấp.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp (từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cho đến lâm nghiệp) không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.

Ngay cả những thứ như hạt nhãn, hạt vải thiều… có rất nhiều công dụng chưa khai thác hết. Những loại hạt này hoàn toàn có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng.

GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Con số hơn 157 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm là rất lớn. Nhiều nước xem nguồn tài nguyên phế phụ phẩm cũng quý như vàng.

"Theo mô hình kinh tế tuần hoàn, phế phụ phẩm là nguyên liệu đầu vào có giá trị cao phục vụ trở lại nông nghiệp. Thế nhưng hiện nay, chúng ta còn lãng phí quá nhiều" GS. Xuân chia sẻ.

Với cái nhìn thực tế hơn, chuyên gia nông nghiệp Mai Thành Phụng cho rằng câu chuyện tận dụng phụ phẩm nông nghiệp không mới nhưng lâu nay triển khai không hiệu quả.

Nông dân rất thiếu những mô hình, công nghệ để chuyển giao. Dù có chủ trương thu hút nhưng doanh nghiệp thiếu các chính sách ưu đãi để đầu tư.

Trong quan hệ 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông cần phải có sự rà soát, phân vai cụ thể.

"Cần thiết phải xúc tiến nhanh lại câu chuyện sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi khép kín; tận dụng mọi phế, phụ phẩm nông nghiệp, hướng đến gia tăng giá trị nông sản và xây dựng quy trình sản xuất khép kín, hạn chế tác động xấu đến môi trường", chuyên gia Mai Thành Phụng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem