Gắn bó với nghề nuôi heo gần 10 năm nay, mặc dù đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua anh Lê Chí Hùng, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), không bị ảnh hưởng nhiều nhưng anh buộc phải giảm quy mô nuôi từ 50 con xuống còn 20 con.
Bởi theo anh Hùng, mặc dù giá heo thịt hiện nay khá thấp nhưng đi cùng với đó là chi phí thức ăn tăng cao. Từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi gia súc đã có những đợt điều chỉnh tăng liên tục từ 5.000-10.000 đồng/bao 25kg và đến nay đã tăng tổng cộng khoảng 40.000-45.000 đồng/bao so với hồi tháng 10-2020.
Trung bình để nuôi một con heo đạt 100kg, phải mất thời gian 4 tháng, tốn 8 bao thức ăn tương đương 3 triệu đồng. Với giá heo hơi hiện nay ở mức 40.000-45.000 đồng/kg, thậm chí một số nơi vùng sâu giá còn thấp hơn, khi trừ hết chi phí thì người nuôi lỗ hơn 1 triệu đồng/con.
Theo các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, người nuôi heo nhỏ lẻ chủ yếu là lấy công làm lời nhưng với giá bán như hiện nay thì hầu như ai cũng lỗ.
Những hộ nuôi heo nái, lấy heo giống lại nuôi thì lỗ ít, còn những hộ mua heo giống về nuôi thì lỗ nhiều hơn. Với tình cảnh giá heo hơi giảm, giá heo giống tăng... người dân chăn nuôi theo dạng gia đình cũng không còn thiết tha với nghề nuôi heo nữa.
Một khó khăn khác làm ảnh hưởng thu nhập của người chăn nuôi heo đó là chất lượng nguồn heo giống. Bởi sau đợt dịch tả heo châu Phi thì hầu như nguồn heo giống trong dân giảm đáng kể.
Một số hộ may mắn không bị ảnh hưởng thì chất lượng con giống cũng không được đảm bảo, làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi về sau. Mặt khác, do khan hiếm nên giá heo giống cứ liên tục tăng.
Nếu cách đây 2 năm, khi chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi thì một con heo giống từ 10-15kg có giá dao động ở mức 1-1,2 triệu đồng thì hiện nay có thời điểm giá mỗi con heo giống từ 9-10kg giá lên đến hơn 2 triệu đồng/con.
Anh Hồ Tiến Dũng, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Trước đây nghề nuôi heo ở Hòa Mỹ phát triển rất mạnh nhưng do dịch bệnh, giá heo hơi bấp bênh và đặc biệt gần đây giá heo giống tăng cao đã khiến cho nhiều hộ nuôi bỏ nghề.
Bởi mỗi con heo giống mua khoảng 3 triệu đồng nếu nuôi đạt, bán với giá hiện nay trên dưới 40.000 đồng/kg thì lỗ mỗi con gần 2 triệu đồng. Nếu quá trình nuôi không may bị dịch bệnh thì coi như mất trắng”.
Là một nghề thế mạnh của Phụng Hiệp, lúc đỉnh điểm toàn huyện có trên 10.000 hộ nuôi heo, cứ trung bình 20 hộ dân lại có một hộ nuôi heo. Tuy nhiên, do dịch bệnh, giá heo hơi bấp bênh và đặc biệt là giá thành sản xuất tăng cao nên hiện nay toàn huyện chỉ còn hơn 1.200 hộ nuôi heo với tổng đàn 32.000 con, tăng 9.000 con so với cùng kỳ năm trước, phần lớn tập trung ở 47 cơ sở chăn nuôi tập trung.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Nghề chăn nuôi heo nhỏ lẻ hiện nay không còn ổn định như trước đây. Bởi người nuôi phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như giá cả bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp và đặc biệt là ô nhiễm môi trường rất lớn.
Chính vì thế, quan điểm chung của huyện là từng bước hướng người dân chăn nuôi theo tập trung, để huyện có điều kiện hỗ trợ kỹ thuật cho bà con chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Tăng cường cán bộ kỹ thuật hỗ trợ bà con trong các khâu như tiêm phòng các loại vắc-xin để phòng dịch bệnh, liên kết để giúp bà con tiêu thụ đầu ra với giá cả ổn định hơn.
Dịch bệnh mới có dấu hiệu tạm lắng thì bài toán về giá heo hơi và chi phí đầu tư lại tái diễn gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Giá heo hơi bán giảm, chi phí tăng khiến lợi nhuận càng teo tóp, từ đó làm tăng rủi ro đối với người chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong tỉnh Hậu Giang.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, 9 tháng đầu năm, đàn heo trong tỉnh có 122.180 con, đạt 103,5% kế hoạch. Tuy nhiên, do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến việc tiêu thụ heo ở một số thời điểm cũng gặp khó khăn.
Để việc phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn bền vững, ổn định hơn, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương tập trung tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi heo mạnh dạn tái đàn, phát triển đàn; hướng dẫn cho người chăn nuôi các quy trình kỹ thuật nuôi, các biện pháp vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi và áp dụng quy trình chăn nuôi heo an toàn sinh học.
Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản tại các địa phương để có hướng xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh. Hỗ trợ một phần chi phí mua con giống giúp người dân có khả năng tái đầu tư sản xuất, khôi phục kinh tế, cung cấp nông sản cho nhu cầu tiêu dùng.