Có mặt tại cánh đồng lúa xã Hồi Ninh, Chất Bình…huyện Kim Sơn, phóng viên Dân Việt ghi nhận hàng loạt rào lưới "vô hình" được dựng từ hai cọc tre cao khoảng 3-5 mét nhằm bẫy con cò, vạc, sẻ, gà đồng, quốc, cói, diệc...
Clip giăng lưới chi chít bẫy chim trời trên cánh đồng lúa tại xã Chất Bình, Hồi Ninh...huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Thường những người dân dùng lưới bẫy loài chim trời này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khi đó họ sẽ bật loa phát ra tiếng chim, cò kêu, đặt ở các góc bờ ruộng để gọi đàn chim đang bay trên trời xuống sa lưới.
Ông Trần Văn Đ (xóm 9, xã Chất Bình) cho biết: "Năm nào cũng vậy, khi trên các cánh đồng có lúa tốt là có người nơi khác đến giăng lưới để bẫy chim trời. Nghề bẫy chim, cò này thường hoạt động vào ban đêm và khi trời sáng là bắt đầu gỡ chim, cò mắc lưới xuống đem đi bán".
"Còn những con chim, cò bị mắc lưới vào ban ngày, các chủ giăng lưới không kiểm tra nên hầu như con chim, cò đó chết khô, treo lơ lửng trên không nhìn thấy ám ảnh lắm", ông Trần Văn Đ nói thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, sau khi chim, cò được đánh bẫy sẽ có các lái buôn về tận nơi thu mua hoặc các chủ đánh tự đưa đi các nơi để bán, nhập vào các nhà hàng, thậm chí còn giao bán trực tiếp trên các trang mạng xã hội.
Đặc biệt, về huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy chở theo hàng chục chim trời để bán cho khách. Được biết, giá bán con cò khoảng 70.000-100.000 đồng/đôi, diệc 140-150.000 đồng/đôi, vạc lên đến 100.000 đồng/con…
Chim trời đang ngày càng cạn kiệt do săn bắt vô tội vạ, làm ảnh hưởng cân bằng hệ sinh thái môi trường, mất đi thi vị cuộc sống bởi thiếu vắng tiếng chim trời.
Rất cần cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, nuôi, mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh chim trời.
Cụ thể hơn là hành vi bẫy bắt, vận chuyển, buôn bán các loại chim bản địa, chim di cư hoang dã đang diễn ra hiện nay trên các cánh đồng lúa tại xã Chất Bình, Hồi Ninh (huyện Kim Sơn).