Theo khảo sát của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 25/10 ở các tỉnh miền Bắc đã đạt mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ một trang trại nuôi heo lớn ở Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, sáng nay, 25/10, thương lái đã trả giá 48.000 - 49.000 đồng/kg với heo đẹp.
Tương tự, ông Lăng Văn Chí, chủ trang trại heo lớn nhất nhì huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, giá heo hơi đang tăng trở lại, sức tiêu thụ của thị trường cũng tăng đáng kể.
Tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi cũng tăng, ở mức 43.000 - 45.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Nam, nhiều nông hộ chia sẻ trên các nhóm hội chăn nuôi thông tin giá heo hơi đã tăng trở lại.
Tại Mỏ Cày Nam (Bến Tre), giá heo hơi đạt 42.000 đồng/kg; tại Cần Đước (Long An), một thương lái cho biết, giá heo hơi đẹp có thể đạt 46.000 đồng/kg; tại Cần Thơ, giá heo hơi cũng đạt 45.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tăng, nhiều nông hộ bàn nhau bán nhỏ giọt để đợi giá heo lên mới bán. Ông Nguyễn Văn Hanh dự đoán, giá heo hơi có thể đạt 55.000 đồng/kg vào tuần sau.
Trong khi đó, theo thông tin trên diễn đàn chăn nuôi heo lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, một doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn nhất tiếp tục điều chỉnh giá heo hơi hôm nay 25/10 tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Như vậy, trong mấy ngày gần đây, doanh nghiệp này liên tục có điều chỉnh tăng giá heo hơi.
Điều khiến nhiều người quan tâm trong thời gian qua là tuy giá heo hơi có lúc giảm sâu chỉ còn 30.000 đồng nhưng giá thịt heo lại giảm không tương xứng.
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, thời gian qua, giá thịt heo thành phẩm chưa giảm tương xứng so với giá heo hơi.
Theo đó, giá thịt heo thành phẩm phổ biến ở mức 60.000- 100.000 đồng/kg tại chợ và ở mức 98.000- 130.000đồng/kg tại siêu thị.
Thứ trưởng Hải nói rõ, trong cơ cấu giá thịt heo, trung bình 100 kg heo hơi thu được khoảng 55-60 kg thịt heo thành phẩm. Như vậy, tỷ trọng giá heo hơi chỉ chiếm 55-60% trong giá heo thịt, các chi phí khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng (chi phí lao động, xét nghiệm, vận tải...), do đó giá thịt heo thành phẩm không giảm tương ứng như mức giảm của giá heo hơi.
Trong khi đó, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, tháp giá thịt heo trên thị trường hiện nay như sau: Cao nhất ở các siêu thị lớn, sau đó đến các siêu thị nhỏ, các chợ ở trung tâm thành phố lớn, trong khi giá thịt heo tại các địa phương ven đô thị giảm nhiều hơn.
Từ nghịch lý giá thịt heo giảm không tương xứng so với giá heo hơi, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, ngành chức năng hoàn toàn có thể vào cuộc kiểm tra, đối chiếu giá, nhất là trong những điều kiện bất thường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường, tăng cường hiểu biết của người tiêu dùng đối với thị trường, giá cả mặt hàng thịt heo.
Cho rằng mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, “việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết” bởi ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.
Theo Bộ NNPTNT, để duy trì sản xuất, đảm bảo chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có; nhất là việc xây dựng liên kết ngang (hợp tác xã, tổ hợp tác...)
Bộ NNPTNT cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học chẳng hạn, phòng ngừa dịch bệnh đỡ rủi ro trong chăn nuôi, giảm chi phí trong khâu nuôi.
Bên cạnh đó, xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ như Masan, Dabaco, CP, Japfa, Deuh, … phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để thúc đẩy nông hộ khôi phục sản xuất, Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán.
Xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường.
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bới Covid-19.
Có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến./.
Chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn heo, chưa xuất chuồng được.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường đặc biệt cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.