Dân Việt

Chuyển đổi số ngành y tế, tiến đến mỗi người dân có 1 bác sĩ riêng

PV 26/10/2021 06:09 GMT+7
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đặc biệt chú trọng ứng dụng các công nghệ số hiện đại nhằm chuyển đổi số ngành y tế từ quản trị, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong chuyển đổi số bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý bệnh viện, triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện không in phim...

Bộ Y tế phối hợp với  BHXH Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH. Đến nay, đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. 

Giải pháp trọng tâm để chuyển đổi số trong ngành y tế - Ảnh 1.

Quầy đăng ký khám tự động tại bệnh viện Hải Phòng. Ảnh

Trong dịch Covid-19, ngành y tế đã triển khai được hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, với hơn 1.000 điểm cầu, kết nối từ bệnh viện trung ương tới trạm y tế xã phường, từ thành phố lớn đến hải đảo, miền núi xa xôi. 

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế; thí điểm đưa ứng dụng "điện toán biết nhận thức" hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.

Xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành y tế

Theo PGS TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm phát triển nền tàng cho chuyển đổi số trong ngành y tế. 

Để làm được điều này phải đẩy mạnh tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành y tế; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) y tế.

Đồng thời phải phát triển hạ tầng số y tế như nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật trên nền tảng điện toán đám mây, công nghệ máy chủ hội tụ, siêu hội tụ, các công nghệ mạng dây dẫn, không dây hiện đại; 

Chuyển đối số ngành y tế sẽ có một khối lượng dữ liệu thông tin khổng lồ cần quản lý, do đó, PGS Tường nhấn mạnh cần phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế. Ngoài ra, cần phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế;

"Chúng ta cần ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp", PGS Tường nhấn mạnh. 

Giải pháp trọng tâm để chuyển đổi số trong ngành y tế - Ảnh 2.

Hệ thống khám chữa bệnh từ xa của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh BYT

Các dữ liệu này cần phải được đảm bảo an toàn. Do đó, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là việc cần thiết khi tiến hành chuyển đổi số. Để có người thực hiện chuyển đổi số thì phải coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, triển khai đào tạo các chuyên gia cấp trung ương và các chuyên gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chuyển đổi số y tế.

Mỗi người dân có một bác sĩ riêng

PGS Tường cũng chia sẻ, một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong ngành y tế như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam. 

Cụ thể, triển khai sáng kiến "Mỗi người dân có một bác sĩ riêng" với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; 

Qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình, đồng thời nhận nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.

Ngoài ra, cần phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm bằng cách phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu thu thập từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

"Trong thời dịch bệnh phức tạo như hiện nay, chúng ta cần phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân bao gồm cung cấp tri thức về phòng chống Covid-19, các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, thông tin dinh dưỡng và khai báo sức khỏe cá nhân; 

Các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, kết nối với hệ tri thức Việt số hóa", PGS Tườg nói. 

PGS Tường nhấn mạnh, việc phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế. 

Qua hệ thống số, người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua việc nhập các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân vào hệ chuyên gia, hình thành các trợ lý ảo chăm sóc cho người dân....