Clip: Cau tươi bán cho thương lái Trung Quốc để sản xuất ra món kẹo cau Trung Quốc. Nguồn: Thành Trương Trung
Theo ghi nhận của PV Dân Việt thì hiện tại, giá cau tươi ở nhiều địa phương đang tăng chóng mặt bởi được các thương lái Trung Quốc "vận dụng hết công suất" để đi thu mua. Cau non - thứ quả tưởng không ăn được ở Việt Nam hóa ra lại được Trung Quốc sản xuất thành kẹo.
Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện 1 đoạn clip dài khoảng gần 20 giây ghi lại cảnh người dân đang thu hoạch cau tươi bán cho thương lái Trung Quốc để sản xuất ra món kẹo cau. Ngay khi xuất hiện trên Tiktok, clip này đã thu về hàng triệu lượt người xem, bình luận và chia sẻ. Điều đó chứng tỏ kẹo cau rất có sức hút với nhiều người.
Điều đáng chú ý ở đây là đã có rất nhiều người ở phần bình luận chia sẻ rằng họ đã thử kẹo cau và vô cùng thích thú với món ăn vặt độc, lạ đến từ Trung Quốc này.
Ở Việt Nam, trầu và cau như được ví von là lời để mở đầu câu chuyện bởi "miếng trầu là đầu câu chuyện". Tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp, từ dân gian tới cung đình, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Người Việt quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự cũng mời ăn trầu. Miếng trầu, làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn.
Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau.
Trong ngày tết luôn luôn có đĩa trầu cau trên các bàn thờ để cầu tài lộc cho năm mới. Cau thờ phải chọn trái cau xanh, to, cùi dày, vỏ mỏng. Trầu chọn lá trầu xanh, to không bị rách. Ngoài ra trầu cau còn để tiếp khách đến chúc xuân đầu năm.
Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng-vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu.
Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không.
Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối.
Kẹo cau Trung Quốc ăn có tác dụng gì? Ảnh: Lazada.
Ăn trầu là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, một "mỹ tục" của người Việt. Tuy nhiên, ngày nay, nét văn hóa đậm chất quê này đang có xu hướng mai một. Sự mai một ấy tuân theo quy luật phát triển của xã hội nhưng tục ăn trầu vẫn sẽ là một phong tục đẹp tồn tại trong tâm thức người Việt hôm nay và mãi về sau.
Thế nhưng, nếu miếng trầu cau được nhắc đến trong câu chuyện trên là loại quả cau bánh tẻ, không được non cũng không được già thì mới là cực phẩm thì quả cau được thương lái Trung Quốc thu mua lại là loại cau non khi chưa hình thành nên hạt.
Sau khi mua cau non (hạt nhỏ hoặc không có hạt) về, họ luộc với nước sôi, rồi sấy khô đóng vào bao chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo.
Loại kẹo này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng ở xứ Trung.
Thậm chí có những tiktoker ở Việt Nam sau khi thử món kẹo cau Trung Quốc đã chia sẻ lại rằng: Kẹo cau rất cứng, có vị chát của cau, có vị ngậy của socola, nếu chưa ăn quen hoặc ăn vào buổi sáng sớm chưa ăn gì thì rất dễ bị say, biểu hiện là mặt đỏ, mắt hoa,...
Đặc biệt, để tìm mua loại kẹo cau Trung Quốc này cũng không quá khó. Chỉ với giá khoảng 35.000-70.000 đồng là bạn đã có thể sở hữu 1 gói kẹo cau Trung Quốc nặng khoảng 20gram (khoảng 12 chiếc kẹo nhỏ được hút chân không cẩn thận phía trong), gồm nhiều màu sắc bắt mắt khác nhau.
Trong khi đó, ở Việt Nam thì kẹo cau là một thứ kẹo bình dân dành cho trẻ con, trông như miếng cau chẻ sáu, gồm có phần trong cứng màu vàng nhạt, tượng trưng cho hạt cau, là một phiến nước đường vàng óng; phần ngoài màu trắng, là thịt cau, làm bằng bột trộn đường. Kẹo cau thường được gói trong lá chuối khô. Thứ kẹo này thường được ngậm mà ăn chứ không nhai vì cũng khá cứng.
Đây là một món ăn dân dã khá lâu đời ở Huế. Khác với kẹo cau có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm từ cau khô, khi ăn có tác dụng chống lạnh.