Xưa là rau dại, ai ngờ rau ngon này lại giàu đạm đến thế, ông nông dân Kiên Giang trồng thành công, thu tiền tỷ

Thứ ba, ngày 22/10/2024 09:54 AM (GMT+7)
10 năm trồng rau má, ông Trương Văn Đẹp (Tám Đẹp), 70 tuổi, ngụ khu phố Vĩnh Phước, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) trở nên giàu có. Ai ngờ loại rau ngon này lại giàu đạm thực vật, bán tốt, giúp ông Đẹp bỏ túi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Năm 2013, nhận thấy rau má đồng dễ trồng lại ổn định đầu ra, ông Đẹp mạnh dạn chuyển đổi 3.000m2 đất trồng lúa sang chuyên canh rau má.

Theo ông Đẹp, rau má dễ trồng trên đất ruộng, ít sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc và cho thu hoạch quanh năm. 

Sau mỗi đợt cắt, ông Đẹp tiếp tục tưới nước, bón phân hữu cơ vi sinh, 20 ngày sau thu hoạch đợt tiếp theo và cắt bán liên tục trong 20 ngày.

Ông Đẹp chia sẻ: “Rau má chịu khô nên không cần tưới nước mỗi ngày. Nhưng để nước tưới được phủ đều trên mặt lá giúp rau má sạch, đẹp hơn, tôi lắp hệ thống tưới nước phun sương tự động. 

Tôi còn tận dụng hệ thống này để tưới phân tự động theo hướng tiết kiệm. Rau được cấp nước đều đặn kịp thời nên luôn xanh, sạch và được thương lái ưa chuộng”.

Rau má tiêu thụ mạnh, ít bị dập khi di chuyển xa nên ông Đẹp nhận được nhiều đơn hàng từ các chợ và thương lái đến tận vườn thu gom. 

Mỗi ngày gia đình ông cung ứng ra thị trường từ 100-200kg rau má, có thời điểm hút hàng tiêu thụ hơn 500kg rau má/ngày.

img

Nhân công thu hoạch rau má đồng cho gia đình ông Trương Văn Đẹp, tỷ phú Kiên Giang trồng rau má thành công ở khu phố Vĩnh Phước, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

“Trồng rau má làm giàu không khó, nhưng cái khó nhất là làm sao phải đảm bảo chất lượng, nguồn rau sạch, an toàn, không bao giờ dùng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất”, ông Đẹp khẳng định.

Mỗi năm, liên tục trong 6 tháng, ông Đẹp thu hoạch 3 đợt rau má. Để hạn chế sâu bệnh, bí quyết riêng của ông là sau mỗi cuối vụ, ông tiến hành đưa nước vào ruộng, sau đó đợi khô mặt ruộng mới xới đất và bắt đầu vụ mới.

Ông Đẹp nói: “Khi ngưng thu hoạch rau má, người trồng phải đưa nước vô ruộng ngâm liền để cắt mầm bệnh, sau đó khi ruộng khô rồi mới xới lại, nếu gấp xới thì rau má không trúng mùa”. 

Cách làm này nhằm diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất, giúp cây rau má ít bị sâu bệnh hơn so việc canh tác liên tục.

img

Ruộng rau má xanh mướt, tốt um của gia đình ông Trương Văn Đẹp đang cho thu hoạch tại thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang).

Theo ông Đẹp, chi phí cây giống rau má ông chỉ đầu tư lần đầu lúc mới bắt đầu trồng, từ đó về sau hạt giống, rễ rau má vẫn còn lưu tồn trong đất nên chỉ cần đưa nước vô ngâm mặt ruộng, sau đó rút cạn và tiến hành cày ải đất là rau má lại bắt đầu sinh sôi cho vụ mới.

Từ 3.000m2 trồng rau má ban đầu, đến nay ông Đẹp mở rộng lên gần 10.000m2. Mùa nước nổi, trong khi nhiều nơi ngưng sản xuất rau màu thì ông vẫn có rau má bán đều đặn nhờ đầu tư bờ bao cao ráo không sợ ảnh hưởng bởi nước lũ.

Ban đầu, để có giống rau má đồng, ông Đẹp đi khắp các khu vườn trong xóm tìm nhổ những bụi rau má mọc hoang, sau đó đem về dâm trên bờ xáng. 

Là rau má đồng nên rau mềm, có mùi thơm đặc trưng, không to và nhám như một số loại rau má thường thấy ở chợ.

Theo tính toán của ông Đẹp, với năng suất rau má đạt từ 1,5-1,8 tấn/công/vụ, giá bán dao động từ 10.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Đẹp thu lợi nhuận từ 1-1,5 tỷ đồng/năm. 

Ngoài ra, mô hình trồng rau má của gia đình ông Đẹp còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 160.000-250.000 đồng/người/ngày.

An Lâm (Báo Kiên Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem