Dân Việt

Huyền tích hồ Ba Bể (kỳ 1): Mênh mông hư thực cõi người

Chiến Hoàng 28/10/2021 06:00 GMT+7
Từ thị trấn Chợ Rã vượt hơn 17km đường đèo, chúng tôi chạm bến hồ Ba Bể. Từ trên cao nhìn xuống là Pé Lẩm, Pé Lù, Pé Lèng - 3 vùng nước mênh mông - với những vách đá dựng đứng tạo nên sự kỳ vĩ của kỳ quan "biển hồ trên núi" này.

LTS: Thử một đêm ở lại với núi rừng, thử một đêm trở về với thiên nhiên, trở về bên mẹ núi mới hay, vì đâu các bậc túc nho xưa lại chọn ẩn mình chốn thâm sơn cùng cốc mà cao đàm khoát luận. Hồ Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) về đêm thật như một tấm gương trời, phản chiếu lung linh và đầy ám gợi.

Lặng lẽ Pò Giả Mải

Chúng tôi lên hồ Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đúng ngày trở gió, trời lất phất mưa. Mặc, đôi ba chiếc xe vẫn thư thả đi trong lây rây bụi nước, tụt lại phía sau con đường như dải lụa mềm uốn lượn trong sương chiều.

Từ thị trấn Chợ Rã vượt hơn 17km đường đèo, chúng tôi chạm bến hồ Ba Bể. Từ trên cao nhìn xuống là Pé Lẩm, Pé Lù, Pé Lèng - 3 vùng nước mênh mông - với những vách đá dựng đứng tạo nên sự kỳ vĩ của kỳ quan "biển hồ trên núi" này.

Lý Văn Hoàng - một cư dân vùng hồ chính hiệu đợi đón chúng tôi từ khi trời bắt đầu lộng gió cho đến lúc sương giăng kín phủ mặt hồ. Hoàng hỏi đầy nghi hoặc: "Có chắc đêm nay bạn sẽ ở lại trên này chứ?" Tôi quả quyết gật đầu.

Chiếc thuyền độc mộc tròng trành rẽ nước trôi vào trong sương, bỏ lại phía sau vệt cắt ngọt trên mặt hồ mênh mông tĩnh lặng. Đôi ba cánh chim chiều thư thả vỗ cánh sát mặt nước rồi bất chợt ngoặt vòng tựa chốn bồng lai.

Huyền tích hồ Ba Bể (kỳ 1): Mênh mông hư thực cõi người - Ảnh 1.

Hồ Ba Bể có diện tích 500ha, được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, phong phú đa dạng về động thực vật. Với những điều đó, hồ Ba Bể lọt top 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới; được công nhận là vườn Di sản ASEAN. Hồ Ba Bể cũng là một trong 5 khu RAMSAR, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ở Việt Nam. Ngoài ra, hồ Ba Bể còn là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Hoàng rót tràn chén, đẩy về tôi. Im lặng. Có lẽ giữa đất trời, giữa sự tĩnh tại vô ưu này, tất thảy thanh âm được cất lên bởi con người đều trở nên thừa thãi. Một mình trên độc mộc thư thả mái chèo, ưu phiền trút bỏ, tiếng nước khua như một điểm nhấn về âm, những gợn sóng lăn tăn nối dài vô tận.

Có lênh đênh sóng nước mới thấy con người nhỏ bé, mong manh. Hồ Ba Bể xanh trong, cái xanh trong của mắt người sơn nữ với những vồng ngực núi căng lên phồn thực. Tạo hóa là thế, thoát ly mọi trường phái, ý niệm, mặc nhiên như ngàn đời vẫn vậy.

Người xưa có cái lý của người xưa, người nay càng thế. Song điểm đồng quy của mọi lý lẽ, cảm xúc phải chăng chính là ở chỗ này đây. Xuôi chèo phó mặc cho sóng nước đẩy đưa, vòng tay gối đầu mà hít hà vị núi, cảm giác mới thú làm sao. Tiếng sóng xô bờ lép nhép, tiếng chim muông đâu đó vọng về, lâu lắm, có lẽ dễ đến cả chục năm trời chưa chạm vào những mênh mông hư thực thế này giữa cõi đời bon chen.

Đêm trên Pò Giả Mải thoạt tiên cảm giác lạnh người. Nghe tiếng nước động mà ngỡ có người đang tắm. Căng mắt nhìn chỉ thấy những viền sẫm mờ chạy dọc hai bên mép nước, uốn lượn những đường cong mềm mại như thiếu nữ đương xuân. Nhìn kỹ, là cá… những đàn cá nối nhau dưới trăng mờ, sao bạc chẳng khác nào con thuồng luồng đang quẫy nước bờ xa. Cảnh tượng ấy khiến chúng tôi không khỏi ngây người, bất giác nhớ nhớ về sự tích Pò Giả Mải mà Hoàng từng kể trước đó.

Trải nghiệm đêm trên hồ

Huyền tích hồ Ba Bể (kỳ 1): Mênh mông hư thực cõi người - Ảnh 3.

Thiếu nữ Tày vùng hồ Ba Bể thướt tha áo chàm trên thuyền độc mộc. Ảnh: Đại Lượng

Đi thôi. Hoàng không hỏi thêm gì, lặng lẽ cho xuồng quay đầu. Hướng chúng tôi đến là động Hua Mạ (xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), cách nơi chúng tôi vừa rời đi chừng 7km.

Chẳng phải ngẫu nhiên hồ Ba Bể được mệnh danh "biển hồ trên núi", Hoàng từng bảo vậy. Theo một số tài liệu, mặt hồ trải dài 8km, rộng từ 200m đến 1.000m, độ sâu trung bình 17 - 23m, nơi sâu nhất đạt 29m. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lòng hồ có vô vàn loài cá, trong đó không ít loài quý hiếm như cá lăng, anh vũ...

Theo đánh giá của các nhà khoa học, vùng đá vôi nơi đây có niên đại tới 450 triệu năm và điểm đặc biệt của vùng đá này chính là quá trình biến đổi địa chất. Đá vôi qua quá trình đó đã biến thành những mảng đá hoa cương độc đáo và hiếm thấy. Lớp đất sét dày tới 200m nơi đáy đã giúp hồ Ba Bể giữ nước, và đó cũng chính là điều kiện hình thành nên kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ này.

Sau khi dừng xuồng, chúng tôi đi bộ theo đường cái nhằm hướng xã Quảng Khê. Đi chừng 6km về phía Tây là động Mua Mạ (Đầu Ngựa), còn có tên khác là động Lèo Pèn. Có thể nói động Hua Mạ thực sự là một mê động.

Diện tích lòng động có đến cả hecta, chiều cao vòm mái chừng vài cây vầu nối lại. Thạch nhũ trong động tạo hình kỳ ảo, lấp lóa phản chiếu ánh đèn. Theo người già, động Hua Mạ từng là nơi trú ngụ của dân binh cùng triều đình chống giặc rồi tử trận.

Sau khi thắp nén tâm hương tưởng nhớ các tướng lĩnh đã tử trận tại động Hua Mạ, chúng tôi ngược dòng sông Năng thơ mộng lần đến Ao Tiên, thác Đầu Đẳng và động Puông. Chúng tôi luồn rừng trong đêm sương tĩnh mịch, ngước lên là vòm trời lấp lánh sao sa.

Cảnh đẹp ấy giúp đôi chân bước đi không hề biết mỏi, miệng thì không ngừng hít hà những hương rừng, vị núi.

Hoàng bảo, ngoài vẻ đẹp tự nhiên, quần thể du lịch Ba Bể còn có vẻ đẹp của những trầm tích văn hóa được biểu đạt qua những câu sli, câu lượn, những câu chuyện dân gian như sự tích Pò Giả Mải, truyền thuyết động Hua Mạ, sự tích về chàng Xiên Cân - người làm nên cây đàn tính 12 dây...

Đi một lèo xuyên đêm, trước mắt chúng tôi lúc này là những con dốc mềm mại uốn lượn vòng quanh hồ, rồi đột ngột ngoặt theo chiều gió thổi, đôi chỗ hun hút lượn vòng mép nước lăn tăn, loe lóe những đốm lân tinh chụm lại tựa hình quả chuông lúc lắc trên tay các thiếu nữ Tày.

Chúng tôi về đến bản Pác Ngòi trời cũng vừa lưng lửng sáng. Sương sớm vùng hồ khi ắng gió chụm lại thành vốc như những hum lúa, hum ngô đợi bàn tay người tra hạt. Mỗi đợt heo may, sương lại chạy tràn như đám trẻ tinh nghịch ùa xuống mặt nước đầy, chỉ vài tích tắc thôi đã lại phăm phăm ngược núi. 

(Còn nữa)