Dân Việt

Gia Lai: Trồng cây cảnh mà trai làng phát tài, nhặt cây sung vứt ngoài đường mang về uốn thành "cây vàng"

Lê Trang 29/10/2021 11:30 GMT+7
Với đam mê tạo hình cho cây cảnh, anh Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng được mô hình trồng hoa, trồng cây cảnh (cây kiểng) mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Tấn Phúc đúng lúc anh đang tất bật giới thiệu những chậu hoa, cây cảnh cho khách mua về chưng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phúc cho biết: Cách đây 13 năm, anh là chủ một studio chuyên chụp ảnh nghệ thuật và đám cưới. Trong một lần đi chơi cùng một số người bạn, thấy cây sung ai đó vứt bỏ bên đường, anh mang về chăm sóc, uốn tỉa tạo dáng cho cây. Tác phẩm đó của anh đã được nhiều người khen ngợi, từ đó niềm đam mê trồng cây cảnh trỗi dậy trong anh. 

Gia Lai: Trồng cây cảnh mà trai làng phát tài, nhặt cây sung vứt ngoài đường mang về thành chăm "cây vàng" - Ảnh 1.

Anh Phúc (bìa phải) giới thiệu cây kiểng của gia đình. Ảnh: L.T

 “Vì vậy, tôi đã dành một góc vườn với diện tích 50 m2 để trồng hoa, trồng cây kiểng. Mới đầu, tôi tự mày mò, nghiên cứu một số loại hoa, cây kiểng dễ tạo dáng để thỏa niềm đam mê. Đến năm 2010, sau chuyến ra Hà Nội xem triển lãm cây cảnh ngàn năm Thăng Long, tôi được tận mắt nhìn thấy những cây kiểng được các nghệ nhân có tiếng trong cả nước trưng bày.

Tại triễn lãm cây cảnh ngàn năm Thăng Long, nhiều hình dáng rồng bay, phượng múa, có cây có giá vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng, tôi càng đam mê với loại hình nghệ thuật này hơn...

Sau đó, tôi quyết định bàn giao hết công việc ở studio cho vợ để dành hết thời gian trồng cây cảnh, chăm sóc cho hoa kiểng”.

Để có một vườn hoa, cây cảnh rộng 7 sào với nhiều loại cây khác nhau, anh Phúc đã dành nhiều thời gian học hỏi cách ươm trồng, kỹ thuật tạo dáng, ghép cây cảnh trên mạng internet rồi vào tận TP. Hồ Chí Minh học các nghệ nhân có tiếng. 

Do có năng khiếu nên anh Phúc học rất nhanh và sáng tạo ra nhiều dáng khác nhau để uốn nắn cho cây cảnh. Hiện tại, vườn ươm cây cảnh của gia đình anh có cả ngàn phôi giống và trên 300 cây kiểng đã được vào chậu, chủ yếu là các loại cây như: sanh Nam Điền, mai vàng, nguyệt quế, mai chiếu thủy, hoa ngũ sắc và một số loại cây quý hiếm khác.

 Hơn 10 gắn bó với nghề trồng cây kiểng, anh Phúc rất nhạy bén với thị trường. Anh cho biết, kinh doanh hoa kiểng rất có lãi, với điều kiện người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhạy bén với thị trường và dám mạnh dạn đầu tư. 

Điều quan trọng nhất là phải biết đánh giá “tướng cây” đẹp hay xấu rồi mua về chăm sóc, uốn sửa cây để nâng giá trị, có thể một vốn mười lời. Ngược lại, nếu mua nhầm cây cảnh xấu, bộ rễ lỏng lẻo, rời rạc thì sẽ bị lỗ vốn. 

“Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chơi hoa, cây kiểng cũng phát triển theo. Nhất là trong thời đại 4.0, người bán cây cảnh có một thuận lợi lớn khi quảng bá trên internet. Năm nay, ngoài trồng cây kiểng, bon sai bán quanh năm, gia đình tôi đã đầu tư trồng và chăm sóc mai vàng, ghép hoa ngũ sắc trên cây thân gỗ để bán trong dịp Tết.

 Vừa qua, tôi đã xuất bán gần 300 chậu hoa ngũ sắc ghép thân gỗ cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt với giá bán sỉ 550.000 đồng/chậu. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng từ trồng hoa kiểng, trồng cây cảnh”-anh Phúc cho biết.

 Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Xuân Huy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai-cho biết: “Anh Nguyễn Tấn Phúc là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trên địa bàn xã. Anh đã xây dựng được mô hình kinh tế trồng hoa kiểng, trồng cây cảnh với diện tích lớn...".

"Phải là người thật sự đam mê cây cảnh và có bản lĩnh mới mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp đô thị. Với năng khiếu của mình trong nghề trồng cây cảnh, trồng hoa kiểng, năm 2014 anh đã đạt giải Nhì trong hội thi “Bon sai đẹp qua ảnh” tổ chức tại Đà Lạt”, ông Huỳnh Xuân Huy.