Phát biểu tại buổi lễ bàn giao Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững về Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của ngành lâm nghiệp.
Do vậy, ngày 11/01/2019, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có quyết định thành lập Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững để triển khai nhiều hoạt động thiết lập Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn, tài liệu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và được Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) công nhận là thành viên chính thức thứ 50.
Đến nay, công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đã đạt được những kết quả quan trọng như cơ bản đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo xây dựng các mô hình quản lý rừng bền vững hướng đến cấp chứng chỉ rừng; hình thành chuỗi liên kết ngang giữa chủ rừng với chủ rừng, liên kết dọc giữa chủ rừng với các doanh nghiệp chế biến gỗ.
Đến nay, cả nước đã có trên 2 triệu ha rừng của chủ rừng là tổ chức được xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững, có trên 300.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và VFCS/PEFC và trên 3 triệu mét khối gỗ rừng trồng có chứng chỉ đi vào chuỗi cung phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được thành lập trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan Quản lý nhà nước, không có cơ chế tự chủ tài chính nên việc vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia chưa đáp ứng theo yêu cầu của Tổ chức PEFC.
Theo đó, để tháo gỡ tồn tại, hạn chế này, Tổng cục Lâm nghiệp bàn giao Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững về Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam theo Quyết định của Bộ NNPTNT.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sớm ổn định tổ chức của Văn phòng chứng chỉ rừng, bảo đảm vận hành được ngay. Trước mắt, xây dựng kế hoạch chi tiết vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thúc đẩy quảng bá có hiệu quả thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS/PEFC) tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện hiện có trên 700 cán bộ nghiên cứu và người lao động, với các lĩnh vực chuyên môn đa dạng, bao gồm chọn tạo giống, kỹ thuật lâm sinh, sinh thái và môi trường, lâm sản ngoài gỗ, quản lý tài nguyên rừng, bảo quản và chế biến gỗ,...
Đây là các điều kiện rất quan trọng để hỗ trợ cho hoạt động của Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
"Hoạt động của Văn phòng chứng chỉ rừng sẽ thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kết nối doanh nghiệp với chủ rừng và các bên liên quan để thực hiện và đáp ứng các yêu cầu về quản lý rừng bền vững, đặc biệt là hướng đến nâng cao giá trị gia tăng trong kinh doanh rừng, giảm thiểu các tác động môi trường và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế về chứng chỉ rừng" - ông Hải nhấn mạnh.
Để tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động của Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng năm 2021 sau khi chuyển giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp quản lý và vận hành, Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cũng đề nghị Văn phòng tiếp tục hoàn thiện, ký hợp tác quyền sử dụng logo VFCS cho 07 chủ rừng đã được cấp chứng chỉ VFCS gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long; Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng; Công ty TNHH Cao su Dầu Tiếng; Công ty cổ phần cao su Bà Rịa; Công ty cổ phần cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông; Liên Minh hợp tác xã Thừa Thiên Huế.
Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng theo dõi, hướng dẫn hồ sơ ký hợp tác quyền sử dụng logo VFCS cho Hợp tác xã Lâm nghiệp Hòa Phát hiện đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ cấp Chứng chỉ VFCS.