Bên lề buổi lễ Ký kết Quy chế phối hợp và công bố chương trình phát triển bền vững của VRG, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG cho biết, vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình tổ chức sản xuất, chứng chỉ bền vững FSC của 2 đơn vị thành viên đã bị tạm dừng.
Thương mại quốc tế ngày càng đặt yêu cầu cao nguồn gốc và chứng chỉ các sản phẩm từ cao su. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đây là điều đáng tiếc, nhưng việc phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phát triển bền vững và đạt chứng chỉ là cần thiết hiện nay khi các nhà thương mại quốc tế luôn quan tâm đến nguồn gốc và chứng chỉ các sản phẩm từ cao su.
Chương trình phát triển bền vững của VRG giai đoạn 2019 – 2024 sẽ tiếp tục khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và phát triển 20.000 ha rừng gắn với vùng cao su; quản lý dữ liệu vườn cây bằng công nghệ bản đồ số.
Sẽ bám theo lộ trình chung của Chính phủ nhưng VRG đặt mục tiêu đẩy tiến độ nhanh hơn. Dự kiến năm 2019, VRG sẽ có khoảng 10.000 – 12.000 ha được cấp chứng chỉ rừng Việt Nam. Đến 2025, toàn bộ diện tích của tập đoàn sẽ cơ bản được cấp các chứng chỉ rừng bền vững cả trong nước và quốc tế.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành sớm các chứng chỉ rừng bền vững trên toàn bộ diện tích trồng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tập đoàn VRG VN hiện đang quản lý trên 400.000 ha cao su, trải dài khắp nước và đầu tư trồng cao su ở Lào và Campuchia. “Là đơn vị quản lý một diện tích sản xuất rất lớn nhưng lại đi khá chậm trong phát triển bền vững là điều khó chấp nhận”, ông Thuận cho biết.
Theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng. Mô hình tăng trưởng hiện nay mới chỉ tạo ra khối lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp và đang dần đi đến giới hạn.
Các vấn đề về biến đổi khí hậu, thói quen sản xuất thiếu quan tâm đến môi trường đang gây ra những tác động to lớn đối với ngành nông nghiệp. Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra áp lực rất lớn, trong đó nông nghiệp là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển bền vững. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đối với ngành cao su, các doanh nghiệp ngoài việc đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, có uy tín kinh doanh, còn đòi hỏi sản xuất phải có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Tức là phải cân bằng cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
“VRG và các doanh nghiệp trong ngành cần quyết tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển bền vững”, Thứ trưởng đề nghị.
Về phần mình, ông Thuận cũng đề nghị các quy định về chứng chỉ phát triển rừng bền vững cần cụ thể hơn về tiêu chí phấn đấu, thay vì vẫn còn nặng về định tính hơn định lượng như hiện nay.
Lễ ký kết Quy chế phối hợp và Công bố Chương trình Phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Bộ NN&PTNT và Chính phủ cần có chính sách thông thoáng hơn để các doanh nghiệp trồng rừng đẩy nhanh tốc độ phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp thành viên thuộc VRG cần có kế hoạch cụ thể để sớm hoàn thành mục tiêu đạt chứng chỉ bền vững”, ông Thuận chia sẻ.
Theo thống kê, năm 2018, 11 tập đoàn lốp xe lớn trên thế giới (tiêu thụ khoảng 65% sản lượng cao su thế giới), đã tuyên bố yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu phải tuân thủ nguyên tắc sản xuất và quản lý bền vững. Những tập đoàn nội thất lớn cũng tuyên bố chỉ tìm mua nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ bền vững. Xu hướng này của thị trường tạo cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp trồng và cung cấp nguyên liệu cao su cũng như gỗ cao su.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.