Bác sĩ Nguyễn Cao Thắng - Khoa Nam học của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ chia sẻ với độc giả Dân Việt một số vấn đề dễ gây hiểu lầm liên quan đến sức khỏe tình dục.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) có thể biểu hiện với các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng gây bệnh.
Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua các chất dịch cơ thể như máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Các triệu chứng có thể bao gồm vết loét hoặc vết sưng tấy, đau khi đi tiểu, tiết dịch bất thường từ bộ phận sinh dục, đau khi quan hệ, mẩn đỏ, chảy máu bất thường, và nhiều triệu chứng khác.
Tuy nhiên, các triệu chứng của STI thời gian dài mới xuất hiện. Trong một số trường hợp, nó có thể không xuất hiện, chẳng hạn như chlamydia, đặc biệt là ở phụ nữ.
Văn hóa và các chuẩn mực xã hội làm chúng ta thường nghĩ rằng tất cả đàn ông đều bị ám ảnh bởi tình dục và quan hệ bất cứ khi nào có thể, trong khi phụ nữ thì dè dặt và ít quan tâm đến tình dục hơn. Điều này liệu có đúng hoàn toàn?
Trong một cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Justin R. Garcia, Giám đốc điều hành của Viện Kinsey tại Đại học Indiana trích dẫn nghiên cứu cho thấy mức độ ham muốn tình dục là tương tự giữa cả hai giới.
Mặc dù ham muốn tình dục của phụ nữ có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mang thai, cho con bú, mãn kinh, nhưng điều này không có nghĩa là phụ nữ có ham muốn tình dục thấp hơn nam giới.
Theo tiến sĩ Dweck, quan điểm cho rằng quan hệ tình dục thường xuyên hoặc sinh con khiến âm đạo bị giãn ra không hồi phục là không chính xác. Khi sinh nở sẽ khiến vùng kín của phụ nữ bị tác động. Tuy nhiên, sau một thời gian, nó sẽ tự phục hồi về trạng thái ban đầu.
Sau khi sinh, phụ nữ có thể bị mất một số trương lực cơ sàn chậu, nhưng điều này có thể hồi phục nhờ các bài tập vật lý trị liệu cho sàn chậu. Cuối cùng, sự lão hóa và thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến độ đàn hồi cũng như trương lực của âm đạo.
Rối loạn chức năng tình dục ước tính ảnh hưởng đến 43% phụ nữ và 31% nam giới, có thể bao gồm các triệu chứng như khó đạt hoặc duy trì độ cương cứng, không xuất tinh hoặc xuất tinh chậm ở nam giới, không đủ bôi trơn âm đạo hoặc không thể đạt cực khoái ở nữ giới.
Một giả định phổ biến giải thích cho tình trạng này là do mất cân bằng các hormone như testosterone và estrogen. Tuy nhiên, rối loạn chức năng tình dục cũng có thể là kết quả của của một loạt các tình trạng về sức khỏe và thể chất.
Chúng bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim, các rối loạn thần kinh, hoặc lạm dụng rượu và ma túy.
Rối loạn chức năng tình dục cũng có thể là kết quả của căng thẳng, lo lắng, mối quan hệ, tổn thương trong quá khứ và lo lắng về hình ảnh cơ thể hoặc hoạt động tình dục.
Nhiều loại thuốc có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục như một tác dụng phụ, như: thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc lợi tiểu và một số thuốc kháng histamin.
Mặc dù sử dụng bao cao su là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa STI và mang thai, nhưng chúng không hiệu quả 100% hoặc thậm chí là 99%.
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bao cao su cho nam có tỷ lệ hỏng là khoảng 13%, trong khi bao cao su cho nữ có tỷ lệ hỏng là 21%.
Các biện pháp tránh thai dành cho nữ giới dựa trên hormone có tỷ lệ ngừa thai cao hơn nhiều so với sử dụng bao cao su, nhưng chúng lại không có tác dụng bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Chuyên đề "Sức khỏe quý ông" được tòa soạn báo điện tử Dân Việt bắt đầu triển khai từ ngày 15/9/2021 đều đặn vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần với sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Không chỉ dữ liệu khoa học, các câu chuyện, tình huống được đề cập trong bài viết là hoàn toàn có thật, là cơ sở tin cậy để bạn đọc tham khảo.
Chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc không dễ chia sẻ của đấng mày râu, từ đó giúp các anh hướng đến "phong độ, bản lĩnh" trước phái đẹp, cũng như tâm lý vững vàng, thành công hơn trong cuộc sống.