Những loại phân bón tăng mà người nông dân đang sử dụng hiện nay đa phần là phân bón vô cơ như URÉA, DAP, SA, KALI, NPK…
Đây là một nghịch lý đã và đang diễn ra cho ngành nông nghiệp trong định hướng sản xuất nông sản sạch, hữu cơ và chất lượng cao. Hiện nay, nông dân có khuynh hướng dùng quá ít phân hữu cơ và làm tăng chi phí đầu vào.
Theo số liệu công bố của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp có nhu cầu tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón. Trong đó chỉ có khoảng 1 triệu tấn phân hữu cơ (gần 10%); còn lại hơn 90% là phân vô cơ.
Trong khi nền nông nghiệp một số quốc gia trên thế giới hiện nay như Nhật, Mỹ. Úc,… đã sử dụng đến 40% phân hữu cơ.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sự lạm dụng phân vô cơ trên cả nước đang đem đến nhiều hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường, đất cạn kiệt dưỡng chất, trực tiếp là sự phí phạm khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Trong khi đó, kinh nghiệm sản xuất của "nông dân tri điền", thì sử dụng phân hoá học lâu dài trên nền đất trước hết tác động xấu đến chất lượng nông sản và năng suất giảm dần về lâu dài.
Tuy nhiên người nông dân có quán tính lâu đời là thích "trồng cây tốt hơn trồng cây khoẻ".
Thói quen của họ là cứ mỗi khi ra miếng vườn, thửa ruộng, không thấy cây trồng có màu xanh mượt mà, cành lá xanh tươi, óng ánh, cong oằn thì không chịu, cứ tiếp tục bón phân đạm để vài ngày sau cây trở nên "mát mắt" mới vừa ý. Nhưng họ không ngờ sau đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khi đã lạm dụng phân bón hóa học.
Cũng có trường hợp vì muốn tăng năng suất, tăng thu nhập mà người nông dân bón uréa một cách vô tội vạ trước 15 ngày thu hoạch.
Thực tế ở ĐBSCL cho thấy nhiều nông dân không ngại bón phân đạm từ 300-350 kg/ha thay vì chỉ cần khoảng 240/ha là đủ. Sự phí phạm này dẫn đến nhiều phí phạm khác khi phải sử dụng tiếp thuốc BVTV trừ sâu, bệnh hại phát sinh sau đó.
Hậu quả là nâng cao giá thành sản phẩm, sản phẩm có nguy cơ tồn dư độc chất, khó xuất khẩu, giảm lợi nhuận.
Trong khi đó nếu dùng phân hữu cơ, người nông dân sẽ làm cho đất trồng càng ngày càng trở nên màu mỡ do sự phát triển hệ vi sinh vật, ảnh hưởng tốt đến chất lượng sản phẩm, nhất là nông sản chất lượng cao, đáp ứng được với tiêu chuẩn nhập khẩu càng ngày càng cao của thị trường tiêu thụ nông sản thế giới.
Những phế phẩm như rơm rạ, nếu được tận dụng sẽ được bón trả lại dinh dưỡng cho đất thay vì bị phí phạm. Theo thống kê có tới hơn 200 triệu tấn mỗi năm do đốt đồng và không tái sử dụng.
Giá thành phân bón tăng chóng mặt thật ra đó là những loại phân dạng hóa học, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất người nông dân nếu như người nông dân dùng phân hữu cơ.
Kinh nghiệm bản thân tôi và một số hộ ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) đã cho thấy được hiệu quả sau 5 năm bón hoàn toàn phân hữu cơ cho lúa. Lúc đầu năng suất có giảm hơn, lúa bị thương lái mua với giá "đánh đồng" giá cả với lúa bón phân hóa học.
Đôi khi còn bị thương lái chê hạt lúa không bóng mẩy vì không phun xịt thuốc kích thích tăng trưởng. Nhưng những năm sau đó năng suất tăng dần trong khi số lượng phân bón lại giảm dần. Người nông dân giảm được chi phí đầu vào, tăng thêm thu nhập.
Hiện nay các hộ nông dân ấp Cầu Chùa hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, làm lúa sạch, chất lượng cao do doanh nghiệp địa phương bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 20%.
Cái lợi tiếp theo của người nông dân ấp Cầu Chùa là dùng phân hữu cơ là giá cả tương đối ổn định và không cao hơn những loại phân hóa học có cùng công dụng. Như vậy cho dủ giá phân bón hóa học có "nhảy múa" theo giá cả phân thị trường thế giới, người nông dân chúng tôi không bị ảnh hưởng.
Tôi xin được nêu lên một số ý kiến sau:
Ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương thông qua các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp có nhiều biện pháp vận động cũng như hổ trợ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ bằng nhiều cách khác nhau.
Các HTX Dịch vụ nông nghiệp địa phương không đánh đồng giá cả nông sản hữu cơ với nông sản dùng phân hóa học trên thị trường tiêu thụ nông sản. Điều này bước đầu làm cho nông dân có hứng thú dùng phân hữu cơ thay phân hóa học và làm tiền kích cầu với thương lái và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó ngành cũng nên có nhiều biện pháp sự vận động, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ còn quá ít trong xu hướng tiến tới một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ và chất lượng cao.
Phải có những cam kết ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ cũng như nên hình thành tại địa phương nhiều đại lý bán phân hữu cơ với nhiều thương hiệu, nhiều chủng loại để nông dân dễ dàng lựa chọn.
Từ lâu, ngành nông nghiệp và công thương chưa "cầm trịch" và có sự phối hợp gắn kết với nhau, thực hiện nhiều nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp theo định hướng nông sản sạch, hữu cơ, an toàn, chất lượng cao.
Trong đó không thể thiếu nhiệm vụ trung tâm là làm cầu nối cho nông dân và doanh nghiệp, ngân hàng để tiêu thụ sản phẩm của nông dân làm ra một cách có hiệu quả.
Tại sao nông dân phải khóc ròng? Tại sao nhà quản lý phải bất lực khi giá phân bón tăng?
Tại sao nông dân không dùng phân hữu cơ? Tại sao nông dân dùng nhiều thuốc BVTV?
Lời giải quả thật không đơn giản, nhưng không phải là không thể.