Bằng cách này, nông dân Bến Tre, Kiên Giang không chịu áp lực khi giá phân bón tăng
Bằng cách này, nông dân Bến Tre, Kiên Giang không chịu áp lực khi giá phân bón tăng
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 29/10/2021 06:01 AM (GMT+7)
Nhờ ứng dụng canh tác lúa thông minh, lượng phân bón của một số mô hình trồng lúa ở Bến Tre, Kiên Giang… giảm đáng kể, trong khi đó năng suất tăng đáng kể.
Kỹ sư Trương Thị Bình - đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, cho biết nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh hàng năm gặp không ít khó khăn do xâm nhập mặn.
Hơn thế, đây còn là địa phương mà đất bị nhiễm phèn nặng, thiếu nước tưới và thời tiết thất thường, "giặc" chuột phá hoại... nên khó khăn càng chồng thêm khó khăn.
"Chúng tôi đang tìm nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, trong đó việc ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh đã và đang chứng minh được tính hiệu quả rất cao" - bà Bình nói
Cụ thể, tại Bến Tre, mô hình canh tác lúa thông minh được triển khai tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri với giống OC10 bằng phương pháp sạ lan bằng tay.
Lượng giống gieo sạ trong mô hình và đối chứng sử dụng tương đương nhau 100kg/ha. Vụ hè thu vừa qua, năng suất trong mô hình đạt 5,2 tấn/ha lúa khô, tăng 650kg/ha; lợi nhuận đạt 17,756 triệu đồng/ha, cao hơn 4,73 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Nhưng, cái được lớn nhất của chương trình, theo kỹ sư Trương Thị Bình là: "Từ những kiến thức của chương trình canh tác lúa thông minh, bà con nông dân tại địa phương ứng dụng mô hình (xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri) đã nắm bắt những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất lúa theo hướng giá trị tăng cao và bền vững…".
Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay, việc giảm được lượng phân bón nguyên chất giúp nhà nông tiết kiệm đáng kể chi phí. Theo đó, mô hình giảm được 31kg đạm/ha, 9kg lân/ha; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giảm 1 lần so với đối chứng
Hai địa phương Kiên Giang và Bạc Liêu cũng gặp tình hình tương tự khi đất đai bị xâm nhập mặn cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu. Nhờ ứng dụng các giải pháp kỹ thuật của mô hình canh tác lúa thông minh, những khó khăn này đã được khắc phục.
Tại Kiên Giang, mô hình canh tác lúa thông minh thực hiện tại ấp Mương Kinh, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất với giống Đài Thơm 8 bằng hình thức cấy tay, và giống OM 4900 bằng hình thức sạ lan bằng máy phun.
Lượng giống gieo sạ trong mô hình và đối chứng tương đương, trung bình 80kg/ha, nhưng lượng phân bón nguyên chất của mô hình đã giảm 20,75kg đạm/ha; 5,5kg lân/ha; 22,5kg kali/ha; số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng.
Năng suất trong mô hình đạt 6,2 tấn/ha lúa tươi, tăng 200kg/ha; lợi nhuận đạt 18,7 triệu đồng/ha, cao hơn 4,16 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Còn tại Bạc Liêu, mô hình được thực hiện tại ấp 15, xã Phong Tân, huyện Giá Rai với giống Hương Châu 6 bằng hình thức sạ lan bằng máy phun.
Theo đó, lượng giống gieo sạ trong mô hình sử dụng 80kg/ha, giảm 20kg/ha; lượng phân bón nguyên chất giảm 33,2kg đạm; 28,7kg lân trên 1ha diện tích canh tác.
Năng suất trong mô hình đạt 6,15 tấn/ha lúa tươi, tăng 170kg/ha; lợi nhuận đạt 13,965 triệu đồng/ha, cao hơn 849.000 đồng/ha so với đối chứng.
Làm chủ đầu vào
Trên thực tế, ở mỗi địa phương trên, theo chia sẻ của người nông dân trực tiếp sản xuất, họ đã được hướng dẫn làm chủ đầu vào, để chủ động hơn trong sản xuất của mình.
Theo nông dân Lê Tuấn Kiệt (xã Phong Tân, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), nhờ được hướng dẫn kỹ thuật từ chương trình canh tác lúa thông minh, anh đã quản lý được ruộng lúa của mình thiếu gì, cần bổ sung chất gì… nhờ đó năng suất lúa từ năm 2016 đến nay đều vượt trội so với những nông hộ khác trên địa bàn.
"Nếu ruộng lúa không được quản lý tốt, bị ngộ độc phèn thì khi cây lúa 7-8 ngày mà gặp nắng sẽ chết hàng loạt. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay tôi không còn bị trường hợp này, nhiều bà con nhờ tôi hướng dẫn cải tạo đất cũng không gặp tình trạng này" - anh Kiệt cho hay.
Kỹ sư Lưu Quang Ngọc (Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu), cho biết, kết quả của mô hình canh tác lúa thông minh đã được chứng minh qua những vụ lúa vừa qua.
Song, điều mà ngành nông nghiệp Bạc Liêu tâm đắc nhất là hiệu quả lâu dài của chương trình: "Những kiến thức, kỹ thuật của mô hình sẽ theo sát những người nông dân trong quá trình sản xuất lâu dài về sau. Từ đó, sẽ mở ra cơ hội mới cho người trồng lúa".
Ông Doãn Văn Chiến - Phó Giám đốc Văn phòng thường trực phía Nam của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, thành công của các mô hình canh tác lúa thông minh nói trên, bên cạnh việc mang đến cho bà con các gói kỹ thuật canh tác đồng bộ, phải kể đến sự hỗ trợ của chương trình như đã đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước mặn, pH tự động; trang bị cho nông dân máy phun phân bón, bút đo độ mặn cầm tay, bộ test đo pH; phân tích mẫu đất đầu vụ; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng các giải pháp canh tác thông minh trong điều kiện nhiễm mặn…
"Các giải pháp hỗ trợ này đã giúp nông dân trong mô hình trở thành "chuyên gia", làm chủ được tình hình và mang lại hiệu quả canh tác cao trên đồng ruộng" - ông Doãn Văn Chiến đánh giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.