Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đau đầu nghĩ cách ứng phó
Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đau đầu nghĩ cách ứng phó: Lo cho “vụ lúa ăn chắc”
Huỳnh Xây-Trần Đáng
Thứ ba, ngày 26/10/2021 11:55 AM (GMT+7)
Giá phân bón đã tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, nông dân nhiều nơi vẫn “giữ” thói quen bón nhiều phân cho cây trồng. Giảm lượng phân bón để giảm giá thành sản xuất, thu lợi nhuận cao hơn đang là đòi hỏi tất yếu.
Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, nhiều nông dân đã tính đến phương án giảm lượng phân bón, chuyển sang dùng phân bón hữu cơ để tiết kiệm chi phí.
Giá phân tăng "chóng mặt"
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá phân bón tại các cửa hàng vật nông nghiệp vùng ĐBSCL thời gian qua tăng chóng mặt.
Cụ thể, phân urê (đạm) 820.000-860.000 đồng/bao (50kg), kali 800.000-830.000 đồng/bao, DAP từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/bao.
So với 10 ngày trước, giá phân bón hiện đã tăng từ 80.000 - 100.000 đồng/bao. Nếu so với cách đây 3 tháng, mức giá trên tăng từ 280.000-330.000 đồng/bao. So với cùng kỳ năm trước, giá phân bón tăng hơn gấp đôi.
Ông Đinh Thành Nam (nông dân ở ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), cho biết, qua theo dõi, ông được biết, nguyên nhân giá phân bón tăng là do tác động từ nguồn cung ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, còn bên châu Âu thì các nhà máy gặp bão lụt.
Để trồng lúa có được lợi nhuận trước tình trạng giá phân bón tăng cao, ông Nam cho biết, đã nhiều lần kiến nghị với ngành chức năng qua các cuộc họp dân. Trong đó, ông kiến nghị có giải pháp giảm thuế nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, không phụ thuộc vào một thị trường nào, trong đó có Trung Quốc.
Theo Cục Trồng trọt, trong 6 tháng gần đây, giá phân bón tăng rất cao, có những loại phân tăng tới 100%.
Cụ thể như giá phân urea là 16.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm chỉ khoảng 6.700 đồng/kg.
Chi phí phân bón thường chiếm 21 - 24% cơ cấu giá thành sản xuất lúa, cá biệt là vụ thu đông 2020 - 2021, giá phân bón tăng cao khiến chi phí phân bón chiếm đến 30%.
Hiện ông Nam chuẩn bị gieo sạ cho 90ha lúa đông xuân và đang lo lắng về lợi nhuận. Vụ lúa này, ông Nam sẽ dùng biện pháp sạ hàng (sạ thưa) và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khác để giảm lượng phân bón đầu vào từ 20-25%.
"Để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân tới, từ vụ lúa trước tôi đã mua trữ 300 tấn phân bón nên đã giảm bớt một ít chi phí. Khi vào vụ sản xuất, tôi cũng sẽ nghiên cứu giảm bớt việc bón phân đạm" - ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, khác với các hộ dân trồng lúa 3 vụ trong năm, hiện 90ha lúa của ông đều làm 2 vụ nên lượng phân cũng không cần bón nhiều, cây lúa cũng phát triển tương đối tốt.
Ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc HTX Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cho biết, giá phân bón tăng liên tục nhiều tháng qua.
Theo ông, giữa vụ lúa hè thu vừa qua, phân urê hơn 9.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã lên đến 16.000 đồng/kg, phân DAP cũng tăng từ 12.000 đồng/kg lên đến hơn 22.000 đồng/kg.
Giá phân bón tăng, lo cho "vụ lúa ăn chắc"
Trước tình trạng giá phân bón tăng, cũng như ông Nam, từ giữa vụ lúa hè thu trước đó, ông Thích đã chủ động mua trữ 200 tấn phân bón.
Để có lời trong vụ lúa tới đây, HTX của ông Nam sẽ sản xuất theo hướng bán hữu cơ, trong đó chỉ bón phân hóa học từ 30-35%, còn lại sẽ bón phân hữu cơ (giá thành thấp, ổn định giá). Theo ông Thích, với mô hình này, HTX với hơn 60ha của ông sẽ giảm lượng lớn phân bón hóa học nhưng hiệu quả mang lại vẫn đảm bảo.
Ông Thích cũng nhận định, giá phân bón hiện nay có thể khiến cho người dân trồng lúa theo cách truyền thống bỏ ruộng, không dám đầu tư.
Theo ông Ngô Thọ Hòa (nông dân ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), giá phân bón tăng quá cao, do đó người dân trồng lúa ở địa phương ông đều có dự định sạ hàng trong vụ đông xuân tới. Với cách làm này, người dân hy vọng sẽ giảm khoảng 30% lượng phân bón.
"Giá phân bón này mà trồng lúa theo cách truyền thống, tức sạ tay, trồng dày thì không có lời. Ai thuê đất trồng lúa thì lỗ" - ông Hòa nhận định.
Mới đây, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đề xuất giảm 50% lượng phân bón cho vụ đông xuân 2021 – 2022 sắp tới.
Về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Be (ở thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), cho rằng, chuyện giảm 50% lượng phân bón cho lúa là một bài toán phải ăn chắc chứ không đánh cuộc.
Theo ông Ba Be, vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, gia đình ông đã thử giảm 20% lượng phân bón cho 5ha trồng lúa. Kết quả, năng suất lúa vẫn đạt 8 tấn/ha.
Tuy nhiên với đề xuất giảm tới 50% lượng phân bón cho vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, ông Ba Be tỏ thái độ e dè: "Vụ lúa đông xuân là vụ ăn chắc. Nông dân nhát lắm, nếu thay đổi một phương pháp trồng lúa mới mà không ăn chắc thì họ rất ngại".
Cũng theo ông Ba Be, những năm qua, vựa lúa Đồng Tháp Mười gặp nhiều vấn đề, như: Đất thiếu bồi đắp phù sa do lũ về kém, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây lúa… Nếu hạn chế lượng phân bón đến 50% chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng năng suất lúa sụt giảm.
Tại huyện Tân Phước (Tiền Giang), anh Trần Văn Đứng đang chuẩn bị làm hơn 2ha lúa đông xuân 2021 - 2022.
Theo anh Đứng, năng suất vụ lúa đông xuân ở ruộng anh chỉ đạt 4 - 5 tấn/ha. Do trồng lúa trên đất phèn nặng nên mỗi công đất anh Đứng phải bón mất một bao phân (50kg)/vụ. Với đề xuất giảm 50% lượng phân bón cho vụ lúa đông xuân, anh Sáu Đứng cũng ngập ngừng.
Theo ông Lê Thanh Tùng, khi đề xuất việc giảm 50% lượng phân bón cho vụ đông xuân 2021 - 2022, ông cũng hy vọng năng suất lúa sẽ không giảm quá nhiều.
"Lượng phân bón dư thừa trong đất vẫn còn nhiều. Do đó, nếu giảm phân bón cho vụ đông xuân này thôi thì không lo" - ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng tin rằng, nếu giảm được 50% lượng phân bón cho hơn 1,5 triệu ha lúa ở ĐBSCL thì áp lực phân bón sẽ không còn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.