Chưa ai biết, khái niệm về chợ xuất hiện tự bao giờ, chỉ biết chợ đã xuất hiện trên đất nước Việt Nam ta từ hàng trăm năm qua và đã trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử, phát triển khác nhau và chứng minh cho thấy, chợ là không gian sinh tồn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân từ nông thôn đến thành thị.
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến nước ta (từ tháng 4 đến tháng 9) đã khiến hàng loạt chợ đầu mối, chợ dân sinh ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, cùng nhiều tỉnh, thành buộc phải đóng cửa đã gây ra một sự đứt gãy, gián đoạn nhất định trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ người sản xuất (nông dân) đến người tiêu dùng càng là minh chứng rõ nét cho vai trò của chợ.
Ngày nay, cuộc sống của người dân từ nông thôn tới thành thị đã phát triển, đổi thay hơn, nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích đã hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm theo thị hiếu, khả năng của người tiêu dùng. Đó cũng là xu thế tất yếu trong sự phát triển đi lên của cuộc sống. Song lắng lại một chút, mỗi chúng ta đều nhận thấy, chợ (gồm các loại hình như chợ đầu mối, chợ dân sinh, thậm chí cả chợ cóc) vẫn tồn tại với vai trò rất riêng của mình.
Trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, chợ cũng được xác định là 1 trong 19 tiêu chí để xác định xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới càng chứng tỏ cho sự quan tâm của Nhà nước trong các chính sách phát triển về chợ nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân có không gian mua sắm, sinh hoạt tốt hơn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 8.581 chợ, đa phần các chợ thiên về chức năng bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa không nhiều. Mạng lưới chợ tiếp tục duy trì và cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng 40% (qua hệ thống phân phối hiện đại trung bình từ 22%-25%).
Mạng lưới chợ vẫn giữ được vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ tại địa bàn nông thôn chiếm khoảng từ 50%-70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân của cả nước. Tùy vào điều kiện phát triển của từng địa phương con số này có sự thay đổi.
Chợ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Chợ là nơi lưu thông hàng hóa, là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… cho người dân. Đặc biệt với địa bàn nông thôn và các địa bàn khó khăn thì hàng hóa chủ yếu lưu thông qua chợ. Với các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, chợ đầu mối là nơi phát luồng hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm tới các kênh bán lẻ trên địa bàn (chủ yếu là các chợ bán lẻ).
Với những ý nghĩa trên, từ ngày 2/11, Báo điện tử Dân Việt ra mắt chuyên mục "Chợ Việt xưa nay" với mục đích: Thông tin, truyền thông đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển chợ; Là nơi truyền tải, đăng tải các thông tin về chợ, xu thế phát triển của các hình thức chợ Việt; Là sân chơi để cho độc giả cả nước viết bài, thể hiện các ký ức, thông tin về chợ, cũng như các ý kiến đóng góp về những mô hình biến đổi chợ trong tương lai….
Ngoài các tin, bài, phóng sự; chuyên mục còn có các chủ đề như: Chợ quê một thuở; Chợ phiên trong tôi; Chợ Việt nổi tiếng; Thế giới chợ; Chợ online...
Bạn đọc quan tâm đến chuyên mục "Chợ Việt xưa nay", xin vui lòng gửi các ý kiến góp ý, đóng góp tại phần bình luận dưới mỗi bài viết hoặc gửi bài về theo địa chỉ e-mail: baodanviet@gmail.com (Ghi rõ: Gửi bài cho chuyên mục Chợ Việt xưa nay) hoặc địa chỉ hòm thư cá nhân của người phụ trách chuyên mục: Nhà báo Lê Hân theo địa chỉ e-mail: lehan8780@gmail.com.
Báo điện tử Dân Việt