Thời gian trôi, vạn vật cũng thay đổi. Ngày trước, quê tôi họp chợ theo phiên, một tháng có bốn phiên còn các ngày thường chỉ có lác đác người bán rau cỏ, bà nội trợ nào cũng lên “kế hoạch mua sắm mỗi khi phiên đến”. Đặc biệt là phiên chợ ngày tết, thường đông gấp ba, gấp bốn lần bình thường.
Chợ quê rất rộng. Mỗi một hàng lại là một lán nhỏ có mái có bục hẳn hoi, được thiết kế hàng lớp đều tăm tắp, duy chỉ có các cụ, các bà đôi khi có buồng chuối chín, có mấy nải cau nhà, chục trứng thì xin ké vào các lán để bán, bán không hết thì đi đổi, đi cho.
Phiên tết, hầu như nhà nào cũng đi chợ, không bán thì mua, không mua thì ra chợ ngắm người, ngắm cảnh, cho có không khí rộn ràng, chẳng ai ở nhà. Tôi cùng thường mẹ đi chợ từ rất sớm, thường thì 26 tết là đã phải mua xong xuôi lá dong, gạo nếp, đậu xanh để chuẩn bị gói bánh chưng. Tờ mờ sáng, khách chẳng nhìn rõ mặt người mua, cứ mặc cả ra vào như thói quen thường lệ.
Ảnh minh họa
Nhất là chợ hàng hoa, người ta tập trung mua rất nhanh vào sáng sớm vì lúc đó sẽ có được hoa tươi, ngày tết trong nhà không có hoa thì đã mất đi một nửa hương vị. Trời ló rạng dần, những mẹ, những bà hiện dần lên cùng chiếc nón lá, chiếc làn, chiếc thúng, theo sau là con nhỏ, cháu nhỡ. Chợ đông lên một cách chóng mặt, người mua người bán tấp nập, nhiều thức là cây nhà lá vườn những ngày thường chẳng mấy khi có để bán, toàn để dành đến phiên chợ tết.
Ông đồ, ông bán chữ là lo nhất. Chất liệu là giấy, là sơn nên họ rất sợ thời tiết ẩm thấp cuối năm, rồi nữa, không bán được thì ra Giêng treo lên nhìn vẫn thấy đói. Chẳng thế mà, hình ảnh ông đồ, đôi mắt đăm chiêu, vuốt khẽ bộ râu vẫn cứ chiếm một vị trí quan trọng ở phiên chợ tết. Phiên chợ tết còn thương cho những người tranh thủ tết đi buôn thêm, kiếm góc bánh chưng nhưng rồi chẳng may thua lỗ, thôi thì góp vui với chợ, mang biếu bạn chợ đổi lấy thứ này mà chẳng ai so đo, tính toán.
Phiên chợ tết không chỉ tấp nập chuyện mua bán mà còn là nơi mà để người ta hiểu hơn về nhau, về công việc của nhau. Bạn đã thấy chỗ nào mà người ta mang nón ra đan giữa chợ, mang tranh ra vẽ hay mang quần áo ra may chưa. Tôi nhớ ngày đó cứ mẩn mê ngồi xem các cụ, các bà “trình diễn nghệ thuật”, các cụ ăn trầu môi đỏ thắm hơn son bây giờ của con gái, đôi bàn tay dẻo dai tuy đã ngoài 70 tuổi. Mẹ tôi biết tôi thích nên thường cho tôi ngồi lại xem và đi chợ mua tiếp, nhớ nhất lần ngồi xem nặn tò he, tôi đã nặn được hình Tôn Ngộ Không, ông cụ tặng tôi, xoa đầu và thơm khẽ lên trán, ấm áp lạ thường.
Ngày xưa không có tủ lạnh cũng mơ hồ về chất bảo quản nên những đồ ngoài chợ thường tươi roi rói, như hoa vừa rời gốc, như cá mới ngoi bờ. Đồ ăn thường chỉ ăn đến mùng 2, vì mùng 3 chợ lại bắt đầu họp, không như bây giờ vẫn luôn thường trực mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm với những đồ ăn để vô biên với thời gian.
Đặc sản của chợ quê là mặc cả. Người ta mặc cả cũng một phần sợ bị hớ, một phần là cách để họ giao lưu với nhau, tả siêu thực về món hàng của mình, người trả được phép kéo giá lên hạ giá xuống theo ý của mình, thuận mua vừa bán và được phép thử. Nhớ đến chợ quê ngày tết, tôi nhớ mãi vị men say của rượu nếp cẩm bà Huỳnh, nay bà đã về chầu tổ tiên, chợ quê đã thành siêu thị, rượu nếp cẩm của bà có lẽ đã đóng thành chai thủy tinh đủ sắc màu nào đó. Nhưng hương vị nếp cẩm tay bà làm, miệng bà móm mém ăn trầu, đầu đội khăn mỏ quạ, bàn tay đồi mồi cùng đôi quang gánh làm tôi chẳng thể nào quên. Bà cũng chẳng lấy tiền của tôi bao giờ, biết tôi nghiện rượu nếp cẩm, cho dù khách hỏi mua bao giờ bà cũng để phần tôi một ít.
Xưa kia chợ quê nằm tì lên đê sông Nhuệ, dài hun hút nửa cây số. Giờ thì người ta nói phải bỏ chợ đi vì không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiểu thương buồn, dân làng chẳng vui, nhất là các cụ già với con gà, chục trứng, biết ngồi chỗ nào bán bây giờ. Nghe từ siêu thị thật siêu hình, chỉ biết có vậy, họ dựng lên thế, hàng hóa đầy khay, chọn xong chỉ cần tính tiền “tít tít” cái là xong.
Trong siêu thị, hàng hóa khá nhiều, nhưng độ tươi sống theo tôi còn xa với phiên chợ quê trong ký ức, đặc biệt là nhiều túi nilon hơn vì cái gì cũng được bọc, được bì với bao nhiêu màu sắc. Chẳng còn làn, còn thúng, còn nia, tất cả được cho vào túi nilon. Cũng chẳng mặc cả, đôi co vì đã có giá niêm yết, mua thì lấy không thì cũng chẳng ai mời, ai mọc. Và tất nhiên cũng chẳng lúc nào đông đúc như phiên chợ, chẳng có thứ gì khác ngoài hàng hóa và tiền.
Siêu thị là thế, vô hình trung là làm mất đi sự giao tiếp giữa người mua và người bán, một phần cũng do thời hiện đại người ta ít thời gian hơn và tin vào những thứ hình thức hơn là sự trải nghiệm thực sự. Dân số đông lên nhưng khoảng cách giữa mỗi người lại xa hơn bởi bê tông và smartphone.
Thời gian trôi, con người cũng vì thế mà già đi. Người bên ta rồi lại chẳng bên ta. Chỉ có những ký ức đẹp sẽ tồn tại mãi mãi, đó là cả một biển trời tình cảm, một bầu trời văn hóa tràn nhựa ký ức. Phiên chợ tết cũng vậy, nhớ thao thiết làm sao, cho dù sau này chỉ có thể kể lại, mường tượng lại thì đó cũng là một cách giáo dục vô cùng tuyệt vời với lớp con thơ, con trẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.