Cụ thể, thống kê trong ngày 1/11/2021, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất đang được duy trì trên 7%/năm.
Đơn cử Techcombank, lãi suất cao nhất lên tới 7,1%/năm. Tuy nhiên, điều kiện là khách hàng phải cam kết không được tất toán trước hạn và số tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên.
Tại ACB, nhà băng này đã điều chỉnh giảm lãi suất cao nhất từ 7,3%/năm xuống 7,1%/năm trong tháng 10 và tiếp tục duy trì đến thời điểm hiện tại.
Để hưởng lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,1%/năm, khách hàng của ACB phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, đây là điều kiện thấp nhất trong số các ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm tương đương.
Tiếp theo là MSB với mức lãi suất cao nhất không đổi là 7%/năm, áp dụng cho những khách hàng sở hữu tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất dưới 7% bao gồm: LienVietPostBank (6,99%/năm), HDBank (6,85%/năm), MB (6,8%);... Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research duy trì quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV.
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn giữ ở mức 5,6% tại VietinBank (CTG). 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank (VCB), Agribank hay BIDV thấp hơn 0,1 điểm %.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank vẫn được giữ ở mức 5,4%/năm.
Đề cập về các kênh đầu tư hấp dẫn cuối năm, chia sẻ với PV Dân Việt, TS.Châu Đình Linh - chuyên gia ngân hàng cho hay, gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mà tại bất cứ thời điểm nào, người dân hay nhà đầu tư cũng nên lựa chọn do tính an toàn và tính thanh khoản cao.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại còn, dường như nhà đầu tư trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang chưa tin tưởng vào triển vọng phục hồi kinh tế. Trong khi đó áp lực làm phát cả trong nước lẫn quốc tế ngày càng lớn, khiến cho không ít nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào các tài sản tích trữ như vàng.
Đối với bất động sản, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, và từ nay đến cuối năm, theo ông Linh kênh đầu tư này dự báo sẽ không có sự đột phá.
Một trong những kênh đầu tư được "người người, nhà nhà" quan tâm trong 2 năm đại dịch là chứng khoán, vẫn đang tạo ra sức hấp dẫn nhất định.
Hiện VN-Index đã vượt kháng cự 1.400 điểm và thanh khoản trên thị trường khá tích cực. Tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư này trong 10 tháng đầu năm ở mức khá cao, kéo dòng tiền của nhà đầu tư tiếp tục đổ vào kênh đầu tư này.
Tuy nhiên một nguyên tắc bất biến trong đầu tư đó là lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn. Vì vậy các nhà đầu tư cần phải căn cứ trên năng lực tài chính, trình độ, khẩu vị rủi ro của mình để quyết định đầu tư cho phù hợp - theo vị chuyên gia này.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011.
Điều chú ý, quy định mới sẽ giúp khách hàng được linh hoạt hơn khi cần rút tiền trước hạn, không cần phải rút toàn bộ như quy định hiện hành của nhiều ngân hàng.
Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Quy định này được kỳ vọng sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.