Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đặt mục tiêu cho hệ thống ngân hàng.

Và câu chuyện về 3 ngân hàng 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng (nay đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) lại nóng lên.

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 1.

Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội kỳ họp lần thứ 10, khóa XIV, con số lỗ của 3 ngân hàng 0 đồng lên tới hàng nghìn tỷ đồng và việc tái cơ cấu chưa triệt để, đến nay vẫn chưa có phương án cơ cấu khả thi được phê duyệt.

Tái cơ cấu, bán lại cho khối ngoại là giải pháp khả thi, và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần trình phương án để vực dậy các nhà băng này, nhưng vì những lý do khác nhau mà đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Vậy câu chuyện xử lý 3 ngân hàng 0 đồng giai đoạn 2021 – 2025 sẽ được đặt ra thế nào? Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia.

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 2.

Ông đánh giá thế nào về tiến độ tái cơ cấu ba ngân hàng 0 đồng trong thời gian qua?

- Tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng kể từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước mua lại vào năm 2015 đến nay có thể nói vẫn còn chậm. Trong không ít các báo cáo đánh giá đều nhấn mạnh điều này.

Trên thực tế, suốt cả nhiệm kỳ trước rất nhiều lần Ngân hàng Nhà nước trình đề án tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau cuối cùng đều không thành công.

Nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị có ý kiến thôi không thực hiện tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng cùng một lúc, mà thực hiện từng cái một và làm cái nào dứt điểm cái đó.

Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện phương án xử lý, cơ cấu lại của Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) theo định hướng mới; tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Dầu khí toàn cầu xây dựng/hoàn thiện phương án cơ cấu lại để xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền.

Tín hiệu tích cực là OceanBank hiện đã có một vài đối tác trong nước muốn mua bán/sáp nhập, và Ngân hàng Xây dựng cũng sẽ được tái cấu trúc theo xu hướng này trong thời gian tới.

Trước đó, giải pháp được cho là khả thi nhất chính là bán cho nhà đầu tư nước ngoài và đã có một số đối tác ngoại "nhòm ngó" nhưng đến nay vẫn chưa có thương vụ nào thành công. Có phải do chúng ta bán giá quá cao?

- Vào năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) khối nợ xấu của các ngân hàng này rất lớn.

Đơn cử như tại OceanBank, có tới 72,25% dư nợ là nợ xấu; Ngân hàng Xây dựng riêng nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ.

Tất nhiên, sau khi được mua 0 đồng, với sự tham gia của Vietcombank, VietinBank cùng sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu trong quản trị điều hành, nợ xấu của những ngân hàng này bước đầu được xử lý và thu hồi.

Dù vậy, đây vẫn là "sản phẩm" xấu, nên không thực sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 3.

Chúng ta hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho họ hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu hoặc tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ các vụ án hình sự để nhanh chóng tái cấu trúc, nhưng nếu họ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải cho vay 50.000 tỷ với lãi suất 0% chẳng hạn – những điều kiện như thế này làm sao chúng ta sẽ không thể đáp ứng.

Hơn nữa, về nguyên tắc mua ngân hàng 0 đồng cũng giống như mua một loại hàng hóa, người mua và người bán có thể đàm phán giá cao hay thấp. 

Nếu sản phẩm không hấp dẫn thì người mua có thể trả giá thấp, bên bán thấy thuận thì giao dịch.

Cũng có nghĩa là, bán xong là xong nhưng ở đây, bán xong chúng ta lại phải gánh thêm 2, 3 nghĩa vụ khác, trong đó có những nghĩa vụ không phải dễ dàng thực hiện được thì khó có thể thành công.

Nói như vậy, phương án bán cho nhà đầu tư nước ngoài rất hẹp, vậy làm sao có thể tái cấu trúc được các ngân hàng 0 đồng này?

- Đó cũng là lý do chúng ta lựa chọn thực hiện tái cấu trúc từng ngân hàng một, giải quyết ngân hàng nào dứt điểm ngân hàng đó. Hướng giải quyết là bán hoặc sáp nhập vào các ngân hàng trong nước.

Mỗi ngân hàng có các vấn đề khác nhau nhưng chung quy lại phải lưu ý đến 3 vấn đề.

Thứ nhất, phải tạo điều kiện để họ hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo để phát mại thu hồi tài sản, cấn trừ nợ như thủ tục về nhà đất, sổ đỏ chẳng hạn.

Hai là, xử lý dứt điểm các vụ án liên quan, tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan khắc phụ hậu quả.

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 4.

Ba là, cho vay một khoản với lãi suất rất thấp, thậm chí là 0% để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng này sau khi được mua bán/sáp nhập trong giai đoạn đầu và khắc phục nhanh lỗ lũy kế, tránh tình trạng ngân hàng xấu kéo ngân hàng tốt cũng trở thành xấu.

Tuy nhiên, vấn đề này phải bàn bạc rất kỹ lưỡng vì hiện nay chưa có quy định pháp luật nào đề cập tới vấn đề này.

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 5.

Việc cho vay lãi suất 0% như ông vừa đề cập liệu có tạo ra cuộc chạy đua giữa các ngân hàng để được tham gia tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng không?

Phải những ngân hàng hùng mạnh mới dám "nhảy vào" tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng, bởi vì lỗ lũy kế ít nhất của các ngân hàng này hiện nay cũng phải lên tới 30.000 - 40.000 tỷ.

Giả sử Ngân hàng Nhà nước cho vay khoản 50.000 tỷ với lãi suất 0%, các ngân hàng này cho vay ra thị trường lãi suất 8%/năm, như vậy lãi cho vay thu về một năm khoảng 4.000 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng còn 3.000 tỷ và 10 năm mới được 30.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 năm các ngân hàng tham gia tái cơ cấu mới căn bản xử lý được hết lỗ lũy kế.

Nhưng đó là lý thuyết, trên thực tế còn rất nhiều rủi ro. Nếu như chúng ta mang 50.000 tỷ cho vay, nhưng khách hàng không trả lại được hoặc trả lại 40.000 tỷ và mất đi 10.000 tỷ thì sao?

Vậy theo ông nếu áp dụng theo phương án này thì cần những lưu ý gì?

- Vì lẽ đó, đã có rất nhiều kiến nghị đã được đưa ra trong việc sử dụng nguồn tiền này.

Kiến nghị thứ nhất, đó là với số tiền cho vay lớn như vậy thì phải cho phép họ cho vay vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Chính phủ như làm đường cao tốc Bắc – Nam. Như thế, khi xây dựng đường cao tốc xong và lập trạm thu phí, ngân hàng cũng sẽ thu được tiền.

Kiến nghị 2, nên ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia để các ngân hàng này cho vay, hoặc cho vay những tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Kiến nghị thứ 3, cho mua lại 1 số khách hàng tốt của các ngân hàng lớn.

Thế nhưng cho dù vậy, giải pháp này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Ông có thể dự báo cụ thể hơn về những rủi ro của từng kiến nghị nếu chúng ta thực hiện?

- Đối với kiến nghị dùng tiền cho vay vào cơ sở hạ tầng, tức là tận dụng được nguồn vốn lớn để phát triển nhanh cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho một số tập đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng tốt đầu tư. Theo tôi đây là giải pháp hợp lý. 

Nhưng rủi ro nếu lựa chọn các tập đoàn đó không tốt hoặc các tập đoàn này thuê các thầu phụ và các thầu phụ này lại không có khả năng thực hiện dự án tốt thì sẽ xảy ra những chuyện như chậm trễ, không đảm bảo kỹ thuật,… có thể dẫn tới rủi ro cho khoản nợ này.

Lâu nay cho vay BOT đã có những kinh nghiệm xấu, nên muốn đạt được hiệu quả phải lựa chọn cẩn thận các nhà đầu tư.

Hay như phương án mua nợ tốt của một số ngân hàng thương mại khác trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau vì những ngân hàng tốt họ có khả năng tìm kiếm được khách hàng tốt. Trong khi đó các ngân hàng này 0 đồng không có khả năng tìm kiếm khách hàng tốt. Chính vì vậy, việc nhượng cho các ngân hàng này khách hàng tốt, khoản nợ tốt sẽ giúp dòng tiền của các ngân hàng 0 đồng ổn định và rủi ro về nợ xấu rất là thấp, về mặt quản lý nợ cũng đơn giản vì đây đều là những khách hàng tốt.

Nhưng, liệu những khách hàng tốt này liệu có đồng ý trở thành khách hàng của các ngân hàng mới này không, bởi người ta lo ngại về chất lượng dịch vụ ngân hàng, có đáp ứng được như ngân hàng cũ của họ hay không?

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 6.

Như ông có nói, phải những ngân hàng hùng mạnh mới dám nhảy vào tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng, theo ông trên thị trường hiện nay ngân hàng nào có đủ khả năng?

- Hiện nay, 3 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) đều là các ngân hàng có đủ khả năng để làm việc đó nhưng các ngân hàng này đều có các cổ đông nước ngoài. Chắc gì các cổ đông này chấp nhận "ôm" các ngân hàng xấu như vậy?

Thực tế, Mizuho Nhật bản không đồng ý cho mua lại một trong 3 ngân hàng 0 đồng, mặc dù Chính phủ muốn đưa ngân hàng này về Vietcombank. Tương tự với BIDV và VietinBank. Bởi mua ngân hàng 0 đồng, các ngân hàng phải xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm trong vài năm, giá cổ phiếu tụt xuống. 

Mua lại ngân hàng 0 đồng họ sẽ được gì? Có thể đó là những mạng lưới các điểm giao dịch, nhưng trong bối cảnh hiện nay mạng lưới đó không có giá trị lắm bởi khi hệ thống ngân hàng đang số hóa, tăng thêm mạng lưới sẽ tăng thêm chi phí cho ngân hàng.

Vì vậy, việc thuyết phục cổ đông ngoại chấp thuận là rất khó. Còn 2 ngân hàng có khả năng đó là MB và Techcombank, cả hai ngân hàng này đủ mạnh và không có cổ đông ngoại.

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 7.

Đơn cử như MB, cổ đông của MB toàn là những "ông lớn", có dòng tiền mạnh, khối lượng khổng lồ tiền gửi CASA (không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán) nên chi phí đầu vào rất thấp, hệ thống quản trị tốt,... Nếu không có khủng hoảng y tế năm 2020 – 2021, MB còn phát triển nhanh hơn nữa.

Theo ông phải cần thời gian bao lâu để việc tái cấu trúc các ngân hàng này có kết quả?

- Rất khó đưa ra một mốc thời gian cụ thể. Nhìn tổng thể, phương án tái cấu trúc OceanBank đã "hòm hòm". 

Hơn nữa, lỗ lũy kế của OceanBank không lớn, từ ngày được mua 0 đồng OceanBank xử lý được nhiều nợ nhất trong số 3 ngân hàng bị mua 0 đồng. Do đó, tái cấu trúc OceanBank có thể sẽ sớm xử lý được.

Với Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện đề án theo yêu cầu của Chính phủ, nếu không có gì thay đổi thì tái cơ cấu ngân hàng này cũng sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng phải tính đến việc các cổ đông cũ của ngân hàng muốn mua lại hoặc yêu cầu bên mua lại phải đảm bảo quyền và lợi ích cho họ, điều này sẽ có thể làm kéo dài quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Trong trường hợp như vậy, tốt nhất là để các cổ đông cũ tìm được đối tác đủ mạnh để mua lại ngân hàng và cam kết thực hiện được các yêu cầu do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra như: cần có bao nhiều tiền mặt, thiết lập bộ máy quản lý, … Nếu các cổ đông này đáp ứng được các yêu cầu thì Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho họ thực hiện tái cơ cấu.

Hé lộ “số phận” các ngân hàng 0 đồng trong cuộc tái cơ cấu - Ảnh 9.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem