Một buổi sáng cuối thu, bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) hiện đang sinh sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng ở KĐT Thanh Hà Cienco5, cầm cuốn sách dày hàng trăm trang ngồi đọc say mê. Ở tuổi 89 nhưng bà Biển vẫn tinh anh, giọng nói nhẹ nhàng từ tốn. Do tuổi đã cao nên bà có phần bị lãng tai.
Căn phòng rộng chừng 30m2 bà Biển sống cùng một cụ bà khác tại viện dưỡng lão này được bài trí đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp. Một góc tủ bà đặt trang trọng tấm ảnh chụp chung cùng chồng cách đây gần 30 năm. Tuổi cao sức yếu, ông cũng đã bỏ lại bà và con cháu về cõi tạm từ lâu. Bên dưới bà đặt những tấm ảnh chụp cùng các cụ già cùng những cuốn sách, tiểu thuyết…
"Cuộc đời tôi sống tới giờ chẳng có điều gì hối tiếc, chỉ nuối tiếc nhất đó là ông nhà bỏ mình ở lại ra đi sớm. Tấm ảnh này chụp lúc chúng tôi 60 tuổi. Ông mang đi rửa rồi tự làm khung ảnh. Đối với tôi, ông là người chồng tuyệt vời. Dù ông đã rời xa tôi tới nay 13 năm nhưng chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ thương", bà Biển chia sẻ khi bắt đầu câu chuyện với PV Dân Việt.
Bà Biển kể, có 6 người con, trong đó có 3 con trai. Các con cháu bà đều có cuộc sống, công việc ổn định. Tuổi cao bà quyết định vào viện dưỡng lão Diên Hồng đến nay đã gần 2 năm.
"Lý do tôi muốn vào đây vì muốn tạo điều kiện an tâm cho các con. Tất nhiên, khi vào viện dưỡng lão, tôi cũng đã có suy tính khác ở nhà mình, có thể có mặt trái mà mình chưa thể thấy hết được. Nhưng điều chủ yếu con cái yên tâm làm ăn, không bắt anh chị nào phải chăm mẹ rồi những người con khác phải phụ thuộc. Vậy nên tôi vào đây là gần trung tâm nhất. Các con cứ việc đến và coi như đây là nhà của mẹ", bà Biển cười tươi kể.
Trước khi bước chân vào đây, con cháu bà ban đầu không đồng tình, thế nhưng trước tính cách kiên quyết, nguyện vọng của mẹ từng người con lần lượt gật đầu. Từ trước tới nay, bất kể công việc gì các con luôn tôn trọng quyết định của bà.
"Khi tôi đặt vấn đề vào dưỡng lão không phải mới mà khi ông mất. Tôi nghĩ cuối cùng mình sẽ vào viện dưỡng lão để dừng chân nơi cuối đời. Lúc đó, tôi còn chưa hình dung ra viện dưỡng lão thế nào. Năm 2020, tôi lựa chọn rồi quyết định vào. Ở đây tôi thấy rất thích hợp từ cách chăm sóc, cách tổ chức, cảnh quan. Nghĩ lại, tôi cho đó là quyết định sáng suốt và ý định mình sẽ ở đây mãi mãi", bà Biển chia sẻ.
Ở viện dưỡng lão, tuần nào các con cháu bà Biển cũng ghé đến chơi. Là người mẹ, bà không yêu cầu các con phải đến vào những lúc nào mà hoàn toàn tự do, thoải mái.
Bà bảo: "Ở đây được chăm sóc rồi, mình cứ yêu cầu con phải đến lúc này, lúc kia cảm thấy nặng nề cho nên tôi có chiều hướng ngăn cản con cái ít đến. Nhớ con cháu thì rất nhớ nhưng mình có điện thoại. Các con đi là mẹ lo, con về mẹ cũng lo. Mỗi lần chúng nó về tôi dặn dò thấp thỏm 'về gọi điện cho mẹ ngay nhé!'… Vì lo cho con cháu nên tôi điện thoại dặn ít đến thăm mình. Nếu đến thăm thoải mái hãy đến để đảm bảo an toàn. Đó là điều tôi lo cho các con".
Cả cuộc đời có lẽ Tết năm vừa qua là lần đầu tiên bà Biển xa con cháu. Đó cũng là ngày bà thấy bỡ ngỡ, buồn vì không được gặp các con do dịch bệnh Covid-19.
"Tôi nhớ hôm đó các con mang quà Tết đến cho mẹ nhưng phải ở tít ngoài cổng, không được gặp. Cầm túi quà Tết con gửi tôi khóc ngay tầng 1, các cháu ở đây phải dỗ. Một lúc sau mình trấn tĩnh được mới chịu. Nhớ con thương con đến thế nhưng rồi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác quen dần đi", bà nhớ lại.
Hàng ngày, các con cháu thường xuyên gọi điện hỏi thăm, cuộc sống sinh hoạt điều độ, bà Biển yêu thích cuộc sống yên bình nơi viện dưỡng lão. Ở đây mọi thứ đi vào nề nếp, giờ giấc, hoạt động chung đều đặn, ngày nào cũng như ngày nào nên bà Biển cảm thấy rất thoải mái. Hàng ngày 6h sáng, bà Biển dậy tập thể dục, ăn sáng, xem tivi, đọc sách…
"Có nhiều người suy nghĩ con cái để cha mẹ ở viện dưỡng lão là bất hiếu nhưng tôi không nghĩ thế. Chính các con cũng xác định mẹ có chỗ ở ưng ý của mẹ là cái báo hiếu của chúng con. Làm gì cũng hợp lý cho mẹ chứ mẹ ở không ưng, ở nhà các con nay buồn mai giận cũng không hay. Cả gia đình đều nghĩ thế nên rất thoải mái.
Nếu chúng ta còn suy nghĩ cổ hủ mẹ nuôi con rồi bây giờ con phải nuôi mẹ thì phức tạp, tôi không nghĩ thế. Các con nghĩ cho mẹ, muốn mẹ vui chỉ cần cuộc sống của con càng tốt, càng hơn bố mẹ là nhà có phúc. Tôi thấy bằng lòng với cuộc sống của mình cả từ lúc trẻ đến bây giờ sắp sửa hai tay buông xuôi. Đó cũng là điều giúp mình sống dài, khoẻ, vui", bà Biển cười tươi nói.
Cũng từ nguồn năng lượng sống tích cực, dịp 20/10 năm ngoái, bà đạt giải hoa hậu cao niên ở trung tâm. Bà cười bảo "ở xứ mù người chột làm vua cho nên bà thành hoa hậu". Năm nay 20/10, bà Biển tham gia tiết mục múa cùng các cụ bà, tham gia giám khảo cuộc thi các cụ ông…
Nếu như trước Tết năm nay dịch bệnh được kiểm soát tốt, các con tổ chức được, tôi sẽ về thăm mộ ông và thăm người thân và chơi với các con ít ngày rồi Tết lại vào đây. Như vậy, các con cháu cũng đỡ phải lo lắng nhiều cho mình", bà chia sẻ thêm.
Hơn 2 năm trước, bà Vũ Thị Dành (84 tuổi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã quyết định bán 100m đất cùng chồng là ông Vũ Đình Bưởi (92 tuổi) lên Hà Nội ở viện dưỡng lão khiến các con, hàng xóm vô cùng bất ngờ.
Hai vợ chồng bà ở trong căn phòng rộng 30m2, hai mặt thoáng, tiện nghi đầy đủ, có người phục vụ mọi sinh hoạt hay chăm sóc y tế. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu đồng. "Nếu không vào đây, có thể tôi và chồng đã ra đi từ lâu rồi", bà Dành nói.
Thời trẻ, ông Bưởi là cán bộ nhà nước, bà Dành là công nhân làm việc tại Lào Cai, Yên Bái. Ông về hưu cách đây 40 năm, 3 năm sau đó bà Dành cũng nghỉ hưu. Hồi bấy giờ chiến tranh biên giới nên vợ chồng ông bà không có tài sản gì đáng giá. Cả hai về quê tỉnh Hải Dương sống nhờ góc chợ nuôi các con bằng đủ nghề bán rau, hàng xáo (bán gạo)… Khi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong cũng là lúc cả hai mắt mờ, chân chậm.
Hơn 10 năm trước, ông Bưởi bị tai biến, bà Dành ngược xuôi đưa chồng đi khắp các bệnh viện điều trị. Cuối năm 2018, bệnh nặng khiến ông Bưởi nằm liệt giường. Bà bị đau lưng cũng không đi lại được. Cả hai vợ chồng ốm đau nhưng không muốn phiền con cái nên thuê hai người giúp việc nhưng không có kinh nghiệm chăm sóc người đột quỵ.
Gần Tết năm 2019, có dự án mở rộng đường làm khu đô thị ngay nhà mình, bà Dành quyết định bán 100m đất. Cuộc giao dịch diễn ra chóng vánh. Bà nhận trước một tỷ đồng đặt cọc và tức tốc khăn gói chuyển đến viện dưỡng lão này ở. Một nửa tiền bán đất được đóng trước cho trung tâm, một nửa gửi ngân hàng. Bà khoe, chỉ riêng tiền lãi và lương hưu đã đủ cho hai cụ sống trong này tới cuối đời mà không phải phụ thuộc con cái.
"Tôi nhớ hồi đó lên đây tôi không đi được phải bò, chồng cắm ống xông. Trước khi đi, các con bảo 'hay mẹ để qua Tết rồi đi' nhưng tôi sợ qua Tết bệnh của ông nặng. Lên đây, tôi tập luyện dần dần cũng tự đi lại được bình thường, tôi còn trồng thêm rau ngoài cửa. Sức khoẻ của ông tốt hơn nhiều. Ông tự bón cháo được, trước nhân viên chăm sóc và tôi phải bơm qua ống xông", bà Dành hướng ánh mắt về chồng.
Bà tiến lại gần ông bảo "trưa nay ông ăn cháo có ngon không", ông gắng đáp "ngon", ông ăn rồi nghỉ ngơi lúc cho khoẻ nhé", giọng ông kéo dài "ừ bà"… Bà Dành cho biết, chồng tuổi cao nên hay xúc động. Có người tới chơi ông rất vui.
"Trước ông nhà tôi bị tai biến không biết nói gì cả, giờ nhớ tên, đếm được từ 1 đến 20 là tôi vui rồi. Hàng ngày mỗi sáng có các bạn điều dưỡng dành 15 phút xoa bóp, thay quần áo… dạy ông các thói quen trong sinh hoạt.
Hồi vợ chồng tôi quyết định vào viện dưỡng lão nhiều người ở quê ai cũng kháo nhau chắc ông không qua được Tết, tưởng ông không còn nữa. Đợt nọ có người nhìn thấy cả hai vợ chồng tôi trên tivi không khỏi bất ngờ rồi gọi điện hỏi thăm. Nếu hồi đó tôi kiên quyết ở quê không bán đất thì chắc gì cả hai vợ chồng còn sống đến bây giờ", bà Dành cho hay.
Hiện 4 người con của vợ chồng bà Dành đều yên tâm khi cha mẹ ở viện dưỡng lão hàng ngày có người chăm nom, chăm sóc. Bà thường xuyên gọi điện cho con cháu động viên yên tâm. Bà hài lòng với cuộc sống cuối đời của mình tại nơi đây.
"Cuộc sống giờ hiện đại, tôi không bao giờ suy nghĩ con cháu phải phụng dưỡng cha mẹ. Mong sao con cháu chăm chỉ làm ăn để cuộc sống tốt đẹp lên. Vợ chồng tôi quyết định ở đây đến cuối đời. Khi nào ra đi con cháu mang đi hoả táng sẽ đưa về quê chôn cất và đã chuẩn bị và mua 2 phần mộ cho riêng mình", bà Dành nói rồi tranh thủ lúc ông đang ngủ ra ban công chăm sóc những cây đậu bắp. Bà bảo chịu khó chăm nom ngày nào cũng có quả để xay nấu cho ông ăn.
Ở tuổi 92 nhưng ông Nguyễn Như Ngà (ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn khoẻ mạnh, tinh anh. Hàng ngày ông dành thời gian tập thể dục, tập khí công, thiền, đọc sách… Nơi góc phòng ở viện dưỡng lão hướng thẳng ra cánh đồng ở khu đô thị đầy ánh sáng, ông bảo đây là nơi thích hợp, không khí trong lành để mình an hưởng tuổi già.
Ông Ngà từng là thiếu tướng quân đội đã về hưu gần 40 năm. Vợ chồng ông có hai người con, một trai một gái nhưng các con đều lập nghiệp ở xa. Người con trai trưởng hiện đang công tác trong TP.HCM, con gái đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Do tuổi cao ông Ngà quyết định vào viện dưỡng lão hơn 1 năm. Vợ ông Ngà hiện đang ở cùng người cháu, thi thoảng đến đây thăm nom chồng. Với ông, cuộc sống ở đây mọi thứ tốt, chu đáo.
"Tôi ở đây các con đi làm xa cũng yên tâm, có điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc, thi thoảng các cháu tổ chức giao lưu, đi chùa… nếu ở tuổi này không giao lưu gì dễ cô đơn, trầm cảm. Năm ngoái tôi ở đây ăn Tết, lúc đầu bà nhà tôi cũng buồn. Tôi xa cũng nhớ và lo cho bà nhưng có gì gọi điện thoại báo tin nên cũng yên tâm hơn", ông Ngà bày tỏ.
Ông Ngà quan niệm, từ lâu đã bỏ khái niệm "trẻ cậy cha, già cậy con". Ông bảo, thời hiện đại các con phải "bung ra" để phát triển, đi xa để làm việc, học tập, giao lưu nên việc quần tụ gia đình hạn hẹp, bản thân mỗi người phải chấp nhận.
"Vài bạn bè tôi hỏi sao lại vào viện dưỡng lão, tôi bảo vào đây quá tốt. Nước ngoài đã có những bước đi như vậy lâu rồi. Ở đây hàng ngày được chăm sóc điều độ mình và các con đều thấy vui và yên tâm. Nếu ai đó suy nghĩ về viện dưỡng lão bị con cháu bỏ rơi sẽ rất nguy hiểm, thậm chí phải nói sống như thế này quá tốt", ông Ngà cười.
Tuổi cao nên ông Ngà mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng. Thời gian còn lại ông rèn luyện sức khoẻ đặc biệt ông có đam mê đọc sách. Ông không nhớ nổi mình đã đọc bao nhiêu cuốn. Mỗi cuốn sách cho ông thêm nhiều kiến thức để chiêm nghiệm cuộc sống, cuộc đời này. "Tôi nghĩ mình sống như thế này là quá quý rồi, có mấy người sống ở tuổi 90. Mình phải sống làm sao để con cháu yên tâm, không phải lo lắng gì nhiều", cụ ông nói thêm.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Trí Dương (con trai ông Ngà) kể, để cha vào viện dưỡng lão gia đình anh thấy yên tâm hơn rất nhiều.
"Bố ở đây hàng ngày có thông tin gì các điều dưỡng đều báo tin cho gia đình nên tôi yên tâm hơn ở nhà rất nhiều. Bố ở nhà mỗi lần leo cầu thang nguy hiểm, vào đây địa hình bằng phẳng yên tâm, đội ngũ nhân viên túc trực ngày đêm. Người nhà không có nghiệp vụ nên vào đó ông và các con yên tâm hơn", anh Dương chia sẻ.
Ở viện dưỡng lão, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, có người tai biến mọi cử chỉ vô cùng khó khăn. Tại phòng rèn luyện phục hồi chức năng, nữ điều dưỡng nhẹ nhàng hướng dẫn "Bà Xuyến xếp tên mình cho cháu nào, bà đếm số cho cháu nhé. Bà Tiếu chỉ đúng số cho cháu nhé. Đúng số 5 rồi, hoan hô, bà giỏi quá"…
Nữ điều dưỡng Lê Thị Phương (26 tuổi) cho biết, việc chăm sóc người cao tuổi đôi lúc có chút khó khăn bởi có lúc các cụ không muốn làm hay hợp tác. Thế nhưng, gắn bó và yêu thích công việc này nên các điều dưỡng viên tại trung tâm luôn nhẹ nhàng, hướng dẫn và xem ông bà như chính người thân của mình.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Thu Ngân - Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho biết, trung tâm thành lập đến nay đã hơn 7 năm, từ một cơ sở đến nay đã có 3 cơ sở ở Hà Đông, Hoàng Mai (Hà Nội) với số lượng hơn 200 ông bà.
"Trong xã hội hiện đại hiện nay, mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, có một cách thức quan tâm, chăm sóc khác nhau. Ví dụ như gia đình có điều kiện chăm sóc bố mẹ bằng cách mua một căn hộ nào đó để bố mẹ ở cạnh, sẽ không ở chung vì mỗi một thế hệ có sự khác biệt về quan điểm cũng như việc sinh hoạt khác nhau.
Hiện có 3 nhóm người già vào các viện dưỡng lão. Nhóm thứ nhất là các cụ già thích và chủ động vào viện dưỡng lão, không muốn làm phiền tới các con, muốn được làm bạn cùng những người cao tuổi nên đề xuất vào đây.
Nhóm thứ 2 là các cụ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn nhưng thường xuyên ở nhà một mình, các con đề xuất các cụ vào các viện dưỡng lão.
Nhóm thứ 3 là các cụ có vấn đề về sức khỏe, có thể mắc một số bệnh mãn tính, có những trường hợp bị lẫn, con cái gặp khó khăn để chăm sóc tốt nhất cho bố mẹ nên đưa vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Đây là nhóm được đưa vào viện dưỡng lão nhiều nhất", bà Ngân chia sẻ.
Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho rằng, việc chăm sóc người già đòi hỏi rất nhiều yếu tố không giống như chăm sóc trẻ nhỏ. Người già là đối tượng dễ bị tổn thương. Họ đã sống cả cuộc đời giờ đối mặt với khó khăn về sức khoẻ, sa sút về trí tuệ không làm được những việc mà trước đây lúc khoẻ họ làm được, chưa kể những vấn đề về tâm lý.
"Bản thân người chăm sóc mà không có kiến thức về tâm lý lứa tuổi người già sẽ rất khó tìm được biện pháp, cách thức chia sẻ giao tiếp phù hợp. Khi về già phải đối mặt với nhiều yếu tố khó khăn về sức khoẻ, bệnh lý nền, cao huyết áp, tiểu đường, nguy cơ đột quỵ mà nếu những người chăm sóc không có những kiến thức cần thiết về y tế, bác sĩ gia đình rất khó xử lý tình huống khẩn cấp. Chưa kể các vật dụng thiết kế trong gia đình chưa đủ an toàn với người già… đó cũng chính là lý do viện dưỡng lão sẽ là giải pháp tốt để mang lại sự an toàn hơn đối với những người cao tuổi", bà Ngân nói thêm.