Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thực hiện: Gia Khiêm; Ảnh, Video: Cao Oanh; Thiết kế: Xuân Trường
Hai ngày nay, trời Hà Nội mưa rả rích, ông Nguyễn Khánh Hòa (71 tuổi, ở phố Linh Lang, quận Ba Đình, Hà Nội) nhàn rỗi đưa cả trăm chiếc vỏ bình rượu lạ đã được sưu tầm, lưu giữ từ nhiều năm qua ra ngắm nghía tiêu sâu. Đây là một bộ sưu tập những vỏ chai rượu ngoại mà giá trị của nó được xác định không phải bởi giá xa xỉ của rượu mà bởi có hình thù vô cùng đặc biệt của các chai đựng rượu. Từ hình dáng của những thiếu nữ xinh đẹp, những hiệp sĩ dũng mãnh đến hình chim muông thú vật, nhà cửa, đồ vật… gắn liền với nền văn hoá của từng quốc gia, lãnh thổ mà nhà ngoại giao trong bao năm đã dày công tìm kiếm.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hoà cho biết, niềm đam mê với vỏ chai rượu có hình thù đặc biệt với ông đến nay đã trải gần 20 năm. Không nghiện rượu nhưng ông lại có thú chơi đặc biệt "không giống ai" này. Mỗi một vỏ chai rượu với ông như một kỷ niệm đáng nhớ. Ông rành mạch kể về chúng một cách say sưa và nâng niu gìn giữ tại một góc riêng trong gia đình.
Ông Hoà kể, sau khi tốt nghiệp Đại học La Habana (Cuba) về nước năm 1973, ông công tác tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Năm 1980, ông chuyển sang Bộ Ngoại giao công tác tại Vụ Cuba – Mỹ Latinh (nay là Vụ Châu Mỹ) nên có điều kiện được đi nhiều nước, nhất là các nước khu vực Mỹ Latinh. Vốn thành thạo tiếng là Tây Ban Nha, ông Hoà say mê tìm hiểu nền văn hoá, con người tại những nước mình đến làm việc.
Cơ duyên đến với việc sưu tầm vỏ chai rượu của ông Hoà bắt nguồn từ cách đây 20 năm, ông khi ấy là Tham tán Chính trị Đại sứ quán (Phó Đại sứ) tại Argentina kiêm nhiệm một số nước, trong đó có Chi Lê. Chính vì vậy việc đi lại giữa các nước đó với ông diễn ra thường xuyên. Và từ đây, quê hương của Đại văn hào Pablo Neruda, người được Giải thưởng Nobel văn chương năm 1971 đã khơi nguồn cho ông về thú vui sưu tầm bình rượu.
Clip: Nhà ngoại giao dành nhiều tháng lương "nướng" vào thú sưu tầm vỏ chai rượu hình thù độc nhất Việt Nam.
Trong thời gian làm việc tại Chi Lê, ông Hoà tìm đến các ngôi nhà của văn hào Neruda, một nhà ngoại giao kỳ cựu. Trong cuộc đời mình, Neruda đã đi rất nhiều nơi và có sở thích sưu tầm những thứ rất độc đáo. Trong dinh thự riêng tuyệt đẹp của văn hào tại Isla Negra, khắp nơi đều trưng bày cổ vật mà khi có tiền, ông đã tìm kiếm và bỏ tiền ra mua. Một ấn tượng rất lớn khi tới đây là bộ sưu tầm những cột buồm từ các tàu thuyền buồm cổ trên thế giới được trưng bày ở gian đầu tiên. Chúng có các hình thù khác nhau: Đức Mẹ đồng trinh, Đức chúa Giê su, Hiệp sĩ trung cổ, võ sĩ giác đấu, Diêm vương tinh, Hải vương tinh… Ông gọi đùa các hiện vật này là "những món đồ chơi nho nhỏ của tôi".
Bộ sưu tập cá của ông cũng rất đồ sộ. Không kể các loại tôm cá cua ốc… thông thường, trong bộ sưu tập ấy có cả những chiếc nanh của loài cá voi Narval sống ở vùng biển Địa Trung Hải dài từ một mét đến 1,5m. Xưa kia, các ngư phủ khi mò được những chiếc nanh này ở đáy biển, người ta không biết nó thuộc về loài động vật nào.
Người ta tưởng tượng ra một loài thú có dáng hình một con ngựa, nhưng trước trán có một chiếc sừng dài và đặt tên là Kỳ lân mà không biết rằng nó thuộc về loài cá voi Narval bởi Narval rất hiếm và chuyên sống ở những vùng biển rất hẻo lánh. Bộ sưu tập bướm của ông cũng rất phong phú, với muôn vàn các tiêu bản bướm to nhỏ, màu sắc khác nhau, có những con to bằng tờ giấy khổ A4. Neruda còn có bộ sưu tầm mặt nạ, với những chiếc rất đẹp ở nhiều nước trên thế giới.
Hình bình chim đại bàng một trong những kỷ vật ông bỏ tiền ra mua đầu tiên.
Trong ngôi nhà của Đại văn hào Pablo Neruda được trưng bày nhiều hiện vật quí hiếm này như một bảo tàng, ông Nguyễn Khánh Hòa tìm thấy ở một góc nhà một bộ sưu tầm qui mô khá khiêm tốn các vỏ chai rượu có các hình thù độc đáo như ngựa, chim, cá, tê giác hay các cô gái, các võ sĩ, các thầy tu …
Những bình rượu lạ kỳ, độc đáo đó khiến vị Phó đại sứ của Việt Nam bị mê hoặc một cách kỳ lạ. Ông ngẫm nghĩ, mình cũng là nhà ngoại giao, có điều kiện đi đó đây nhiều như Neruda… Thế thì tại sao không sưu tầm một thứ gì đó. Tất nhiên có cái khó, rất khó. Khác hẳn với Neruda, trong túi của nhà ngoại giao Việt Nam như ông Hòa không có nhiều tiền. Số tiền được lĩnh hàng tháng không phải là lương mà chỉ là sinh hoạt phí. Khoản phí này được nhà nước trả cho ông Hoà khi ấy chỉ vẻn vẹn hơn 400 USD/tháng.
Sau nhiều lần suy ngẫm, ông nghĩ không sưu tầm được những cái lớn thì sưu tầm những cái nhỏ như sưu tầm vỏ chai rượu chẳng hạn. Những chiếc vỏ chai rượu có hình thù hay. Vì vậy sưu tầm vỏ chai rượu là phù hợp hơn cả: chúng dễ kiếm và chi phí ít tiền.
"Lúc đó tôi nghĩ thôi thì mèo nhỏ như mình nên tìm bắt chuột nhỏ. Thế là từ năm 2002 tôi bắt đầu tìm kiếm vỏ chai rượu cho bộ sưu tập của mình. Công việc ngoại giao rất bận nên tôi dành thời gian vào những ngày nghỉ cuối tuần lang thang đến các chợ trời để tìm kiếm những vỏ rượu hình dáng độc lạ", ông Hoà chia sẻ.
Nhà ngoại giao này kể, khi biết ông có thú săn tìm vỏ chai rượu lạ, nhiều người bạn thường xuyên đi giao lưu, uống rượu bảo: "Ý tưởng của cậu thú vị đấy. Tớ sẽ giúp cậu một tay". Thế nhưng với tiêu chí là các chai rượu ấy không phải thuộc loại quí hiếm đặc biệt về thương hiệu mà là phải có hình thù không phải như một chai rượu bình thường thì quả là bài toán không hề dễ dàng.
"Mỗi một loại chai rượu của mỗi quốc gia đều gắn với nét văn hoá, con người của đất nước đó. Suốt từ năm 2002 đến năm 2011, cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi tôi đi tìm. Và như một chú kiến cần mẫn tha mồi, tha lâu thì cũng dần dần cái gì đấy ở tổ", ông Hoà nói.
Có những chai rượu phải tìm kiếm mất rất nhiều công sức. Nguyên liệu làm nên chai rượu đa phần bằng thuỷ tinh, gốm sứ hoặc kết hợp. Có một số vỏ chai từ sự kết hợp thủy tinh, kim loại, có chai bên trong là thuỷ tinh nhưng vỏ ngoài làm bằng gỗ rất cầu kỳ.
"Một trong những chai tôi rất thích và mất rất nhiều tâm huyết tìm được đó là chai rượu bằng thuỷ tinh màu Murano (Italia), chế tác thủ công, mô tả một chú phỗng, dáng vẻ độc đáo, màu sắc rất hài hòa, tuyệt đẹp. Cái chai đó, sau bao lần kỳ kèo, vật nài, cuối cũng ngã giá 150 USD tức là tương đương một phần ba tháng lương của mình. Từ hình dáng đến màu sắc chiếc chai tuyệt đẹp, miễn chê trong bộ sưu tập. Rất tiếc trong quá trình vận chuyển nó bị vỡ. Những chai rượu như thế không phải dễ tìm", ông Hoà suýt xoa nhớ lại.
Chỉ vào chai rượu hình con đại bàng, ông Hoà kể, đây là chiếc chai đầu tiên ông bỏ tiền ra sắm cho bộ sưu tập của mình, giá 50 USD. Với ông, bỏ số tiền này khi ấy là cả một vấn đề. Bạn bè khi ấy biết chuyện liền lè lưỡi, thốt lên: "Tôi nể ông quá". Nhưng ông Hoà chỉ nghĩ "Đây là một thú chơi của mình. Thích thì nhích, thế thôi!".
"Có lần qua Roma (Italia), tôi tìm ra chợ trời. Ở đó gặp chai rượu rất độc đáo. Bên ngoài làm bằng gỗ, thửa rất khéo trông như một gốc cây nhỏ nhưng bên trong là một chai rượu. Người bán ra giá 200 Euro. Tôi kì kèo, nói khéo với họ để lại cho mình 150 Euro nhưng họ chỉ đồng ý bớt cho nhiều nhất là 10 Euro. Phi vụ bất thành. Sau này về nhà tôi tiếc mãi vì đó là một chiếc chai rất độc và có phải lúc nào cũng gặp được đâu. Nhưng suy cho cùng trăm sự cũng là tại mình không có đủ tiền cho công việc mà mình ưa thích", ông nói.
Về hình thù các hiện vật, trong bộ sưu tập này, đẹp nhất là các chai có hình người: nàng Geisha của Nhật Bản, chàng hiệp sĩ của Nga, nàng vũ công da đen của vùng biển Caribe, thiếu nữ Hàn Quốc, chàng say rượu đứng ôm cột đèn của Nhật Bản, vị tướng nông dân khởi nghĩa của Mexico, Hoàng đế Napoleon, các vị thần linh của nền văn minh Azteca (Mexico), nền văn minh Inca (Peru)… Bên cạnh là rất nhiều các đồ vật khác nhau: Chùm nho, tháp Eiffel, cây đàn ghita, chiếc ống nhòm, chiếc điện thoại, cuốn từ điển… Tất cả đều thể hiện những đặc trưng văn hóa của từng nước. Mỗi một bình rượu lại có thể kèm theo một "lý lịch" riêng khá phong phú: xuất xứ, nguyên liệu chế tác ra bình rượu, nguyên liệu làm ra rượu, phương pháp chưng cất, cách uống, cách pha chế thành các loại coctail, những đối tượng hay tiêu thụ hoặc những giai thoại độc đáo… Nghĩa là có đủ thứ chuyện thú vị để "chém gió" về rượu những khi trà dư tửu hậu.
Sau 31 năm công tác trong ngành ngoại giao, ông Nguyễn Khánh Hoà về nước và nghỉ hưu từ giữa năm 2011. Nói về bộ sưu tập của mình, ông băn khoăn: Những hiện vật xuất xứ từ Việt Nam còn quá ít.
Trong một lần tham gia trưng bày trong cuộc Triển lãm những thú chơi tao nhã của người Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán năm 2011, cái đống vỏ chai này của ông được khá nhiều người xem quan tâm. Trong sổ ghi cảm tưởng, có một trang người xem gửi gắm tâm tư: "Tôi rất thích bộ sưu tập vỏ chai rượu của nhà sưu tập Nguyễn Khánh Hòa. Nhưng mong nhà sưu tầm cần có tinh thần dân tộc hơn nữa, bởi các chai rượu của các nước thì quá phong phú và độc đáo mà các chai rượu của ta thì quá nghèo nàn".
Ông Hòa bảo: "Nhận xét ấy là chính xác. Nhưng nâng cao tinh thần dân tộc đâu có dễ khi người Việt mình thường mang nặng tư duy 'Tốt gỗ hơn tốt nước sơn'. Chỉ cần rượu của mình ngon. Còn đựng trong chai bình thường nút lá chuối khô cũng được! Tôi ngộ ra rằng rượu ngon là tinh tuý trời đất.
Ngoài cái ngon của rượu được cất từ ngũ cốc, trái cây… thì ở một số quốc gia, người ta còn đem đóng rượu trong các chai được thiết kế cầu kỳ, rất đẹp. Người nước ngoài thật khôn ngoan! Họ không những bán rượu mà còn bán được cả vỏ chai. Rất tiếc là ở nước mình chưa chú trọng đến thiết kế vỏ chai rượu. Rượu đã ngon rồi nếu được đựng trong những chiếc chai độc đáo sẽ càng giá trị. Bây giờ, tốt gỗ rồi thì phải tốt cả nước sơn mới được".
Đường đường là một nhà ngoại giao, một nhà thơ, nhà sưu tầm nhưng cũng có lần ông Hòa bị hiểu lầm là… "trộm".
"Khi đó tôi đi qua phố Bát Đàn có một khách sạn gia đình rất trang nhã. Trong phòng khách có trưng bày một chú gà trống bằng thuỷ tinh. Khi rót rượu vang vào, dưới ánh đièn trang trí nhấp nháy, chú gà trống hiện lên sống động, rực rỡ và hùng dũng. Vài lần qua đây, tôi cứ như bị thôi miên bởi chú gà và cứ đi đi lại lại ngắm nghía không chán. Lúc đó, một nhân viên khách sạn phát hiện ra vị khách đáng ngờ này là tôi đầy tinh thần cảnh giác. Có lẽ trông mình lúc đó cũng hơi giống Hán gian (ông cười). Lúc sau, họ chủ động ra mời tôi vào nhà nói chuyện 'Ông có gì quan tâm ở khách sạn chúng tôi?'. Tôi bảo trông thấy phòng khách của anh có con gà đẹp quá. Là người thích sưu tầm, tôi hỏi khách sạn có bán không. Lúc này anh nhân viên bật cười. Ôi, thế mà tôi cứ tưởng… Nhưng chúng tôi không bán ông ạ. Có nhiều người trước ông cũng thích. Tuy nhiên, nếu ông thích mời ông cứ đến xem".
Đến nay, với số tiền đã bỏ ra khoảng hơn 5.000 USD ông Hòa đã sở hữu hơn 200 vỏ chai quý. Ông tiếc nuối vì trong quá trình vận chuyển về nước bị vỡ một số. Bây giờ chỉ còn gần 200 cái của trên dưới 30 quốc gia hay vùng lãnh thổ như: Anh, Pháp, Italia, Đức, Nga, Tiệp, Ba Lan, Mỹ, Canada đến các nước Mỹ Latinh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand…
Trong hai lần tham gia trưng bày trong Triển lãm của Câu lạc bộ Thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội, một phần trong gần 200 vỏ chai rượu độc đáo này đã từng được khá nhiều người xem thích thú, kể cả một số người ngỏ ý muốn mua nhưng ông Hoà không bán. Ông bảo bán làm gì. Những chiếc bình này là kỷ vật vô giá với ông. Chẳng lẽ lại đem số tiền đó bỏ vào ví và khi nào bè bạn đến chơi lại mang ví của mình ra khoe: "Ông ơi tôi có năm ngàn đô đây này!". Ông thuộc tốp những người sưu tầm vỏ chai rượu hình thù độc nhất Việt Nam.
Ông bảo: "Hy vọng sắp tới khi hết đại dịch Covid-19 ông sẽ thửa vài chiếc tủ trưng bày tại nhà để có thể đón bạn bè yêu thích đến chơi và thưởng ngoạn".
Ở tuổi thất thập, ông Hoà còn có niềm đam mê làm thơ. Lúc rảnh rỗi ông lại ngắm nhìn những chiếc vỏ chai rượu tuyệt đẹp, hoài niệm một thời lang thang đã qua trên nhiều xứ xở. Và biết đâu lại bật ra một vài tứ thơ nào đó…
Kết thúc câu chuyện, nhà ngoại giao Hoà đọc cho chúng tôi nghe một đoạn thơ viết tại Thành phố Mexico vào năm 2009 về quá trình sưu tầm vỏ chai rượu của mình với tựa đề "Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ":
(Tục ngữ)
"Anh quả quyết rằng tôi gàn dở
Nhặt nhạnh vỏ chai rượu để làm gì
Thiên hạ biết bao thú chơi tao nhã
Sao lại dính vào cái thú dở hơi?
…
(Thăm nhà của văn hào Pablo Neruda)
Một góc nhỏ lại bày các vỏ chai rượu cũ
Với hình thù kiểu dáng hay hay.
Mình, công chức quèn, chỉ là mèo nhỏ
Thôi đành rình bắt chuột nhắt, chuột con
Phận nhà nghèo, được tí nào hay tí đó
Cho cuộc đời tẻ nhạt đỡ buồn hơn!
Anh có biết: Trên đời này có hai thứ lửa:
Một, lửa của Thái dương ban tặng muôn loài
Hai, lửa được chiết từ nho, trái cây, ngũ cốc
Thành Rượu - để dâng thần linh, để uống tiêu sầu
hay để cùng bè bạn chung vui.
Tinh túy đất trời cất nên rượu quí
Với hương vị thơm ngon riêng biệt mỗi vùng
Lại được chứa trong những chai dáng hình đủ loại
Dấu ấn từng miền ở khắp bốn phương.
Đây chai Vodka có hình chàng Causac
Chai Whisky có hình thầy tu khoác áo chùng thâm
Chai Pisco có hình pho tượng Moais kỳ bí
Chai Sake có hình nàng Geisha tha thướt, mong manh.
…
Bao loại rượu lừng danh, dù chưa thưởng thức
Nhưng ngắm các vỏ chai những phút giây rảnh rỗi trong ngày
Óc tưởng tượng đưa chàng hàn sĩ
Lang thang thả hồn kim cổ đông tây.
Cổ nhân dạy, tôi luôn ghi nhớ:
Mèo nhỏ đừng nên rình bắt chuột to
Để - không được bằng người, cũng chẳng sao, chuyện nhỏ
Mình vẫn có cho mình một góc vui vui!"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.