Như bao ngành nghề khác, ngành du lịch bị đắm trong cơn đại dịch Covid-19. Nhưng du lịch lại chết "dai" hơn. Ví dụ như bán hàng ăn uống, vé số, chỉ cần cho đi lại được, là có thể kinh doanh trở lại được rồi.
Còn du lịch là ngành nhạy cảm với mọi biến động của xã hội, không chỉ cần được đi lại được, mà cần cả xã hội phải ổn định, người dân phải có rủng rỉnh tiền bạc, thời gian dư dả... Khi đấy mới đi du lịch được.
Thành thử, đời sống của giới hướng dẫn viên tại TP.HCM hết sức bấp bênh trong thời buổi hiện tại. Một số anh chị em phải tìm cách khác để mưu sinh. Một số người chán nản bỏ nghề. Những người chập chững hoặc đang thăm dò để vào nghề lại nản chí.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những hướng dẫn viên cứng nghiệp vụ không nỡ nhìn những đồng nghiệp, những lứa đàn em lần lượt buông bỏ nghề nghiệp, đam mê để chuyển sang công việc khác. Đó là anh Đỗ Minh Thành (ngụ Vườn Chuối, quận 3, TP.HCM).
Anh Đỗ Minh Thành đã lăn lộn trong công việc hướng dẫn viên mười mấy năm, làm chính thức với hàng loạt công ty từ nhà nước đến tư nhân, sau này làm hướng dẫn viên tự do cộng tác với các đơn vị khác nhau.
Ông Nhật Huy (Tân Bình), khách du lịch trong các chuyến đi với anh Đỗ Minh Thành, nhận xét: "Anh Thành có một độ hiểu biết sâu trong các cung đường đi qua, những kiến thức được anh truyền đạt trên hành trình hết sức thú vị. Những điều chúng ta đã biết được anh Thành kể lại bằng một giọng nói thu hút, với góc nhìn mới mẻ... khiến chuyến đi trở nên thú vị, đáng nhớ".
Hoặc ông Vĩnh Quãng (ngụ Bình Thạnh), đồng nghiệp một thời, nay đang làm Phó giám đốc Công ty du lịch City Travel, cho biết: "Tôi từng đi cùng với anh Thành gần hết các tour ở Việt Nam, cũng như đồng hành với anh trong một số tuyến nước ngoài. Quả thật, ở Thành có một bản lĩnh đường tour vững vàng, xử lý tình huống chuyên nghiệp, kiến thức vững chắc cùng một thái độ tôn trọng nghề nghiệp cao độ".
Nhưng nói về bản thân, anh Thành hết sức khiêm tốn: "Tôi cũng chỉ được học từ những người đi trước. Mỗi thứ một ít. Nói về lịch sử tôi không phải chuyên gia. Nói về địa lý tôi cũng không đủ cơ sở vững chắc như những người học địa lý. Tôi cũng chẳng phải nhà văn hóa gì cả. Đàn hát tôi chỉ đủ biết đàn những bản bolero cho khách hát... Xét về mọi góc độ, tôi chỉ là hướng dẫn viên du lịch, và luôn cố gắng làm cho đúng, cho đủ, cho hay cái công việc bản thân đang làm".
Sau nhiều hành trình cùng "kính thưa các loại khách" từ người nước ngoài, trí thức, công nhân, học sinh, giáo viên..., anh Thành đã được mời hợp tác với một số trường đại học để hướng dẫn cho các sinh viên ngành du lịch, Việt Nam học trên những chuyến tour xuyên Việt.
Anh cho rằng, khi được dẫn sinh viên, anh mới phát hiện ra ngoài đam mê làm hướng dẫn viên du lịch, anh còn có đam mê truyền lửa cho những thế hệ sinh viên, những hướng dẫn viên trong tương lai. Không chỉ truyền lửa, còn truyền kiến thức, góp phần nho nhỏ trong việc nâng cao trình độ cho thế hệ sau, cho xứng đáng với cụm từ "đại sứ văn hóa" mà xã hội dành cho hướng dẫn viên.
Nhưng đùng một phát, dịch tới, 2 năm đằng đẵng, tour tuyến chững lại, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Làm thế nào đây? "Giờ không thể cầm micro để nói như đang hướng dẫn trên xe, vậy ta phải viết". Anh bắt đầu gom góp, chắt lọc lại những thông tin, kiến thức trên đường tour suốt hơn chục năm hành nghề hướng dẫn viên du lịch, tập hợp lại vào quyển sách "Xuyên Việt bút ký".
Anh cho biết: "Quyển này chưa hẳn gọi là sách, chỉ là những ghi chép của cá nhân, nhằm truyền lại những gì tôi biết, tôi kiểm chứng, để góp phần phục vụ công tác thuyết minh trên đường tour. Quá trình hình thành, thai nghén, chấp bút... để đến ngày ra mắt cũng phải hết vài năm". Đến nay, anh đã có riêng cho bản thân 2 tập "Xuyên Việt bút ký" viết về các cung đường từ TP.HCM – Tây Nguyên – Miền Trung – Thanh Hóa – Ninh Bình...
Nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Trong những ngày nằm nhà vì dịch, anh thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu trực tuyến với các bạn đam mê làm du lịch trên những diễn đàn, những fanpage của mạng xã hội... Hoặc những câu hỏi kèm phần thưởng vui do anh đặt ra, khiến các bạn trẻ vô cùng hứng khởi, gợi mở nhiều mảng miếng kiến thức... trực tiếp phục vụ công việc của bản thân những hướng dẫn viên sau này.
Anh Phi Long - sinh viên ngành Du lịch, Trường Đại học Văn Lang, cho rằng: "Những câu hỏi của anh Thành tưởng như dễ nhưng vô cùng hóc búa. Để đạt được phần thưởng tấm card điện thoại 100.000 đồng, phải đổ mồ hôi tra cứu dữ liệu hàng mấy ngày cũng chưa chắc đã tìm được những đáp án. Nhưng thực sự, từ những câu hỏi này, bản thân tôi phải vận động để tìm hiểu học hỏi nhiều hơn".
Nhưng đừng vội tưởng anh Thành, người nắm vững kiến thức du lịch, cùng nhiều tâm huyết với nghề hướng dẫn là một người già dặn, nghiêm cẩn. Tiếp xúc với anh bên ngoài, mới thấy anh vẫn rất năng động, trẻ trung, thậm chí vui nhộn, thú vị.
Anh bộc bạch: "Mình phải luôn trẻ, để còn gần gũi được giới trẻ, mới truyền được nhiệt huyết của bản thân cho họ. Giống như những gì mình đã được nhận từ thầy cô, đồng nghiệp từ lúc còn đi học cho đến lúc làm nghề".