Đời trôi nổi của khách sạn biểu tượng một thời ở Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Chủ nhật, ngày 31/10/2021 10:07 AM (GMT+7)
Một trong những biểu tượng tiêu biểu của Sài Gòn là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ngày nay, nhiều bạn trẻ ra phố đi bộ ngắm cảnh chụp hình, hoặc dạo sông với water bus, nhưng chưa từng biết rằng ở ngay Bến Bạch Đằng đã tồn tại một khách sạn nổi 5 sao với 7 tầng (1 trệt, 6 lầu) hết sức hoành tránh từ 1989 - 1997.
Bình luận 0

Khách sạn này có tên chính thức "Khách sạn Sài Gòn", nhưng người Sài Gòn thường gọi "Khách sạn nổi", hoặc phổ biến nhất vẫn là "Nhà hàng nổi 5 sao". Tức gọi kiểu gì cũng phải chèn chữ "nổi" vào bởi có 2 ý nghĩa. 

Thứ nhất, đây là khách sạn nổi trên mặt nước, nhìn từ bên ngoài y chang một con tàu khổng lồ nằm trên sông Sài Gòn. Thứ hai, trong những năm đầu Đổi mới, cơ sở lưu trú đạt chuẩn của Sài Gòn còn ít và còn yếu, tự dưng có cái khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế, thì "nổi" thật, "nổi" nhất Sài Gòn. Mà nhất Sài Gòn có thể xem như nhất cả nước rồi.

Đời trôi nổi của khách sạn biểu tượng một thời ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Khách sạn nổi nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Vnexpress

Ông Hồng Hải (TP.Hải Phòng) ngày xưa thỉnh thoảng theo tàu Thống Nhất vào Sài Gòn chơi, kể lại: "Cứ đứng nhìn thấy cái nhà hàng khách sạn to sừng sững nhưng không dám vào vì sợ không có tiền". Hoặc như ông Hồng Cơ (quận 2) nhớ lại: "Cứ tối cuối tuần là con tôi lại nằng nặc đòi được chở đi ngắm nhà hàng nổi 5 sao với ánh đèn sáng rực cả dòng sông".

Với người Sài Gòn, khách sạn này chủ yếu để ngắm, hoặc rủng rỉnh lắm mới dám vào đó dùng bữa. Nên chức năng "nhà hàng" của cơ sở này được người Sài Gòn nhớ tới nhiều hơn. Thành thử, tên gọi "Nhà hàng nổi 5 sao" phổ biến hơn tên gọi "Khách sạn Sài Gòn" hoặc "khách sạn nổi".

Khách sạn có 201 phòng đủ tiêu chuẩn 5 sao, với phòng tập thể dục, sân tennis, hồ bơi, 2 vũ trường... hiện đại. Các khách sạn 4 sao, 5 sao hiện nay, e rằng chưa chắc đã được trang bị đầy đủ như khách sạn nổi cách nay 30 năm.

Riêng 2 cái vũ trường, có thể xem như điểm vui chơi về đêm hiếm hoi của đất Sài Gòn thời điểm đấy. Hồ bơi lại nằm trên tầng thượng, khiến ai đã từng trải nghiệm thật lòng khó quên. 

Trong bối cảnh đất nước đổi mới, cần lắm những dịch vụ lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc tế, chỉ có mỗi khách sạn này mới đạt được tiêu chuẩn phục vụ cho khách nước ngoài. Giá phòng có rẻ đâu? Có lúc cao điểm lên đến 355 USD/đêm, bằng cả gia tài vào thời điểm đó chứ ít ỏi gì. Ấy vậy mà lúc nào cũng kín phòng.

Đời trôi nổi của khách sạn biểu tượng một thời ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Bến Bạch Đằng ngày nay – nơi tọa lạc lúc trước của Khách sạn nổi 5 sao. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Khách sạn nổi, chữ "nổi" như vừa nói, có 2 ý nghĩa: nổi trên nước và nổi bật. Nhưng ít ai ngờ khách sạn nổi này lại còn thêm ý nghĩa thứ 3: trôi nổi. "Nổi" thế nào ai cũng biết rồi. Vậy nó "trôi" ra sao?

Về "nơi sinh", khách sạn được xây dựng ở Singapore và hoạt động ban đầu tại Úc với tên The John Brewer Reef Floating Hotel. Đây được xem như khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới. Nhưng xui xẻo sao, ngay năm đầu khai thác, khách sạn đã khiến nhà đầu tư lỗ tới 8 triệu đô la. Để cắt lỗ, họ bán lại cho một công ty Nhật Bản. 

Công ty Nhật Bản mới đưa khách sạn nổi về Sài Gòn hoạt động vào năm 1989 để thu hút khách hàng với địa điểm đắc địa, chất lượng dịch vụ tuyệt hảo. Biết bao đoàn khách quốc tế, cũng như hội nghị hội thảo, bàn bạc kinh doanh, ký kết hợp đồng, làm ăn thương mại... đã được diễn ra tại đây.

Đời trôi nổi của khách sạn biểu tượng một thời ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Chủ tịch Kim Jong Un đứng trước công trình khách sạn. Ảnh: Vietnamnet

Dù đã đón đầu được luồng gió mới khi mở cửa, nhưng chỉ cần 5 năm, đất Sài Gòn năng động đã có thêm hàng loạt khách sạn đẳng cấp được cải tạo hoặc xây mới, khiến cho khách sạn nổi bị cạnh tranh gay gắt, chuyện làm ăn không còn ngon lành như trước. 

Mặt khác, một số người có ý kiến cho rằng khách sạn án ngữ ngay Bến Bạch Đằng, làm mất vẻ mỹ quan đô thị.

Thành thử lúc 9h30 ngày 1/4/1997, Khách sạn nổi Sài Gòn chính thức nhổ neo lên đường tới Singapore. Theo những người nước ngoài sống tại TP.HCM thời ấy, họ đã tổ chức một bữa tiệc vào năm 1997 để tiễn tàu nổi lên đường.

Sau khi về Singapore, khách sạn được một tập đoàn của Hàn Quốc mua lại, đưa về sử dụng tại Khu du lịch Núi Kim Cương (Triều Tiên) nhằm thu hút khách quốc tế. Thậm chí, có lúc khách sạn còn được chọn làm địa điểm gặp mặt của những gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. 

Nhưng do một số căng thẳng chính trị, ngoại giao, cả khu du lịch này ngừng tiếp nhận khách quốc tế vào năm 2008. Điều này khiến cho khách sạn nổi nói riêng và các khách sạn khác trong khu du lịch nói chung "méo hết cả mồm". Từ 2008 đến nay, khách sạn gần như bị bỏ hoang, không được duy tu, sửa chữa, bảo quản...

Nhìn lại quãng đời trôi nổi hàng 14.000 km trên đại dương, qua hàng loạt quốc gia, nhiều lần sang tên đổi chủ..., khách sạn nổi này quả có số phận hẩm hiu thật. 

Nhưng nếu chỉ cần khách sạn còn sử dụng được, sao không thử đưa về Việt Nam, đặt tại Phú Quốc hoặc Vũng Tàu... biết đâu lại chẳng khôi phục lại hào quang từng có? Có thế mới xứng đáng với danh tiếng khách sạn nổi đầu tiên của thế giới và khách sạn đẹp nhất một thời của Việt Nam. Để cuộc đời "trôi nổi" chỉ còn "nổi" chứ không còn "trôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem