Đợt dịch Covid-19 bùng phát, người chăn nuôi dê không tiêu thụ được sản phẩm, giá dê rớt thảm chỉ còn 70.000 đồng/kg, giảm hơn phân nửa so với trước dịch.
Ông Phạm Thanh Chung - Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ở xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) là người tích cực tham gia hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện thời gian qua.
Thấy đàn dê đến tuổi xuất chuồng không có chỗ tiêu thụ, ông Chung nhận dê về giết mổ, đóng gói rồi nỗ lực tìm kênh phân phối khắp nơi trong tỉnh để hỗ trợ bà con.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát, đàn dê ở huyện Lộc Ninh không tiêu thụ, giá dê rớt thảm chỉ còn 70.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Khánh
Đến nay, Bình Phước bước vào bình thường mới, khâu vận chuyển trở nên thuận tiện hơn, ông Chung có thể giúp mọi người đưa hàng đi xa hơn, xuống Bình Dương, TP.HCM.
"Giá dê đã dần phục hồi trở lại. Đây là tín hiệu tích cực để người chăn nuôi dê tiếp tục yên tâm gắn bó với nghề", ông Chung nói.
Ông Phạm Thanh Chung nhận dê về giết mổ, đóng gói, rồi tìm kênh tiêu thụ để hỗ trợ nông dân trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Trần Khánh
Bà Đinh Thu Hương đang nuôi đàn dê 30 ở xã Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh). Bà Hương kể, đàn dê vốn dễ chăm sóc, thức ăn là cỏ lá có thể tận dụng trong vườn.
Với giá bán ổn định, mỗi năm gia đình bà thu về gần 100 triệu đồng từ việc bán dê thành phẩm. Đây được xem là nguồn thu lớn đối với người nông dân.
"Vì thế, khi thông thương mua bán dần bình thường trở lại, nông dân vẫn muốn phát triển đàn dê vì ổn định hơn so với các ngành nghề chăn nuôi khác", bà Hương chia sẻ.
Ông Lộc Văn Loan, ngụ cùng xã Lộc Hiệp cho biết, từ cuối tháng 10, giá dê cái (loại dưới 20kg/con) đã tăng lên 125.000 đồng/kg. Dê đực cùng trọng lượng có giá 115.000 đồng/kg.
Mức giá này đã tăng gần 40.000 đồng/kg so với 10 ngày trước đó, khiến người chăn nuôi dê ở địa phương phấn khởi.
Cũng theo ông Loan, do đợt dịch vừa qua, giá cả xuống thấp nhưng nghề nuôi dê vẫn là mô hình kinh tế hiệu quả so với chăn nuôi heo đang gặp nhiều bấp bênh.
Người chăn nuôi dê tính chuyện lâu bền
Thêm một tin vui cho bà con chăn nuôi dê ở xã Lộc Hiệp khi cuối tháng 10 vừa qua, HTX Dê vàng Lộc Ninh ra đời, đặt trụ sở ngay trên địa bàn xã Lộc Hiệp. HTX do ông Loan làm giám đốc.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HND xã Lộc Hiệp, trên địa bàn xã có 2.000 hộ dân.
Trong đó, 70% hộ dân trong xã có chăn nuôi dê, với tổng đàn lên đến 13.000 con.
Với 11 thành viên, số lượng đàn dê của HTX Dê vàng Lộc Ninh đang có gần 1.000 con.
Thông qua HTX, Hội Nông dân sẽ huy động các nguồn vốn để hỗ trợ cho các thành viên phát triển kinh tế.
Vừa qua, Hội Nông dân huyện đã giải ngân được hơn 500 triệu từ Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp người dân tiếp tục phát triển đàn dê.
"Đây được xem là tiền đề để người chăn nuôi yên tâm liên kết sản xuất, tiêu thụ", ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Viết Dần, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết, giá dê trên địa bàn đã phục hồi trở lại, tương đương thời điểm trước dịch Covid-19.
Giá dê hiện dao động quanh mức 140.000-150.000 đồng/kg. Người chăn nuôi đã tự chủ động đầu ra khi tỉnh Bình Phước thực hiện bình thường mới.
Để khai thác hết thế mạnh của địa phương, giúp người chăn nuôi dê đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tạo con giống chất lượng tốt.
Đồng thời, các cấp chính quyền sẽ đẩy mạnh liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm thịt dê, từng bước giúp bà con yên tâm sản xuất.
Ông Dần cho biết, từ các chi tổ hội, HTX chăn nuôi dê trên địa bàn, Hội Nông dân huyện sẽ tập hợp, liên kết các đơn vị này lại để tiến tới thành lập Hội quán Dê vàng Lộc Ninh.
"Hội quán Dê vàng Lộc Ninh sẽ ra mắt vào cuối năm nay, là nơi tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cho thịt dê toàn huyện Lộc Ninh", ông Dần chia sẻ.