Bình Phước: Giá dê rớt thảm, lại tốn thức ăn, nông dân đau đầu tìm nơi tiêu thụ

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 10/09/2021 14:00 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến giá dê ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) tuột dốc chỉ còn hơn 70.000 đồng/kg, rớt hơn phân nửa so với cao điểm. Giá dê rớt thảm, hàng ngàn hộ chăn nuôi dê đang tìm nơi tiêu thụ.
Bình luận 0

Toàn huyện Lộc Ninh có gần 6.000 hộ chăn nuôi dê, với tổng đàn hơn 80.000 con.

Giá dê rớt thảm

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, chăn nuôi dê là mô hình giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả vì đầu ra ổn định.

Thế nhưng, trong vòng 2 tháng trở lại đây, dịch Covid-19 khiến đầu ra ngưng trệ, giá dê sụt giảm rất mạnh.

Tại ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú (Lộc Ninh), ông Đỗ Bá Vinh chuyên nuôi dê vỗ béo theo hình thức công nghiệp từ nhiều năm nay.

Ông Đỗ Bá Vinh ở ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh nuôi dê vỗ béo theo hình thức công nghiệp. Ảnh: Thu Trang

Ông Đỗ Bá Vinh ở ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh nuôi dê vỗ béo theo hình thức công nghiệp. Ảnh: Thu Trang

Trang trại dê của ông Vinh đang có 400 con. Trong đó có hơn 150 con đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm và rất khó tiêu thụ.

Ông Vinh kể, thời điểm mua dê cỡ nhỏ về vỗ béo, giá ở mức 180.000- 210.000 đồng/kg.

Sau mấy tháng chăm bẵm, đến kỳ xuất chuồng thì giá dê hiện chỉ còn 70.000-80.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người nuôi lỗ "sấp mặt".

Trong khi đó, giá cám hiện nay tăng vọt lên 250.000 đồng/bao. Trung bình, 1 con dê tiêu thụ khoảng 10.000 đồng tiền cám/ngày. Như thế, cả đàn dê của ông đang "nhai" mất 4 triệu đồng tiền cám mỗi ngày.

Quá sốt ruột, ông Vinh cắt giảm một nửa số cám trong khẩu phần ăn cho dê.

"Đồng thời tăng cường cho ăn kèm cây lá trong vườn nhà. Nhưng dịch còn phức tạp, người nuôi sợ khó cầm cự được lâu dài", ông Vinh than thở.  

Ông Ngô Kiệt ở ấp Bù Tam, xã Lộc Quang đang chăm sóc đàn dê. Ảnh: Thu Trang

Ông Ngô Kiệt ở ấp Bù Tam, xã Lộc Quang đang chăm sóc đàn dê. Ảnh: Thu Trang

Tại ấp Bù Tam, xã Lộc Quang, ông Ngô Kiệt cũng đang nuôi vỗ béo 110 con dê. Đàn dê này được ông mua về từ tháng 7/2021, có trọng lượng từ 10-16 kg/con.

Thời điểm đó, ông Kiệt mua với giá 192.000 đồng/kg. Nhưng nay, dê đến kỳ xuất bán thì thương lái không thu mua.

Mọi người có nhu cầu xin liên hệ:

. Ông Lê Khắc Phú - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh: 038.548.6878

. Ông Nguyễn Viết Dần – Cán bộ Hội Nông dân huyện Lộc Ninh: 0982.319.658

Không bán được dê thịt, ông Kiệt giữ lại để nuôi sinh sản. Ông Kiệt tâm sự: "Nhìn 6 con dê con mới sinh thì thấy thương mà nhìn tình cảnh của mình thì thấy xót".

Ông Kiệt hiện đang 1 mình nuôi con nhỏ. Ông đã đầu tư hết 450 triệu đồng vào đàn dê. Với mức giá hiện tại, nếu có bán được, ông cũng lỗ vốn hơn một nửa.

"Kể cả chấp nhận lỗ nhưng cũng không dễ bán được vì đầu ra khó khăn. Mà sức mình thì nhắm khó giữ được đàn dê lâu hơn", ông Kiệt nói.

Hàng ngàn hộ chăn nuôi dê đang tìm nơi tiêu thụ

Anh Hoàng Văn Thủy – Phó Giám đốc HTX hồ tiêu sinh thái Lộc Quang ở ấp Bù Tam (xã Lộc Quang) kể, khi thu nhập từ cây hồ tiêu giảm sút, chi phí đầu tư quay vòng bị hạn chế.

Nhiều hộ dân phải tìm cách khắc phục để vừa duy trì vườn tiêu vừa cải thiện kinh tế. Trồng tiêu kết hợp nuôi dê là mô hình khá hiệu quả mà gia đình anh đang áp dụng.

Người dân ở thôn Bù Tam, xã Lộc Ninh tận dụng cây lá trong vườn tiêu làm thức ăn nuôi dê. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người dân ở thôn Bù Tam, xã Lộc Ninh tận dụng cây lá trong vườn tiêu làm thức ăn nuôi dê. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dê vốn ăn tạp, ít dịch bệnh nên dễ nuôi. Bình Phước lại có diện tích hồ tiêu lớn. Trong đó hơn 2/3 được trồng bằng cây nọc sống.

Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi trồng kết hợp khi tận nguồn lá cây cho dê ăn, rồi lấy phân dê bón lại cho cây tiêu. Anh Thủy cũng vừa trồng 1,5ha tiêu vừa thả nuôi hơn 40 con dê.

Anh Thủy kể, cùng kỳ năm ngoái, thương lái vào tận nhà bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 200.000 đồng/kg. Bà con phấn khởi lắm.

Nhưng dê của Bình Phước phần lớn tiêu thụ ở thị trường TP.HCM, Bình Dương. Nguồn thịt phục vụ chủ yếu cho các nhà hàng, quán ăn.

"Dịch Covid-19 khiến thị trường teo tóp. Thương lái có thu mua không biết làm sao tiêu thụ nên giá dê rớt thảm", anh Thủy giải thích.

Ông Đặng Đức Hải – Bí thư Chi bộ ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú cũng chia sẻ, khi cây hồ tiêu bị bệnh chết, giá hồ tiêu không ổn định thì hầu hết các hộ dân có vườn tược đều chuyển sang chăn nuôi dê.

Giá dê ở Lộc Ninh, Bình Phước đang giảm xuống rất thấp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá dê ở Lộc Ninh, Bình Phước đang giảm xuống rất thấp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ấp Bù Nồm có 218 hộ dân, thì có trên 75% hộ đầu tư chăn nuôi dê. Hộ nào ít cũng nuôi 3-4 con dê mẹ; hộ trung bình cũng cỡ 100 con. Các trang trại thì nuôi từ 300-500 con dê là bình thường.

Giá dê xuống thấp đang gây rất nhiều khó khăn cho các nông dân. "Bởi nếu không nuôi dê thì bà con cũng không biết nuôi con gì để có lãi hơn", ông Hải nói.

Ông Lê Khắc Phú - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết, từ 3 năm gần đây, phong trào nuôi dê ở địa phương phát triển mạnh. Nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển theo hình thức trang trại.

Trong mùa dịch, dê không tiêu thụ được. Người dân đang phải gồng mình cầm cự, và tìm mọi cách phải giữ đàn dê lại, phòng khi dịch bệnh được kiểm soát.

Huyện Lộc Ninh hiện đã thành lập tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp để giúp bà con. Ông Phú cho biết, Hội Nông dân huyện đã họp và phân công nhau mỗi người chủ động tìm đầu ra cho nông dân.

"Việc quan trọng nhất hiện nay là tìm kiếm đầu mối tiêu thụ từ các tỉnh bạn, nhất là các đơn vị ở ngoài vùng dịch bệnh để kết nối tiêu thụ giúp bà con", ông Phú chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem