Ba con đường Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM) nằm ngay cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ được mệnh danh là phố trà sữa Sài Gòn. Khu tứ giác này mỗi cạnh chỉ hơn trăm mét nhưng hàng chục quán trà sữa nằm liên tiếp nhau. Hầu như thương hiệu nào cũng có, muốn uống của cửa hàng nào cứ tấp vào cửa hàng nấy.
Nhưng đó là câu chuyện của 3-4 năm trước. Hiện phố trà sữa Sài Gòn đìu hiu chưa từng thấy. Gần như 90% đã trả mặt bằng, chỉ còn lại một vài quán đếm trên đầu ngón tay nằm rải rác trên đường Huỳnh Thúc Kháng.
"Trước đây khu này thôi khỏi phải nói, giới trẻ tới lui liên tục bất kể ngày đêm. Mặt bằng họ giành giật nhau để mở bán trà sữa, người này vừa đi là người khác tới. Bây giờ thì vắng tanh vậy đó.
Đợt dịch Covid-19 đầu năm ngoái, vài quán chịu không nổi nên trả mặt bằng. Sau đó cứ đóng tiếp, đóng tiếp. Giờ gần như họ trả mặt bằng hết luôn", chị Thu - người bán trái cây, bánh tráng trộn trên đường Ngô Đức Kế nói.
Phía sau lưng chị là hai cửa hàng trà sữa còn nguyên bảng tên, chưa kịp tháo dỡ và dán chi chít số điện thoại cho thuê mặt bằng.
Trước đây, đông giới trẻ, các quán trà sữa "hốt bạc" thì chị Thu cũng có đồng ra đồng vô. Từ ngày phố trà sữa gần như đóng cửa, chị quảy gánh hết tòa nhà văn phòng này đến trước tòa nhà văn phòng khác trong khu vực để kiếm khách, nhưng cũng ế hơn xưa.
Nhiều người trẻ cũng tiếc nuối phố trà sữa giữa trung tâm TP.HCM. Hoàng Quỳnh (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho hay, trước đây nhóm bạn bè thường chọn một quán trong khu vực này để tụ họp mỗi tuần.
Hôm nào muốn đổi "đổi gió", chỉ việc đi thêm vài bước là đến quán khác.
"Bây giờ mỗi lần vào khu vực này, nhìn phố trà sữa mà thấy thương. Hồi trước, bạn bè tôi ở các tỉnh vào Sài Gòn chơi, tôi thường dẫn sang đây, ăn uống, vui chơi đều hết sức thuận tiện. Chỉ đi thêm vài bước là tới phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố", Quỳnh nói.
Giờ đây, các mặt bằng với giá thuê hàng nghìn USD mỗi tháng tại phố trà sữa đang tạm trở thành nơi nghỉ chân của các bác tài, shipper xe công nghệ.
Anh Văn Thành (shipper hãng Shopee Food) cho hay sau dịch, phố xa đìu hiu, hàng quán đóng cửa khiến anh và các anh em shipper khác ít đơn.
Trước đây, anh Thành nhận đơn giao trà sữa, thức ăn ở khu vực này rất nhiều nhưng hiện tài xế nào cũng "ngóng" ứng dụng "nổ đơn" (thông báo có đơn khách đặt).
"Tôi hy vọng TP đã dần khôi phục, nới lỏng giãn cách thì hàng quán cũng sẽ hoạt động trở lại nhiều hơn. Từ sáng đến giờ, gần tan tầm luôn rồi mà tôi nhận chưa được chục đơn", anh rầu rĩ.