Quán bar bán rau, karaoke ship bún thịt nướng không đủ trả tiền mặt bằng

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 28/10/2021 08:55 AM (GMT+7)
"Lấy ngắn nuôi dài", nhiều quán bar, karaoke tại TP.HCM chọn cách bán rau, bán bún thịt nướng nhưng vẫn không đủ tiền trả phí thuê mặt bằng. Họ cũng chưa biết ngày nào được bán lại.
Bình luận 0

Trong thời gian chờ được hoạt động trở lại, nhiều quán bar, karaoke tại TP.HCM đã ráng cầm cự, chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Ráng cầm cự cũng không đủ trả tiền mặt bằng

Hàng loạt mặt bằng tại TP.HCM bị trả không thương tiếc do kinh doanh khó khăn giữa dịch. Nhưng tại phố Tây Bùi Viện (đường Bùi Viện, quận 1) cảnh tượng này ít xảy ra, thay vào đó, các quán bar vẫn trong trạng thái chờ sự đồng ý của chính quyền TP.HCM để được hoạt động lại.

Quán bar bán rau, karaoke ship bún thịt nướng không đủ trả tiền mặt bằng - Ảnh 1.

Một quán bar lớn tại phố Tây Bùi Viện (góc đường Bùi Viện - Đề Thám) đã chuyển sang bán thực phẩm sạch, hoạt động 24/24. Ảnh: Hồng Phúc.

Tháng 9, khi nhu cầu về thực phẩm tươi sống trong mùa dịch của người dân vẫn ở mức cao, một vài quán bar trên con đường sầm uất này quyết định chuyển sang bán rau củ quả. "Buôn có bạn, bán có phường", một số quán bar khác cũng học hỏi, chuyển sang bán rau để "lấy ngắn nuôi dài", chờ ngày "tái xuất".

Chị Hoàng Oanh - quản lý một quán bar tại phố Tây Bùi Viện, cho biết rau củ quả được đưa trực tiếp từ nhà vườn Đà Lạt về. Quán đầu tư quầy kệ, khay đựng, quầy thu ngân và bố trí lối đi không khác gì các siêu thị thực phẩm mini.

Thời gian đầu, cửa hàng rau củ quả của chị đắt khách, bán buôn tấp nập cho người dân trong khu vực và các shipper "đi chợ hộ". Nhân viên của quán đang kẹt ở lại thành phố cũng kiêm luôn shipper đi giao hàng cho khách. Nhưng bán buôn chỉ được khoảng 1 tháng, gần đây, khi chợ, siêu thị mở lại thì cửa hàng vắng khách.

"Tôi và nhiều chỗ thích ứng cho nhân viên có việc làm, phần nào trả chi phí mặt bằng", chị Oanh nói. Nhưng chị cho hay, bán rau đắt khách cỡ nào cũng không thể nào đủ tiền trả phí mặt bằng mỗi tháng. Giờ rau củ ế ẩm, chị càng thêm lo.

Quán bar bán rau, karaoke ship bún thịt nướng không đủ trả tiền mặt bằng - Ảnh 3.

Cảnh hẩm hiu tại phố Tây Bùi Viện, quận 1 hiện nay. Ảnh: Hồng Phúc.

Cũng chuyển đổi mô hình kinh doanh, chị Yến - quản lý một quán bar nổi bật nằm giữa phố Tây Bùi Viện, cho hay do đi sau và thấy các quán bar bán rau củ quả đang thấp thỏm, nên chị chuyển hướng sang bán hủ tiếu. 

"Chúng tôi vẫn còn hơn 10 nhân viên đang ở lại TP.HCM để chờ được đi làm chứ chưa về quê. Do kinh doanh bar, các bạn đều biết nấu nướng nên chúng tôi chuyển sang bán hủ tiếu. Khu vực này không nhiều hàng quán, nên mở quán ăn vẫn khả quan", chị Yến nói.

Theo chị, đây là cách để tạo việc làm trong thời gian ngắn cho nhân viên, vừa có chút tiền để trả một phần chi phí mặt bằng. 

Karaoke cũng bán thức ăn online

Không chỉ quán bar, để cầm cự trong 4-5 tháng qua, một số hệ thống karaoke lớn tại TP.HCM cũng buộc phải chuyển sang bán thức ăn online.

Từ việc làm quen bán thức ăn từ các đợt dịch trước, chi nhánh karaoke thuộc chuỗi ICOOL trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) "chuyên nghiệp" hơn trong đợt dịch phức tạp lần này, đưa đồ ăn lên các ứng dụng giao nhận.

Thực đơn được thiết kế đa dạng, có bún thịt nướng, cơm chiên hải sản, mì xào hải sản, sụn gà rang muối, lẩu thái… không khác các nhà hàng, quán ăn. Giá các phần ăn cũng được cho là khá rẻ so với thương hiệu, từ 35.000 đồng/phần.

Quán bar bán rau, karaoke ship bún thịt nướng không đủ trả tiền mặt bằng - Ảnh 4.

Menu thức ăn của chuỗi karaoke trong mùa dịch đa dạng, như tại các nhà hàng, quán ăn. Ảnh: ICOOL.

Đại diện chuỗi này cho biết, trước đây, chuỗi cũng có kinh doanh thức ăn nhẹ cho khách đi karaoke, nay không thể kinh doanh ngành nghề chính thì chuyển sang bán thức ăn online, "lấy ngắn nuôi dài" chờ ngày được mở cửa.

Việc bán thức ăn online cũng là một cách để tạo việc làm cho người lao động trong mùa dịch. Còn lại, doanh thu từ bán thức ăn cũng không thể so sánh với karaoke trước đây.

Đại diện cửa hàng cho biết trung bình mỗi ngày, doanh thu từ bán thức ăn chỉ được vài triệu đồng, trang trải phần nào cho chi phí cũng như lương nhân viên, chưa thể tính đến chuyện bù qua chi phí mặt bằng.

Cũng vì khó khăn mà một hệ thống karaoke lớn khác mới đây cũng đã phải đóng cửa một chi nhánh trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) do không thể cầm cự nổi. Trước đây, nơi này vốn là địa điểm thường xuyên được người dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ lui tới, nhưng hiện mặt bằng này vẫn trống trơn.

Tính đến nay, các quán bar tại phố Tây Bùi Viện và dịch vụ karaoke đã đóng cửa hơn 5 tháng vì Covid-19. Từ đầu năm đến nay, họ chỉ hoạt động được khoảng hơn 1 tháng là phải vội đóng cửa vì làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại thành phố.

Khi được hỏi có nôn nóng được bán trở lại, đại diện các quán cho rằng phải mất rất lâu, UBND TP.HCM mới cho các dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ thì hy vọng bar, karaoke được bán lại khá mịt mờ. 

Trong khi đó, họ gần như kiệt quệ hoàn toàn vì không có doanh thu chính nhưng các khoản phí khác vẫn phải trả, nhất là gánh nặng mặt bằng. Dù đã thương lượng với chủ nhà và đã được đồng ý giảm nhưng người đi thuê vẫn phải đều đặn trả vài nghìn USD mỗi tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem