Dân Việt

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn: Hà Nội nhận trách nhiệm

Thế Anh 04/11/2021 17:21 GMT+7
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, TP.Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc dẫn tới chậm tiến độ, tiếp đó là UBND các quận có đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi qua.

Chiều nay (4/11), Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã tổ chức buổi họp công bố các thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Thông tin về việc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: "Nhìn chung không chỉ các công trình giao thông, hay dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông mà kể cả các công trình xây dựng khác theo suốt 1 quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách cả về bồi thường giải phóng mặt bằng đều vô cùng phức tạp".

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn: Hà Nội nhận trách nhiệm - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã sẵn sàng vận hành khai thác thương mại. Ảnh: Thế Anh

"Quá trình di dời, giải phóng mặt bằng cũng không tránh khỏi những khiếu kiện phức tạp kèm theo mà chúng ta còn phải giải quyết bằng luật tố cáo, luật tiếp công dân hoặc bằng các giải pháp khác", ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho hay: "Đối với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, là một công trình kỹ thuật hạ tầng xuyên tâm, TP.Hà Nội gặp phải khó khăn giải phóng mặt bằng, khó khăn về cơ chế chính sách".

Nêu trách nhiệm khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ, đội vốn, ông Tuấn khẳng định: "Trách nhiệm có một phần do giải phóng mặt bằng triển khai chậm, đương nhiên TP.Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc này, tiếp đó là UBND các quận có đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi qua".

"Đường sắt Cát Linh – Hà Đông cơ bản nằm trong tuyến trung tâm giải phân cách tuyến đường đô thị, nhưng các 12 nhà ga theo quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như kết nối giao thông phía dưới vào các nhà ga thì phải giải phóng mặt bằng rất nhiều", ông Tuấn thông tin.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn: Hà Nội nhận trách nhiệm - Ảnh 2.

Hệ thống cầu thang lên nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Thế Anh

Cũng tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị kéo dài nhiều năm là do dự án thí điểm, kinh nghiệm chưa có, tiêu chuẩn cũng chưa có. Quá trình chuẩn bị thi công, chúng ta gặp nhiều khó khăn, vừa làm vừa hoàn thành các tiêu chuẩn".

Thứ trưởng Đông cho biết thêm, thực tế, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến năm 2015 mới được bàn giao hết mặt bằng và thi công trong vòng 3 năm đã hoàn thành phần thi công xây dựng. Như vậy, rõ ràng chậm là do 1 phần nguyên nhân từ giải phóng mặt bằng.

Về quy chuẩn của đường sắt Cát Linh - Hà Đông, quy chuẩn để đánh giá an toàn kỹ thuật dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông áp dụng theo phương pháp đánh giá của châu Âu, còn tiêu chuẩn dự án vẫn phải đánh giá theo tiêu chuẩn của dự án. Ngay từ đầu không có các tiêu chuẩn về khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sau này, chúng ta sẽ xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn cho các dự án.

Đúng 7h ngày 6/11, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sẽ chính thức bàn giao dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Quá trình này sẽ bàn giao kèm theo 6 phụ lục. Sau ngày 6/11, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được khai thác vận hành.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là vận hành thử vào cuối năm 2020 và đầu 2021, đến nay đã hoàn thành.

Giai đoạn 2, từ ngày 6/11/2021 hoạt động trong vòng 1 năm và chia thành 2 giai đoạn 6 tháng đầu và 6 tháng sau. Giai đoạn này, chạy tất cả 13 đoàn tàu theo tiêu chuẩn của Trung Quốc là vận hành từ 1 – 3 năm, Hội đồng nghiệm thu Nhà Nước thống nhất giai đoạn này là 1 năm.

Giai đoạn 3 là khai thác vận hành bền vững lâu dài mãi mãi. Về tính ưu việt, dự án có thời gian chạy tàu từ đầu tuyến đến cuối tuyến chỉ mất 15 phút.