Chiều nay (4/11), Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã tổ chức buổi họp công bố các thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Thông tin về giá vé, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: "Tại các nhà ga của đường sắt Cát Linh – Hà Đông đều bố trí hệ thống bán vé tự động và quầy vé có nhân viên trực tiếp bán vé cho hành khách".
"Đối với vé tháng, hành khách chỉ cần đi qua cửa quẹt thẻ vé để lên nhà ga. Hệ thống cửa quẹt thẻ có thể tiếp nhận 42 người/phút", ông Trường thông tin.
Cũng theo ông Trường, trong trường hợp đông khách sẽ có nhân viên sử dụng máy quét vé bằng tay. Trên nhà ga sẽ có các bảng thông tin, thông báo các chuyến tàu tiếp theo là bao nhiêu phút để hành khách căn cứ vào đó chờ đợi tàu.
Về giá vé cho đối tượng ưu tiên, ông Trường cho hay: "Giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông tương đương vé xe buýt khoảng 7 nghìn đồng và cứ đi 1km sẽ cộng thêm 600 đồng. Đối với người đi vé tháng thì đi bao nhiêu sẽ trừ bấy nhiêu. Đối với hành khách đi vé lượt thì sẽ làm tròn đi 1 ga là 8 nghìn đồng, thêm một ga là 9 nghìn đồng và đi cả tuyến là 15 nghìn đồng".
"Vé tháng bình thường là 200 nghìn đồng, còn vé tháng ưu tiên là 100 nghìn đồng. Vé tháng của tàu Cát Linh – Hà Đông có tính ưu việt sử dụng trong 30 ngày, mua ngày nào thì sẽ tính đến ngày mua vé của tháng sau và có vé ngày, ông Trường cho hay.
Thông tin về nhân sự phục vụ đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Trường chia sẻ, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 651 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ cho các vị trí để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo yêu cầu thực tế và khuyến cáo của Tư vấn ACT (Pháp), công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đã bổ sung thêm 82 nhân sự để đáp ứng khuyến cáo.
Khi đưa tàu Cát Linh – Hà Đông vào khai thác, công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đảm bảo đội ngũ nhân sự đầy đủ tại các vị trí, đáp ứng đúng quy định của Bộ GTVT về tiêu chuẩn nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018.
Ông Trường thông tin thêm, đã có 41 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu tại Trung Quốc, 16 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu trong nước.
Trong tháng 4/2021 công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đã trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị cho 37 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu tại Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu do Cục Đường sắt Việt Nam thành lập đã trình Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy phép lái tàu cho 36 nhân sự đủ điều kiện tiêu chuẩn.
Ngoài ra, 16 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ lái tàu trong nước đang tiếp tục được công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý dự án Đường sắt, Trường Cao đẳng nghề Đường sắt đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình để hoàn thiện điều kiện tiêu chuẩn cấp giấy phép lái tàu, đáp ứng nhu cầu vận hành tuyến trong giai đoạn tiếp theo.
Đối chiếu với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản đáp ứng các điều kiện về pháp lý để các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức khai thác tuyến đường sắt đô thị.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông áp theo tiêu chuẩn Trung Quốc
Trả lời thông tin về việc hồ sơ, tiêu chuẩn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Quá trình nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có lập các hồ sơ nghiệm thu đảm bảo quy trình an toàn, mục tiêu ban đầu của dự án".
"Kết luận của Kiểm toán Nhà nước có chỉ ra các vấn đề liên quan chủ yếu là trách nhiệm của chủ đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cơ bản đã hoàn thiện theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước và vẫn đang được tiếp tục giải quyết. Đến 2022 mới kết thúc dự án", Thứ trưởng Đông cho hay.
Về tiêu chuẩn của dự án, Thứ trưởng Đông khẳng định: "Việt nam chưa có tiêu chuẩn về đường sắt đô thị, và mới ban hành tiêu chuẩn khai thác, còn về tiêu chuẩn thiết kế, đặc biệt tiêu chuẩn thiết bị là chưa có tiêu chuẩn".
"Theo khung tiêu chuẩn năm 2013 đã được phê quyệt, về cơ bản tiêu chuẩn của Việt Nam có quy định gì thì chúng ta áp dụng tiêu chuẩn đó, tiêu chuẩn gì không có thì dùng tiêu chuẩn của Trung Quốc. Tiêu chuẩn của Trung Quốc đều áp dụng tiêu chuẩn châu Âu và có các chỉ số khác nhau", Thứ trưởng Đông khẳng định.
Theo Thứ trưởng Đông, quy chuẩn đánh giá dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo phương pháp đánh giá của châu Âu, còn tiêu chuẩn dự án vẫn phải đánh giá theo tiêu chuẩn của dự án.
Ngay từ đầu không có các tiêu chuẩn về khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sau này, chúng ta sẽ xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn cho các dự án sau.
Dự án bị éo dài nhiều năm là do dự án thí điểm, kinh nghiệm chưa có, tiêu chuẩn cũng chưa có. Quá trình chuẩn bị thi công, chúng ta gặp nhiều khó khăn, vừa làm vừa hoàn thành các tiêu chuẩn.
Thứ trưởng Đông cho biết thêm, thực tế, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến năm 2015 mới được bàn giao hết mặt bằng và thi công trong vòng 3 năm đã hoàn thành phần thi công xây dựng. Như vậy, rõ ràng chậm là do 1 phần nguyên nhân từ giải phóng mặt bằng.
Đúng 7h ngày 6/11, chính thức bàn giao
Thông tin về ngày bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định: "Đúng 7h ngày 6/11, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sẽ chính thức bàn giao dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông".
"Quá trình này sẽ bàn giao kèm theo 6 phụ lục. Sau ngày 6/11, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được khai thác vận hành", ông Tuấn cho biết.
Thông tin về việc khai thác, ông Tuấn cho hay: "Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là vận hành thử vào cuối năm 2020 và đầu 2021, đến nay đã hoàn thành.
Giai đoạn 2, từ ngày 6/11/2021 hoạt động trong vòng 1 năm và chia thành 2 giai đoạn 6 tháng đầu và 6 tháng sau. Giai đoạn này, chạy tất cả 13 đoàn tàu theo tiêu chuẩn của Trung Quốc là vận hành từ 1 – 3 năm, Hội đồng nghiệm thu Nhà Nước thống nhất giai đoạn này là 1 năm.
Giai đoạn 3 là khai thác vận hành bền vững lâu dài mãi mãi. Về tính ưu việt, dự án có thời gian chạy tàu từ đầu tuyến đến cuối tuyến chỉ mất 15 phút.
"Cát Linh – Hà Đông là 1 trong 10 tuyến đường sắt đô thị trong tương lai đã được phê quyệt quy hoạch trong tương lai. Về tương lai Cát Linh – Hà Đông sẽ được kéo dài tới TT. Xuân Mai", ông Tuấn cho hay.
"Trước đây, dự án dự kiến đến năm 2014 hoàn thành, nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và các thủ tục nên dẫn tới dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm và bị chậm đến này là 6 năm", ông Tuấn cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.