Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Công Tám - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình có 36/41 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương là rất lớn".
Theo ông Trần Công Tám, nguyên nhân do mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn dịch bệnh, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.
Bên cạnh đó, thời tiết chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, trong khi giá đầu ra giảm mạnh khiến cho người dân không mạnh dạn đầu tư, thiếu chăm sóc, nuôi dưỡng.
"Chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào chăn nuôi. Khi đó, quy mô chăn nuôi lớn, các công nghệ hiện đại được áp dụng sẽ tránh được các mầm bệnh. Đặc biệt, tạo liên kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân trong chăn nuôi, giúp người dân có phương pháp chăn nuôi khoa học, có thị trường tiêu thụ ổn định", ông Tám nói.
Cũng theo ông Trần Công Tám - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, để góp phần ngăn chặn, hạn chế dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Kiểm soát vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm. Phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung khống chế dịch, khoanh vùng phun hóa chất làm vệ sinh môi trường…
Để bảo đảm cho việc tái đàn sau khi khống chế được hoàn toàn dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các trang trại phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái. Tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi lợn an toàn sinh học.
"Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ảnh hưởng đến tiêu thụ thịt lợn, ngành thú y tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng ra sức tuyên truyền, vận động người dân không "quay lưng" với thịt lợn, làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi", ông Trần Công Tám - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình.