Dân Việt

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và những lình xình liên quan đến việc cấp phép chất tạo nạc thịt lợn Salbutamol

K.Nguyên 05/11/2021 08:05 GMT+7
Khi cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, một con số khiến người ta giật mình: Trong số hơn 9.140kg Salbutamol được nhập về, chỉ có 10kg được sử dụng đúng mục đích. Đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu là Cục Quản lý dược, khi đó Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường làm Cục trưởng.

Chỉ 10kg Salbutamol Cục Quản lý dược cho nhập khi Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường làm Cục trưởng sử dụng đúng mục đích

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa bị khởi tố vì liên quan đến vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma. 

Trước đó, những lình xình liên quan đến việc cấp phép chất tạo nạc thịt lợn Salbutamol của Cục Quản lý dược cũng khiến dư luận vô cùng bức xúc sau khi lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt vụ việc trộn chất cấm Salbutamol (còn gọi là chất tạo nạc) vào thức ăn chăn nuôi cho lợn, gây rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tại một hội nghị tổng kết đợt ra quân cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 3/3/2016 ở Hà Nội, một con số khiến nhiều người giật mình khi chỉ có 10kg trong số 9.140kg Salbutamol được nhập về, chỉ có khoảng... 10kg được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, còn lại phần lớn là chui vào bụng... lợn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và những lình xình liên quan đến việc cấp phép chất tạo nạc thịt lợn Salbutamol  - Ảnh 1.

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm chất cấm Salbutamol trong heo nguồn gốc từ Đồng Nai - Ảnh: Công Nguyên

Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an đưa ra tại hội nghị này cho thấy, trong năm 2015, đã có trên 20 doanh nghiệp nhập khẩu 9.140 kg Salbutamol về Việt Nam.

Trong đó, khoảng 3 tấn được lưu giữ tại kho của các doanh nghiệp, còn lại hơn 6.000 kg đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng mục đích, quy định.

Trong y khoa, Salbutamol nằm trong số nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Nhưng không hiểu tại sao rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam lại có thể mua được thoải mái chất này để trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm để kích thích tăng trưởng. Gia súc được nuôi bằng thức ăn có trộn chất này cho tạo tỷ lệ nạc nhiều hơn, màu sắc thịt tươi hơn.

Đáng chú ý, chỉ sau 4 tháng triển khai đợt cao điểm xử lý tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi năm 2016, đã có 13 doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng chất Salbutamol để phối trộn vào thức ăn gia súc.

Trong tháng 7/2016, cơ quan chức năng đã lấy 350 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu đi thử nghiệm. Kết quả, phát hiện 8 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol tại 3 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh Bình Dương, Hưng Yên, Bình Định. 

Trước đó, những vụ việc trộn chất cấm Salbutamol vào thức ăn chăn nuôi đã được phát hiện từ năm 2012.

Một con số cũng rất giật mình: 1kg chất cấm Salbutamol nhập khẩu chính ngạch thời điểm đó chỉ có giá 1,5-1,6 triệu đồng nhưng đã bị đẩy lên đến 15 triệu đồng/kg khi được tuồn ra ngoài bán trái phép cho người chăn nuôi. 

Nhưng chỉ có Cục Quản lý dược mới được cấp phép cho nhập khẩu loại chất này, 9.000kg chất này đã được sử dụng không đúng mục đích đã được tuồn ra ngoài bằng cách nào?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong hai năm 2014-2015, Bộ chỉ cho các doanh nghiệp dược nhập 9.091 kg Salbutamol về Việt Nam, trong đó năm 2015 là 5.215kg và năm 2014 là 3.876kg. 

Nguyên liệu Salbutamol, thuốc chứa Salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, được sử dụng trong ngành y tế, tuy nhiên chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt. 

Trước những bất cập trong việc quản lý Salbultamol, cuối tháng 12/2015 Cục Quản lý dược khi đó Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường làm Cục trưởng đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol và yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng nhập khẩu 2 nguyên liệu này vì đây là các nguyên liệu sản xuất thuốc đang bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi để tạo nạc.

Đối với các nguyên liệu đã nhập khẩu trước đó, Cục Quản lý dược yêu cầu chỉ được dùng để sản xuất thuốc tại công ty hoặc bán cho các công ty khác có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi sản xuất thuốc, hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực.

Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng tạm dừng vì bị lạm dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, nguyên liệu Salbutamol đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho phép nhập lại để làm thuốc, nhằm tránh tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và những lình xình liên quan đến việc cấp phép chất tạo nạc thịt lợn Salbutamol  - Ảnh 2.

Sự nguy hiểm của chất Salbutamol khi sử dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. Được biết, chỉ 10kg Salbutamol Cục Quản lý dược cho nhập khi Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường làm Cục trưởng sử dụng đúng mục đích. Nguồn: TTXVN.

Chất Salbutamol Cục Quản lý dược cho nhập khi Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường làm Cục trưởng nguy hiểm như thế nào?

"Nếu lợn được kích thích bằng Salbutamol thì cơ bắp, cơ mông, cơ đùi chắc, nổi rõ. Đặc điểm rõ nhất khi dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là lợn bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 lợn sẽ ít di chuyển, thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 lợn bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao".

Đây chỉ là một số tác hại rõ nhất của Salbutamol đối với vật nuôi được chỉ rõ trong báo cáo của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia trình bày trong hội nghị của Bộ NNPTNT tìm giải pháp nói không với chất cấm hồi năm 2016.  

Theo các chuyên gia, Salbutamol tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người nếu dùng sai mục đích. 

Ủy ban cảnh giác Dược châu Âu đã khuyến cáo không nên sử dụng Salbutamol trong sản khoa ở dạng đường uống hoặc đường đặt hậu môn trong việc phòng ngừa cơn cơ thắt chuyển dạ. 

Đặc biệt, phụ nữ mang thai sử dụng lâu dài hay ăn các thực phẩm tạo nạc từ Salbutamol có nguy cơ làm tăng khả năng bị quái thai.

 Việc sử dụng thịt động vật có dùng Salbutamol sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra các triệu chứng rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, run cơ, liệt cơ, choáng váng,…

Nếu Salbutamol được tích lũy trong cơ thể một thời gan dài, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Rất may, sau những nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện các vụ việc vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, từ năm 2018 đến nay, qua kiểm tra hầu như không phát hiện các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.