Dân Việt

Bất ngờ: Một chương trình thu hút nhiều phụ nữ tham gia, càng vùng khó càng bán đắt hàng, là chương trình gì?

Khánh Nguyên (ghi) 06/11/2021 12:30 GMT+7
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hướng phát triển của các sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm phái sinh gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hướng phát triển của các sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm phái sinh gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Clip: K.N

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đi được chặng đường hơn 3 năm. Những kết quả lớn nào mà chương trình đã đạt được, thưa ông?

- Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020. 

Với quyết định này, lần đầu tiên, chương trình được triển khai một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước với khoảng 9.000 xã tham gia phát triển các sản phẩm OCOP.

Sau 3 năm triển khai, chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2020, các tỉnh đã xây dựng đề án phát triển mỗi xã một sản phẩm, 61/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo thang điểm được quy định tại Quyết định 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP.

Nâng tầm, tăng giá trị sản phẩm OCOP  - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP bí xanh thơm của nông dân tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Nguyễn Chương

"Chương trình OCOP cũng tạo ra tác động lớn về mặt xã hội, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của chị em phụ nữ khi tỷ lệ chủ thể nữ rất cao, chiếm 37,9% trong tổng số 2.776 chủ thể, trong khi các doanh nghiệp do nữ làm chủ chỉ chiếm 24%".

Ông Nguyễn Minh Tiến

Sau khi phân hạng, đánh giá, thống kê cho thấy có trên 5.021 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm tỷ lệ khoảng 70%; các sản phẩm 4 sao chiếm 30%, còn lại là các sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu ứng của chương trình?

- Theo đánh giá của chúng tôi, các địa phương đã triển khai Chương trình OCOP một cách đồng bộ, tạo sự lan tỏa, sau khi tổ chức đánh giá, phân loại, vượt xa so với mục tiêu ban đầu chương trình đề ra là có trên 2.000 sản phẩm từ 3 sao trở lên. Đặc biệt chương trình đã thu hút hơn 2.776 chủ thể tham gia.

Ngoài mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP, chương trình còn hỗ trợ các loại hình tổ chức sản xuất phát triển, đẩy mạnh liên kết trong hợp tác xã. 

Trong số 2.776 chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP có 37,6% là các hợp tác xã, doanh nghiệp chiếm 27,1 %, chủ thể hộ 31%, còn lại là các loại hình khác.

Quan trọng hơn, chương trình tạo ra chuỗi giá trị mang tính khép kín, định hình được vị trí của nhóm sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế từng vùng miền. 

Nếu chúng ta đi vào chất lượng sản phẩm gắn với tri thức bản địa, cộng với sự sáng tạo của chủ thể thì sẽ tạo ra một dòng sản phẩm có thể có quy mô nhỏ nhưng tạo giá trị riêng về văn hóa, tri thức bản địa kể cả hương vị, khẩu vị cũng khác. 

Ở đây, với sản phẩm OCOP, các chủ thể không chỉ bán sản phẩm đó mà còn có thể bán cả giá trị văn hóa.

Điều này cũng góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đang bị mai một, giữ bản sắc của mỗi quốc gia bởi bản sắc của mỗi quốc gia phụ thuộc vào sản phẩm đặc sản.

Hiệu quả xã hội của chương trình thì sao, thưa ông?

- Có một thực tế là Chương trình OCOP lại phát triển rất tốt và hiệu quả ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc miền núi, bởi ấn chứa ở đó những giá trị văn hóa rất riêng biệt. Tại Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum, Gia Lai… Chương trình OCOP phát triển rất tốt, nhiều sản phẩm có sức hút.

Nâng tầm, tăng giá trị sản phẩm OCOP  - Ảnh 3.

Chứng nhận OCOP cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn. Ảnh: Nguyễn Chương

Nâng tầm, tăng giá trị sản phẩm OCOP  - Ảnh 4.

Tôi chỉ lấy ví dụ về sản phẩm gạo Séng Cù của Lào Cai, dù diện tích trồng giống lúa này rất ít, sản lượng không nhiều nhưng các chủ thể hoàn toàn cạnh tranh được và sống khỏe bởi giá trị riêng biệt của nó.

Tôi cho rằng, Chương trình OCOP đã tìm ra con đường phát triển sinh kế hiệu quả cho người dân ở vùng khó khăn, để họ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và dư địa phát triển còn rất lớn, chứ không cần mang một nhà máy đặt ở đó rồi san phẳng tất cả, sẽ mất hết giá trị cảnh quan.

Chương trình OCOP cũng giúp tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn. Có thể sản phẩm đó đã có sẵn ở địa phương, nhờ chuyển đổi tư duy, được hỗ trợ khoa học công nghệ nên sản phẩm được nâng tầm.

Như vậy Chương trình OCOP còn góp phần giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức, thay vì làm theo kinh nghiệm, ít quan tâm đến mẫu mã, hiện nay nhiều chủ thể đã coi trọng bao bì, mẫu mã, thậm chí còn đăng ký sở hữu trí tuệ.

Tôi lấy ví dụ sản phẩm trà 5 sao Hảo Đạt (Thái Nguyên), chủ thể đã làm trà từ nhiều năm nay, ngon có tiếng trong vùng. 

Khi tham gia Chương trình OCOP, chủ cơ sở đầu tư nhiều phân khúc sản phẩm, đầu tư bao bì, mẫu mã đã giúp giá bán sản phẩm tăng vọt.

Và điều quan trọng hơn là, khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, các chủ thể lại quan tâm đến chuỗi giá trị.

Ví dụ, chủ cơ sở trà Hảo Đạt đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết với các hộ khác trồng chè đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, từ 20ha ban đầu đến nay quy mô vùng nguyên liệu đã lên đến 45ha.

Trong giai đoạn tới, chương trình sẽ tập trung phát triển theo hướng nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn tới, chúng tôi mong muốn các chủ thể có thêm những sản phẩm mới, được tinh chế để nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, cần tập trung đảm bảo chất lượng sản phẩm, để có phân khúc thị trường riêng, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng biết nhiều hơn về sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Tiếp tục cải tiến mẫu mã, bao bì, dùng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc; phấn đấu 100% sản phẩm có mã QR code để khi cần có thể biết sản phẩm này làm ở đâu, của ai.

Xin cảm ơn ông!