Tốn hơn 50 tỷ đồng làm hồ sơ sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP là tất yếu

Nguyên An Thứ tư, ngày 27/10/2021 21:01 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ cũng như nhận định của ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng – Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương tại buổi tập huấn "Hướng dẫn sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP" vừa được tổ chức chiều nay (27/10). Chương trình do VP Điều phối NTM TƯ chủ trì.
Bình luận 0

Chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP là tất yếu

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) được triển khai theo quyết định số 470 QĐ/TTG ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một chương trình mà trọng tâm là phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn góp phần xây dựng NTM bền vững.

Tốn hơn 50 tỷ đồng làm hồ sơ sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP là tất yếu - Ảnh 1.

Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được gắn tem truy xuất nguồn gốc, mã QR đảm bảo tiêu chuẩn, tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, có sức lan tỏa mạnh mẽ và có độ phủ sóng rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố.

Thực hiện quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCCOP, các địa phương đã tổ chức, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, đã có 5092 sản phẩm ở 62/63 tỉnh thành trên cả nước đạt 3 sao trở lên.

Năm 2020, Bộ NNPTNT đã đánh giá và công nhận 20 sản phẩm của 12 tỉnh, thành phố đạt sản phẩm OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Nhằm triển khai định hướng chuyển đổi số trong thời gian qua, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (VP Điều phối NTM TƯ) đã chủ động trong việc chuyển đổi số trong triển khai trương trình NTM nói chung và chương trình OCOP nói riêng.

Cụ thể, VP Điều phối NTM TƯ đã áp dụng, triển khai phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Tuy nhiên để tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục trong quy trình đánh giá, phân hạng, xếp loại sản phẩm, hôm nay (27/10), VP Điều phối NTM TƯ phối hợp với các đơn vị đầu ngành hỗ trợ kỹ thuật để tập huấn hướng dẫn phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Tham dự buổi tập huấn chiều ngày (27/10) có:

-Ông Nguyễn Minh Tiến- Cục trưởng – Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương

- Ông Tonny Harman- Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Úc tại Việt Nam

- Ông Filip Graovac - Phó Trưởng Đại diện văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam

Cùng các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các địa phương và các chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ: "Việc ứng dụng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Chỉ có chuyển đổi số mới đảm bảo cho chúng ta trong việc kết nối với hàng nghìn chủ thể OCOP trong tình hình mới. Trong hơn 3 năm vừa qua, công tác đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP là công đoạn hết sức quan trọng.

Nó không chỉ giúp chúng ta xếp hạng sản phẩm OCOP mà còn thông qua việc áp vào bộ tiêu chí để nhận ra được những hạn chế, những nút thắt trong khi triển khai từ ứng dụng dụng KHCN, vùng nguyên liệu, sở hữu trí tuệ,.. cho đến mạng lưới phân phối cũng như chất lượng sản phẩm. Chúng tôi quan niệm công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để giúp chúng ta nhìn thấy những hạn chế để từ đó các bộ ngành TƯ, các tỉnh thành và các cấp dưới đặc biệt là các chủ thể hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế."

Tốn hơn 50 tỷ đồng làm hồ sơ sản phẩm OCOP

"Công tác giấy tờ, hồ sơ rất nhiều, nhiều bộ hồ sơ rất dày, đây là khối lượng đòi hỏi thời gian và công sức rất lớn. Bên cạnh đó, khi triển khai công tác trên thì chúng ta cũng đã gây áp lực cho các cơ quan các cấp. Đáng nói, có những hồ sơ kinh phí lên tới trên dưới 10 triệu, tính sơ sơ với 5902 sản phẩm OCOP đã được công nhận, chúng ta đã lãng phí hơn 50 tỷ đồng. Việc này dẫn đến việc gây tốn kém chi phí lớn,... do vậy, việc chuyển đổi số trên phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là cần thiết và cấp thiết. Và chỉ khi chúng ta ứng dụng chuyển đổi số thì sau này khi chúng ta truy cứu, đánh giá quy trình một sản phẩm OCOP mới có thể đầy đủ, công khai và minh bạch nhất", ông Tiến nhận định.

Tốn hơn 50 tỷ đồng làm hồ sơ sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP là tất yếu - Ảnh 3.

Nguyễn Minh Tiến- Cục trưởng – Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số để số hóa các hồ sơ sẽ giúp cho các chủ thể có điều kiện thuận lợi ngay từ khi bắt đầu tham gia chương trình OCOP. Hai chuyên đề chiều nay sẽ chủ yếu tập trung và phần mềm để hướng dẫn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể. Khi chủ thể bắt đầu tham gia chúng ta sẽ cấp ID cho các chủ thể. Từ đó những khó khăn, hạn chế sẽ được thể hiện rõ để các cấp ban ngành có thể hỗ trợ, giúp đỡ.

Xây dựng hệ sinh thái về dữ liệu của các chủ thể tham gia OCOP, giúp các cơ quan chức năng kiểm soát giám sát kiểm tra được dễ dàng hơn, còn đối với các chủ thể thì có thể tương tác với các nhà phân phối được nhanh chóng và minh bạch, công khai.

Qua quá trình triển khai để thấy được những tâm huyết, mong muốn của VP ĐP TƯ để các chuyên gia sẽ hỗ trợ giúp đỡ để ứng dụng chuyển đổi số thông tin được diễn ra thuận lợi nhất có thể.

Cũng trong khuôn khổ buổi tập huấn, ông Nguyễn Minh Tiến cũng gửi làm cám ơn đến ông Tony Harman - Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Úc đã hỗ trợ cho VP trong thời gian qua. Mong muốn các cơ quan, các nhà tài trợ tiếp tục  hỗ trợ VP ĐP NTM TƯ đặc hiệt cho chính quyền địa phương và các chủ thể để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số trong triển khai xây dựng OCOP. Để sản phẩm của chúng ta kết nối với người tiêu dùng cuối cùng.

Hơn 21.000 nghìn đơn hàng các sản phẩm OCOP được bán ra mỗi tháng trên sàn TMĐT

Đánh giá cao sức mạnh của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, ông Tony Harman, Tham tán nông nghiệp sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, việc đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử là cơ sở quan trọng để mở rộng các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Tốn hơn 50 tỷ đồng làm hồ sơ sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP là tất yếu - Ảnh 4.

Buổi tập huấn "Hướng dẫn sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP". Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh (Tổ trưởng tổ 1034, Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết: Bộ Thông tin truyền thông đang phối hợp với 2 doanh nghiệp Bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Viettel triển khai nhiều hoạt động tích cực như tư vấn, triển khai, hướng dẫn các chủ thể bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn; Postmart; ( đây là hai mạng lưới chuyển phát nhanh rộng khắp trên cả nước, đưa sản phẩm về tận tay từng gia đình). Sau hơn 3 tháng thực hiện kế hoạch 1034 cả hai sàn thương mại đã đưa hơn 3000 sản phẩm OCOP lên môi trường số và tiêu thụ hơn 21.000 nghìn đơn hàng/ mỗi tháng.

"Hướng tới mục tiêu trong 2021 sẽ đưa các chủ thể OCOP tham gia vào nền tảng sàn thương mại điện tử Bộ thông tin truyền thông cam kết sẽ đồng hành cùng bà con nông dân, các HTX và các doanh nghiệp trong việc mở rộng các kênh bán hàng trên các nền tảng số, giúp cho các sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và góp phần gia tăng thu nhập cho người bán, ổn định đầu ra cho sản phẩm", bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh nói.

Những cải tiến của phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia

Tại buổi tập huấn chiều 27/10, báo cáo viên Nguyễn Khánh Toàn CEO Công ty CP giải pháp KYC đã hướng dẫn các địa phương, chủ thể OCOP sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Tốn hơn 50 tỷ đồng làm hồ sơ sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP là tất yếu - Ảnh 5.

"Nhận thấy rằng nhu cầu trao đổi thông tin và định danh của các chủ thể là một yếu tố quan trọng. Chúng ta có khoảng hơn 5 nghìn sản phẩm và 2,8 nghìn chủ thể tham gia vào OCOP.  Sứ mệnh của chương trình OOCP đó là làm thế nào để năng lực của các chủ thể được tăng cường? Làm thế nào để các chủ thể trình bày được các sản phẩm chất lượng cao, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế?,... để giải quyết những vấn đề đó phần mềm OCOP quốc gia đã có những cải tiến nhất định".

Nhiều câu hỏi, nhận định, đánh giá về phần mềm đã được gửi tới BTC. Đồng thời, các chủ thể OCOP, lãnh đạo các địa phương cũng nhận được những câu trả lời rất thỏa đáng về việc sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia từ các chuyên gia trong lĩnh vực nói trên.

TRANG THÔNG TIN NÀY CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI 

NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem