Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết như thế tại Diễn đàn Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 6/11.
Diễn đàn tổ chức trong bối cảnh Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" vào tháng 4/2021.
Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn còn lúng túng.
Ở miền Nam, Long An là một trong những địa phương có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long, gạo, chanh...
Bà Khanh cho biết, tỉnh Long An đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng lúa, thanh long, chanh, chuối và gần đây là cây mít.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu của nông sản Long An vẫn là Trung Quốc, với kim ngạch 388 triệu USD/năm.
Từ năm 2016, tỉnh Long An đã nhận thức việc chuẩn hóa vùng trồng, chất lượng nông sản hàng hóa để đáp ứng tốt hơn thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, Long An đã cấp được 217 mã số vùng trồng cho cây chanh, thanh long chuối, dưa hấu. Trong đó có 69 mã số cho thị trường Trung Quốc.
Long An đã cấp được 134 mã cho các cơ sở đóng gói thanh long, chanh, chuối, mít, sầu riêng xuất khẩu.
Bà Khanh cho rằng, tỉnh Long An rất thống nhất và đồng tình việc áp dụng các quy định mới với hàng hóa nông sản.
Bởi vì những quy định này sẽ giúp đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan với hàng hóa của mình.
Tỉnh Long An đã chuẩn bị từ sớm với quan điểm nâng cao chất lượng hàng hóa, cho cả xuất khẩu lẫn nội địa, mà trước hết là người dân địa phương mình.
Tuy nhiên, bà Khanh bày tỏ tiếc nuối, một thời gian khá dài ngành nông nghiệp vẫn tuyên truyền việc chuẩn hóa chất lượng hàng hóa nông sản để phục vụ thị trường xuất khẩu.
"Việc quá quan tâm đến thị trường xuất khẩu nhưng lại bỏ quên thị trường nội địa đã khiến vùng nguyên liệu vẫn tồn tại tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng", bà Khanh nói.
Đại diện ngành nông nghiệp Long An cũng cho biết, tình trạng này hiện đang được khắc phục dần. Và khi thị trường càng siết chặt các quy định với nông sản thì Long An càng đánh giá cao.
Nguyên nhân là các quy định này sẽ góp phần hỗ trợ thuận lợi cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Thực tế lâu nay, cơ quan chức năng đã tuyên truyền nhưng thị trường vẫn nhan nhản các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa rõ ràng chất lượng.
"Việc tuân thủ các quy định kiểm soát sản phẩm nông nghiệp có thể khó thực hiện trong giai đoạn đầu nhưng cần thiết phải thay đổi", bà Khanh nhấn mạnh.
Về công tác chuẩn bị cho Lệnh 248 và 248 của Hải quan Trung Quốc, Sở NNPTNT Long An đã tham mưu cho UBND tỉnh về việc xây dựng bộ quy chế thích ứng.
Sở NNPTNT tỉnh Long An kiến nghị Bộ NNPTNT có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về thủ tục, quy cách kiểm tra trực tuyến, kiểm tra tại nguồn của Trung Quốc.
"Mặt hàng thanh long của Long An chủ yếu hướng đến xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh rất mong muốn có tài liệu, hình ảnh minh họa để phổ biến chi tiết đến doanh nghiệp", bà Khanh nói.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết, sản lượng trái thanh long của Bình Thuận khoảng 600.000 -700.000 tấn/năm. Trong đó, khoảng 70-80% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Từ năm 2018 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 68 mã số vùng trồng và 268 cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm thanh long xuất khẩu Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp mới xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc vẫn còn lúng túng với các quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 249.
"Không chỉ doanh nghiệp mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các thủ tục theo quy định của 2 lệnh này cũng còn lúng túng", ông Tấn nói.
Vì thế, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận đề nghị các cơ quan liên quan ra văn bản hoặc hướng dẫn kỹ hơn để các địa phương, doanh nghiệp và HTX… triển khai thuận lợi.
Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, đã có rất nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Trước đây, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp thông qua đầu mối là Bộ NNPTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay cơ quan này có thể xem xét, đánh giá hồ sơ trước, sau đó kiểm tra online. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp đang vướng.
Nhận xét "Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính", ông Lê Thanh Hòa đề nghị, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin từ các đầu mối như Văn phòng SPS Việt Nam.
"Để xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các quy trình kiểm soát, và những tiêu chuẩn để mở cửa thị trường, cũng như các thông báo SPS", ông Hòa chia sẻ.